Pháp và trận thắng nhờ VAR
Phút 54 trận đấu giữa Pháp vs Úc, ở vòng bảng World Cup 2018 (bảng C), Antoine Griezmann xâm nhập vòng cấm và ngã sau cú xoạc chân phá bóng của Risdon.
Trọng tài chính Andres Cunha xác định không có lỗi trong tình huống này, và cho trận đấu tiếp tục. Bản thân Griezmann và các cầu thủ Pháp cũng không tạo sức ép lên trọng tài, mà tiếp tục cuộc chơi.
Tuy nhiên, một phút sau đó, ông Cunha cho trận đấu dừng lại để quan sát tình huống, nhờ công nghệ VAR lần đầu tiên FIFA đưa vào sử dụng trong lịch sử World Cup.
Phạt đền cho Pháp, và Risdon nhận thẻ vàng. 4 phút kể từ khi pha bóng diễn ra, Griezmann ghi bàn mở tỷ số trên chấm 11 mét.
Ở trận đấu giữa Peru và Đan Mạch, VAR cũng được dùng để quyết định một pha phạt đền mà trọng tài chính ban đầu không phát hiện ra. Nhưng cầu thủ Peru đã đá hỏng.
“Tôi không thích VAR, ngay từ đầu tôi đã không thích nó,” cựu hậu vệ MU, Phil Neville, bình luận trên BBC. Ngay lập tức, BBC cắt tín hiệu để quan điểm của Neville không đến với khán giả truyền hình Anh.
Có thể thấy BBC không muốn khách mời của mình bày tỏ quan điểm về VAR - một công nghệ tạo quá nhiều tranh cãi kể từ khi áp dụng trong bóng đá.
"VAR giết chết cảm xúc bóng đá"
Zinedine Zidane, người hùng dẫn Real Madrid giành 3 danh hiệu Champions League liên tiếp, không hề thích thú với thứ công nghệ mới này.
“Thật chán ngắt. Bóng đá mất đi những cảm xúc,” Zidane tuyên bố. “Nếu đưa ra quyết định ngay lập tức, tốt thôi. Nhưng phải 3-4 phút sau trọng tài mới đưa ra quyết định thì đó là chuyện kỳ lạ.”
Trước đây, Luka Modric cũng từng phản đối việc áp dụng VAR vào bóng đá. “Tôi không thích VAR, vì nó không phải là bóng đá.”
Gareth Bale nhiều lần chịu những quyết định thiệt thòi từ trọng tài. Nhưng anh vẫn bảo vệ quan điểm không nên áp dụng VAR. “Tôi luôn thích những gì thực tế và cảm xúc. Vậy nên, bóng đá sẽ tốt hơn nếu không có công nghệ VAR.”
Huyền thoại Jorge Valdano của Argentina và Real Madrid phản ứng mạnh mẽ hơn: “Thật ghê tởm. Tôi ghê tởm thứ công nghệ ấy.”
Trong cuốn sách phân tích về bóng đá hiện đại và VAR, Valdano đưa ra quan điểm: “Hãy đừng làm gián đoạn những cảm xúc bóng đá.”
VAR được sử dụng như một công nghệ hỗ trợ các tình huống tranh cãi trong bóng đá. Có nhiều tình huống diễn ra nhanh, trọng tài không thể theo kịp.
Các trọng tài video sẽ xem xét tình huống, rồi từ đó liên lạc với trọng tài chính để có thể đưa ra những thay đổi về quyết định.
Nhưng trên tất cả, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính, dù ông sử dụng hay không sử dụng VAR.
Trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trọng tài Rocchi đã từ chối gợi ý của trợ lý về việc dùng VAR để xử lý tình huống dẫn đến bàn gỡ hòa 1-1 của Diego Costa. Trước khi lập công, anh đã phạm lỗi với Pepe.
Có những tranh cãi rằng ông Rocchi đã sai khi công nhận bàn thắng của Diego Costa. Nhưng chính điều đó giúp ông được đánh giá cao, để cho trận đấu trải qua những cảm xúc đặc biệt, và Ronaldo có cơ hội tỏa sáng với hat-trick.
Nếu cứ dừng trận đấu để xử phạt tình huống diễn ra từ trước đó vài phút, đến Ronaldo cũng không thể duy trì cảm xúc để chơi bóng với khát vọng cao nhất.
Cần thời gian để quen với VAR?
Vậy, phản ứng của trọng tài - những người trực tiếp nhờ đến công nghệ VAR - thì sao?
Borbalan Fernandez - trọng tài hàng đầu Tây Ban Nha những năm qua, tâm sự: “Bạn sẽ không hiểu được tâm trạng của trọng tài, khi rời sân về khách sạn, rồi thấy sai lầm của mình trên tivi.
Điều đó rất khủng khiếp. Bạn sẽ mang cảm giác tội lỗi, vì sai lầm của mình khiến cho một đội bóng bị tổn thương nghiêm trọng.”
Ông Borbalan Fernandez là người bắt chính trận Siêu kinh điển 2011, với sự cố Mourinho chọc ngón tay vào mắt Tito Vilanova - khi ấy là trợ lý của Pep Guardiola (và ông đã qua đời vì ung thư).
“Tôi đã không được thấy tình huống Mourinho chọc mắt Vilanova. Nhưng nếu có công nghệ như hiện nay, tôi sẽ đưa ra quyết định ngay trong trận đấu.”
“Ban đầu, tôi không đồng thuận với VAR,” Borbalan Fernandez thừa nhận. “Nhưng sau khóa học VAR, tôi thấy đây là điều hữu ích, mang đến sự công bằng hơn. Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng diễn ra trong một trận đấu bóng đá, ví dụ như phân biệt chủng tộc. VAR sẽ giúp phát hiện những điều này.
VAR sẽ còn gây tranh cãi. Nhưng đây là một công nghệ hữu ích cho bóng đá. Bóng đá ngày nay đi xa hơn so với 20, 30 năm trước, nên trọng tài cần sự trợ giúp của VAR. Sẽ phải mất vài năm để chúng ta có thể thích nghi và quen với những quyết định được đưa ra từ VAR.”
Bình Luận