“Nhiệm vụ của Carlos Vela là chơi ngay trước hai tiền vệ phòng ngự của đội Đức – Kroos và Khedira – và di chuyển thọc sâu tới hai trung vệ,” HLV ông Juan Carlos Osorio của Mexico giải thích sau trận địa chấn thắng Đức ở Luzhniki hôm qua.
Các phóng viên đã hỏi Osorio vì sao rút Vela ra ngay ở phút 58 trong khi anh đã thi đấu rất hay trước đó (và thực tế hàng công của Mexico không còn sắc vậy nữa khi anh rời đi).
Lời giải thích là vì đó là kế hoạch hoàn hảo Osorio đã chuẩn bị từ trước: kế hoạch 60 phút với hy vọng bẻ gẫy hàng tiền vệ cỗ xe tăng Đức, phá vỡ kết nối giữa Kroos và Khedira và đưa ra những cú phản đòn nhanh chết người. Một kế hoạch đã được ông chuẩn bị trong 6 tháng.
Ông cảnh báo với Vela đây sẽ là công việc không dễ. “Đó là vị trí tốn rất nhiều thể lực. Chỉ trong 60 phút đó thì đã tương đương với cả trận. Thực tế là 60 phút là chúng tôi ‘hết vốn’,” ông Osorio nói về kế hoạch của mình. “Kế hoạch ban đầu là vậy và Carlos Vela chính là cầu thủ chơi hay nhất của chúng tôi trận này.”
Đó chỉ là phần nhỏ trong kế hoạch mà Osorio đã chuẩn bị suốt 6 tháng cho chiến thắng trước tuyển Đức, đội đương kim vô địch. Ông biết mình cần hai tiền vệ cánh rất nhanh để mỗi đợt phản công nhanh có thể thọc sâu, xé tan hàng phòng ngự Đức như cách đàn Piranha cắn mồi.
Ông cần kế hoạch phòng ngự chắc chắn kể cả khi đối phó hàng tấn công 3 tiền đạo+4 tiền vệ mà Đức sẽ dồn lên ở hiệp 2. Ông dành những ngày trước đó để rèn cầu thủ của mình cách phản công nhanh trước đội Đức kể cả khi họ “phòng thủ với 4 tiền vệ” nhằm để bọc lót cho hàng phòng ngự.
“Đó là cách chúng tôi suýt ghi được bàn thắng thứ hai,” ông nói về tình huống Vela chỉ còn thiếu vài cm là có thể nhận được đường chuyền của Javier Hernandez để kết thúc trước Manuel Neuer.
Osorio cũng nói sau trận về việc biết rõ đối thủ thế nào. “Tôi biết chính xác họ sẽ thay những ai khi họ bị dẫn bàn.” Mexico đã biết cách để đối phó với cầu thủ có khả năng không chiến tốt như Mario Gomez nên “chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với anh ta ngay từ đầu.”
Và khi các cầu thủ và cổ động viên òa lên ăn mừng bàn thắng phút thứ 35 của Hirving Lozano, Osorio lại ngồi lặng lại suy nghĩ và ghi chép. Ông giải thích sau trận đấu là cần tìm cách để Mexico không thủng lưới ngay trong 5 phút tiếp theo.
Tất cả đã được lên kế hoạch chi tiết tỉ mỉ tới từng nhân sự nhỏ và từng chi tiết chiến thuật.
Nhưng đó chỉ là một phần chuẩn bị về mặt chiến thuật, về mặt tinh thần, HLV người Colombia này cũng đã rất kỳ công với tuyển Mexico.
Sáu World Cup liên tiếp, cổ động viên Mexico luôn ăn mừng đội bóng của mình vượt qua vòng bảng để rồi lại thấy đội hình đó thua thảm hại ngay vòng 1/16.
Năm 1994, Mexico thua Bulgaria trên chấm phạt đền ở vòng 2. Năm 1998, họ bị thua ở vòng 2 trước Đức dù dẫn trước 1 bàn. Tới 2002, Mỹ lại dập tan niềm hy vọng của Mexico khi thắng đội 2-0 ở Jeonju, Hàn Quốc.
