“Muốn biết suy nghĩ của người Nga, anh phải đi qua một mê cung”, HLV Stanislav Cherchesov nói như vậy với các phóng viên nước ngoài ngay từ đầu giải đấu. “Tôi cho rằng đến khi tiếng còi khai cuộc bắt đầu, một nửa dân nước này mới biết nước mình tổ chức World Cup”, vị thuyền trưởng của đội tuyển xứ sở bạch dương chia sẻ.
Người Nga cũng thích bóng đá, nhưng không nhiều bằng hockey trên băng. Khi được hỏi là chờ đợi nhất ở cầu thủ Nga nào tại giải này, nhiều người trả lời “Andrei Arshavin”.
Họ quá chán với thành tích bóng đá của nước Nga đến mức họ không còn theo dõi nữa. Bao nhiêu năm người Nga mới vượt qua được vòng bảng một giải World Cup? 32 năm, khi đó còn đội tuyển Liên Xô, tại Mexico, họ thua Bỉ 3-4 sau hai hiệp phụ ở vòng 1/8.
“Thất bại được báo trước”, 24 giờ trước khi Nga đá trận khai mạc, tờ Moscow Times giật tiêu đề như vậy. Nga bước vào giải với thứ hạng thấp nhất trên bảng FIFA trong số 32 đội bóng (vị trí thứ 70).
Không phải Moscow Times nói đội nhà không thắng được Saudi Arabia, mà nói Nga sẽ không vượt được qua vòng bảng. Hơn 70% số người Nga cùng ý kiến trong cuộc thăm dò dư luận.
Vì sao họ mang cái nhìn tiêu cực như vậy? Vì họ thấy đội bóng này không được chuẩn bị thích hợp để thực hiện vai trò chủ nhà. Nga giành quyền đăng cai World Cup từ năm 2010, khi đó họ có đội tuyển khá hay với HLV Guus Hiddink vừa lọt vào bán kết EURO 2008.
Rồi ông Hiddink ra đi, người Nga cũng cố dựng đội bóng tốt chuẩn bị cho giải đấu trên sân nhà bằng các HLV có thương hiệu khác như Dick Advocaat, Fabio Capello, và những dự án này cũng thất bại.
Không phải các HLV trên kém cỏi, họ không có cầu thủ tốt để sử dụng, “có bột mới gột lên hồ”, mà họ không phụ trách công tác đào tạo, họ không tạo ra “bột”.
Nghịch lý của nền bóng đá
Bóng đá Nga không nghèo, nhưng họ không đưa tiền vào chỗ hợp lý. Thay vì đầu tư cho các học viện, cơ sở vật chất và chất xám huấn luyện để tạo ra các cầu thủ trẻ tốt, họ lãng phí tiền cho các cầu thủ nước ngoài đắt giá, với mức lương khủng khiếp và các khoản hoa hồng cho những người môi giới cầu thủ trong giải Russian Premier League.
Kết quả là rất ít cầu thủ Nga có trình độ cao như các đồng nghiệp phía Tây lục địa. Càng nghịch lý hơn nếu so sánh với thập niên 1990. Lúc đó, bóng đá Nga thảm hại về mặt tài chính, các cầu thủ khát khao chuyển ra nước ngoài thi đấu.
Và nhiều người làm được điều đó như Igor Shalimov, Igor Kolyvanov, Sergei Anenikov ở Serie A, Andrei Kanchelskis ở Premier League, Sergei Kiryakov ở Bundesliga, Valery Karpin, Aleksandr Mostovoi và Viktor Onopko ở La Liga. Những cầu thủ khác không ngần ngại tới kiếm sống ở các giải đấu nhỏ hơn như tại Israel.
Thế hệ các cầu thủ phát triển vào những năm 2000 như Andrey Arshavin, Aleksandr Kerzhakov, Roman Pavlyuchenko và Pavel Pogrebnyak cũng muốn đi theo chân các đàn anh với khát khao cải thiện trình độ, dù lúc đó bóng đá Nga bắt đầu có nhiều tiền, Spartak Moscow, Zenit St Petersburg, CSKA Moscow có thể trả lương cao.
Nhưng thế hệ này không còn khát khao như vậy nữa. Làn sóng các cầu thủ Nam Mỹ và Tây Âu đến Russian Premier League với mức lương “thủng trần” đã kéo mức lương các cầu thủ bản địa lên cao chóng mặt.
Vì sao? Vì để ngăn cản các CLB cho ra sân đội hình toàn cầu thủ nước ngoài, Liên đoàn bóng đá Nga áp dụng hạn ngạch hạn chế số lượng cầu thủ nước ngoài vào sân trong mỗi trận đấu. Các CLB buộc phải tranh giành nhau số ít ỏi cầu thủ nội địa có trình độ khá bằng mức lương cao.
