Đã từng có một thời chưa hẳn đã xa, đội tuyển Bồ Đào Nha với những Luis Figo, Rui Costa hay Deco trình diễn thứ bóng đá đặc sệt chất La tinh, hoa mỹ và đầy cống hiến. Họ được cả thế giới gọi là "Brazil của Châu Âu", bởi giữa Lục địa già vốn nổi tiếng về sự toan tính chiến thuật như vậy, vẫn còn đó le loi một đội tuyển chọn thứ bóng đá cống hiến nhưng cũng rất bản năng.
Thế rồi thời gian cũng lấy đi những Luis Figo, Rui Costa và cả Deco nữa, ĐT Bồ Đào Nha dần vơi hẳn đi những siêu sao trong đội hình, chiến thuật trong bóng đá cũng nổi lên nhưng xu hướng mới. Chẳng hạn như sơ đồ 4-2-3-1 ngự trị trong các ý tưởng về chiến thuật, tiếp đó là 3-4-3, 3-5-2 cùng với đó là lối đá phòng ngự phản công được ưa chuộng. Bồ Đào Nha cũng dần phải thay đổi để hợp hơn với thời thế.
Họ lần đầu tiên vô địch EURO vào năm 2016 khi lọt tới bán kết mà không thắng được trận nào trong 90 phút (giành chiến thắng ở vòng 1/8 và tứ kết lần lượt ở hiệp phụ cùng loạt sút luân lưu). Fernando Santos đã xây dựng một đội tuyển Bồ Đào Nha đi ngược lại hoàn toàn lịch sử của họ. Lối chơi tập thể gắn kết, phòng ngự khu vực kín kẽ, triển khai bóng nhanh trong các tính huống phản công và đặc biệt kiểm soát rất ít bóng.
Rõ ràng khi bóng đá thực dụng lên ngôi, Bồ Đào Nha cũng không thể nào đứng ngoài quy luật đấy. Hãy nhìn sang Tây Ban Nha vẫn trung thành cùng tiki-taka để rồi thất bại ở hai giải đấu lớn gần nhất (World Cup 2014 và EURO 2016), Pep Guardiola không thể nào chạm đến đỉnh cao Champions League thêm một lần nào nữa trong suốt ngần ấy năm từ khi rời Barca. Nhiều người bi quan đã nói bóng đá kiểm soát gần như đã hết thời.
Và Bồ Đào Nha ở World Cup 2018 vẫn chứng minh cho quan điểm đó. Đối đầu với Tây Ban Nha ở lượt trận đầu tiên, họ chỉ cầm bóng có 33% tung ra 9 cú sút so với 13 lần dứt điểm của La Roja, nhưng họ vẫn có được số bàn thắng ngang bằng với đối thủ.
Bước đến trận gặp Marocco, mọi chuyện còn rõ ràng hơn. Đại diện của Châu Phi chắc chắn không thể nào sánh ngang được với thầy trò HLV Fernando Santos, mặc dù vậy nhà cầm quân người Bồ vẫn lựa chọn cho đội bóng mình một thế trận an toàn ở phần sân nhà để chờ đợi phản công. Với nhiều cầu thủ tên tuổi ở hàng tiền vệ như Bernado Silva hay Joao Moutinho, nhưng Bồ Đào Nha vẫn lép vế trong việc cầm bóng kiểm soát 46%, và chỉ tung ra 9 cút sút so với 15 của Marocco. Thế nhưng thứ quan trọng nhất là chiến thắng thì họ vẫn có.
Bồ Đào Nha cũng cho thấy mình chơi cực kỳ hiệu quả trong các tình huống bóng chết, 4 bàn thắng tính đền thời điểm này của họ thì 3 xuất phát từ quả phạt cố định. Có thể nói, Ronaldo và đồng đội trước Marocco đã thể hiện thứ bóng đá tối giản, nhưng lại hiệu quả tối đa. Có thể họ không hề muốn như vậy. Nhưng biết sao được, thời thế khiến họ không làm khác được.
Bình Luận