12 năm qua lần lượt 12 HLV được thay thế với hy vọng phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Một số tập trung và chuyện phải tập nặng hơn, một số kêu gọi lòng tự hào dân tộc, một số thậm chí đưa quân tới những kim tự tháp cổ của Mexico với hy vọng về “phép màu nhiệm”.
Năm 2006, HLV Argentina Ricardo La Volpe đã xác nhận điều mà ai cũng biết: đội có vấn đề về sự tự tin và điều đó cản trở các cầu thủ. “Chúng tôi mất tinh thần trong những tình huống mà chẳng có lý do nào lại bị vậy.” La Volpe nói các cầu thủ Mexico thường thi đấu tốt ở cấp CLB nhưng lại mất tinh thần khi đối mặt với các đối thủ lớn ở World Cup.
Giải pháp của La Volpe khi đó là thuê Catalina Camacho, một kiến trúc sư rành về lịch sử và phong thủy. Ông nghĩ cách thức đó có thể giúp về mặt tâm lý cho cầu thủ và giúp họ tăng sự tự tin.
Cách của Camacho khi đó bao gồm cả việc cho HLV mặc đồ có hình con rồng – để thu hút năng lượng mạnh – trong một số trận. Cô đưa cầu thủ lên kim tự tháp ở Teohtihuacán để lấy năng lượng. Các cầu thủ còn ghi các nỗi sợ sâu thẳm nhất của mình, bỏ vào quan tài và chôn xuống đất. Kết quả của các biện pháp này là Mexico cũng vượt qua vòng bảng nhưng lại chịu dừng bước trước Argentina ở vòng 1/16 ở hiệp phụ.
Mexico tới World Cup lần này là đoàn quân triển vọng nhất trong nhiều năm qua. Hơn một nửa cầu thủ từng thi đấu ở các câu lạc bộ hàng đầu ở châu Âu, một số từng vô địch Olympic hoặc vô địch giải trẻ thế giới.
Không có thầy phong thủy, để giải quyết thách thức về tâm lý, HLV Juan Carlos Osorio đã tìm kiếm một biện pháp khá mới với Mexico: hai năm trước, ông thuê chuyên gia tâm lý Imanol Ibarrondo vào đội ngũ huấn luyện để huấn luyện về tinh thần.
Khi báo chí và người hâm mộ Mexico chỉ trích, Osorio chỉ nói “Mỹ là nước hàng đầu trên thế giới và các VĐV của họ đều có trợ giúp về tâm lý. Điều đó có gì sai?”
Ibarrondo cũng không phải là chuyên gia tâm lý có bằng cấp. Ông từng là cầu thủ chuyên nghiệp trong thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu và chuyển sang dạy về tâm lý cho cầu thủ. Ông viết cuốn sách nói về phương pháp của mình trong đó nhấn mạnh về sự hợp tác, tập trung vào sự cảm thông và suy nghĩ tích cực.
Dù có những chỉ trích ban đầu, Osorio và vài cầu thủ đều đã ủng hộ sự có mặt của ông, trong đó có Miguel Layun, Javier Hernandez và Marco Fabian.
“Sự tự tin của chúng tôi đang rất cao,” Fabian nói. “Ông ấy khiến chúng tôi cảm thấy mình cùng nhau, cùng hướng về mục tiêu chung.”
Mục tiêu của đội Mexico được Osorio nói rất rõ trong họp báo sau trận tối qua: “Thông điệp là chơi bóng vì khát khao chiến thắng chứ không phải là vì sợ hãi thua cuộc.” Liệu pháp tinh thần có vẻ đã có tác dụng trong trận gặp Đức hôm qua: Mexico đã thi đấu quả cảm và dũng mãnh.
Với chiến thắng lịch sử trước tuyển Đức, Mexico đã đặt được bước chân đầu tiên để vượt qua bảng khó với Đức, Thụy Điển và Hàn Quốc này.
Thử thách thật sự của họ sẽ là vòng 1/16. Nếu nhất bảng họ có thể đối mặt với Serbia hoặc Thụy Sĩ. Nhì bảng, đối thủ của họ rất có thể sẽ là Brazil.
Bình Luận