Một cầu thủ mới chỉ là hứa hẹn nhưng chưa chứng tỏ được nhiều như tiền đạo Aleksandr Kokorin cũng kiếm được 5 triệu euro mỗi năm ở Zenit. Không đội bóng ngoài nước Nga nào sẵn sàng trả cho Kokorin mức lương bằng 1/3 như thế. Vậy thì Kokorin làm gì có động lực ra nước ngoài chơi bóng?
Khi một vài cầu thủ như Viktor Vasin, Georgy Dzhikiya, Alexander Kokorin bị chấn thương, HLV Cherchesov lo sốt vó. Nga có 145 triệu dân mà để kiếm ra 23 cầu thủ trình độ tươm tất một chút cũng khó.
Ông buộc phải gọi lại trung vệ Sergei Ignashevich, 39 tuổi, đã từ giã đội tuyển cách đây 2 năm, rồi phải đặt niềm tin vào chân sút luôn gây rắc rối và làm những việc kỳ quặc ngoài sân bóng như Artem Dzyuba.
Ngôi sao của đội tuyển Nga là Denis Cheryshev trưởng thành trong nền bóng đá Tây Ban Nha, nói tiếng Tây Ban Nha rành hơn tiếng Nga. Năm 1996, khi mới 5 tuổi, anh ta chuyển sang Tây Ban Nha theo gia đình vì cha anh ta Dmitry Cheryshev cũng là cầu thủ sáng giá cùng thế hệ với Mostovoi ký hợp đồng chơi bóng cho CLB Sporting Gijon.
Denis Cheryshev, khoác áo Villarreal, là một trong hai cầu thủ Nga thi đấu ở nước ngoài, người kia là thủ môn dự bị Vladimir Gabulov ở Club Brugge. Còn lại đều thi đấu trong nước.
Ngôi sao mới nổi Aleksandr Golovin sinh ra ở thị trấn Kaltan giữa vùng Siberia hoang lạnh. Phần lớn trong số 22.000 cư dân ở thị trấn đó làm trong hầm mỏ. HLV đầu tiên của Golovin mất một cánh tay trong tai nạn hầm lò, sân bóng duy nhất của thị trấn luôn ở điều kiện tồi tàn ngay cả trong mùa hè, chứ không nói đến mùa đông băng giá.
Vậy mà Golovin vẫn thành tài để gánh trên vai niềm hy vọng của 145 triệu dân. Nếu nền bóng đá Nga sớm dành tiền vào trồng người thay vì lãng phí vào việc trả lương cho các cầu thủ nước ngoài, hay xây những công trình thể thao lớn dùng vài lần mỗi năm rồi đắp chiếu, thì bây giờ họ đã có rất nhiều Golovin.
Hân hoan sống trong nghịch lý
Thế nhưng giữa những nghịch lý của nền bóng đá Nga, lại nảy ra một nghịch lý khác khiến người Nga hân hoan: đội tuyển “thất bại được báo trước” của họ lại thi đấu vượt mọi mong đợi. Mỗi trận đấu của họ làm người Nga yêu bóng đá trở lại.
Dự án Advocaat, Capello thất bại, Leonid Slutsky - HLV bản địa đã chứng tỏ khả năng với CSKA Moscow - cũng đầu hàng. Cờ đến tay Cherchesov - thủ môn dự bị cho Rinat Dasaev tại World Cup 1990, giải đấu cuối cùng của đội tuyển Liên Xô trên trường quốc tế.
Giữa hàng loạt HLV và cầu thủ loanh quanh kiếm việc trong nước, Cherchesov là người “quốc tế” hơn hẳn với sự chịu khó ra nước ngoài làm việc. “Chỉ trích người khác là điều rất tự nhiên trong thế giới ta đang sống hôm nay, vì thế tôi không đọc báo, nghe đài, tôi điếc với những lời chỉ trích”, ông nói.
Thời gian đó Cherchesov dành cho lịch sử và cờ vua, những thứ ông thích. Ông học được sự kỹ lưỡng trong tính toán của người chơi cờ, sự điềm tĩnh của những vị tướng trong lịch sử từng giúp Nga thắng trong các trận chiến Borodino, Stalingrad.
Tây Ban Nha là đội đầu tiên chuyền hơn 1.000 đường bóng trong một trận đấu World Cup, nhưng họ không lay đổ bức tường thành người Nga dựng lên. Tấn công để tìm kiếm pha bóng cố định, để gỡ hòa, và để chiến thắng trong loạt sút cân não là những điều đến sau đó, như mọi người biết.
Và người Nga tiếp tục sống trong sự lạ kỳ, trong cái nghịch lý mang tới hân hoan cho họ.
Bình Luận