Nhà Schmeichel đã có những mối liên kết mật thiết với các đội bóng ở thành phố Manchester. Nếu như người cha Peter đã từng có những năm tháng hào hùng trong màu áo đội chủ sân Old Trafford, thì người con Kasper của ông lại là thành viên trưởng thành từ lò đạo tạo của Manchester City.
Điều đó không khó hiểu khi chính Peter đã có những năm tháng cuối cùng đứng trong khung gỗ của đội chủ sân City of Manchester (Etihad). Và cũng vì mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp của ông với những cựu đồng đội như Gary Neville hay Roy Keane tại đội bóng áo đỏ cỏ thể đã là nguyên nhân huyền thoại này hướng cho con mình ăn tập tại Man City vào năm 2002, khi đó Kasper mới chỉ 6 tuổi.
Trên thực tế, quãng thời gian khoác áo đội bóng nửa xanh thành Manchester lại là những năm tháng đáng quên với cá nhân thủ thành đang trong biên chế của Leicester City. Anh bị đội bóng chủ quản ghẻ lạnh đến mức liên tục bị đem đi cho mượn tại những nơi chưa bao giờ nổi tiếng tại nước Anh, và cuối cùng Man City bán đứt Kasper cho Notts County.
Thậm chí ngay cả khi đã có chút tiếng tăm tại xứ sở sương mù khi Kasper cùng Leicester City giành quyền lên chơi tại Premier League, cá nhân thủ thành sinh năm 1986 này cũng luôn bị giới truyền thông gán mác "con của một huyền thoại", mà thường thì chẳng làm nên trò trống gì so với những thành tựu mà người cha của mình làm được.
Nhưng thượng đế luôn biết cách xoay vần đổi vận, chỉ 1 năm sau khi trụ hạng thành công. Kasper cùng đội bóng có biệt danh là những "chú cáo" đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng với thành tích không thể tin nổi, đó là vô địch Premier League mùa giải 2015-16.
Bóng đá vẫn luôn nghiệt ngã với những người gác đền, bởi dù họ có chơi hay đến đâu cũng không bao giờ được đánh giá cao bằng những tiền đạo. Ở Leicester City cũng vậy, người ta vẫn sẽ luôn nhắc đến "anh chàng công nhân" Jamie Vardy lạ hoắc bỗng xô đổ kỷ lục ghi bàn của Ruud Van Nistelrooy hay những đường bóng mê hoặc của Ryard Mahrez đã "hạ sát" gần như mọi đối thủ trên hành trình huyền thoại đó.
Thế nhưng sự đánh giá thì vẫn luôn có phần cho khái niệm mang tính chuyên môn, vì ai cũng hiểu rằng thủ thành người Đan Mạch cũng là một trong những người xuất sắc nhất của đội theo một trục dọc gồm Vardy - Mahrez - Kante - và chính Kasper Schmeichel.
"Đấy! Con vô địch rồi cha ạ, nhưng họ lại chẳng thèm công nhận con với tư cách là một nhà vô địch thật sự, họ vẫn nói con chỉ là con trai của một gã khổng lồ huyên thoại mà thôi." Có khi nào Kasper đã than thở với người cha của mình như vậy khổng nhỉ? Có thể lắm chứ, nếu chúng ta nhìn vào thực tế mà giới truyền thông dành cho anh suốt bao năm qua.
Công bằng mà nói, Leicester vô địch năm đó chỉ là một phút huy hoàng trong lịch sử đội bóng, bởi họ đã phải rất vất vả để trụ lại giải đấu ngay ở mùa giải kế tiếp. Nguyên nhân sâu xa được hiểu rằng đã có những mâu thuẫn nội bộ giữa huấn luyện viên Claudio Ranieri với các học trò, mà đỉnh điểm là chính "gã thợ hàn" phải ra đi khi mùa giải 2016-17 mới chỉ đi được hơn một nửa chặng đường.
N'Golo Kante đã chuyển đến Chelsea từ trước, Mahrez và Vardy lại chơi dưới sức, trong khi các thành viên còn lại cũng chẳng có gì khá khẩm hơn, ngoại trừ chính thủ thành với tóc bạch kim. Bất chấp đội bóng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng Kasper vẫn chơi không đến nỗi nào. Con số 36 bàn thua ở mùa giải Leicester lên ngôi đổi lại thành 63 ở mùa giải kế tiếp chẳng hề nói nên sự tệ hại của cá nhân Kasper, mà nguyên nhân chính đã đến từ thái độ thi đấu của những người đồng đội.
Rồi thì từ một ông Vua lại trở thành một anh chàng "nông dân" đã khiến Leicester trở về với thực tại, họ cũng chỉ là một đội bóng tầm trung không hơn không kém. Và chính Kasper cũng bị lôi vào cuộc rằng anh cuối cùng chỉ là cái bóng của người cha huyền thoại trong quá khứ...
Nhưng thượng đế đã cho Kasper một điều ước thì ông cũng có thể ban tặng nó cho anh thêm 1 lần nữa. Đó là khi đội tuyển quốc gia Đan Mạch góp mặt tại World Cup 2018, giải đấu mà họ phải mất 8 năm mới có thể quay trở lại.
Một lần nữa, người ta lại nói về Christian Eriksen, nhạc trưởng mẫu mực của "những chú lính chì", nhưng họ vẫn phải chấp nhận một thực tế rằng chính Kasper mới là người đem lại thành công cho đội bóng. Vì nếu không có anh đứng trong khung gỗ, có lẽ Đan Mạch đã phải về nước từ ngay sau vòng bảng chứ không thể huy hoàng thất bại trước người Croatia trên chấm 11m cân não.
Bất chấp phải chia tay giải bằng sự đau đớn tột cùng, nhưng có thể nói Kasper và các đồng đội đã trình diễn một thứ bóng đá cực kỳ hiện đại, đó là phòng ngự chặt nhưng luôn biết cách chớp thời cơ để ghi bàn. Tỉ số 3-2 chung cuộc ở loạt sút luân lưu đã là một thất bại của Đan Mạch, nhưng hoá ra, nó lại khiến người ra phát hoảng vì màn trình diễn của cá nhân thủ thành 32 tuổi.
Cho đến thời điểm hiện tại, không có một thủ môn nào có nhiều cú cản phá từ những tình huống bóng từ phía đối thủ như anh, bất chấp đó có là "bóng chết hay bóng sống". Nếu nhìn qua những trò hề của Manuel Neuer hay David De Gea ở giải này, chúng ta mới nhận ra được tầm vóc của Kasper, một nhân tài không gặp thời và cũng chẳng gặp được cao nhân để đưa anh về một tập thể lớn hơn những gì Leicester có thể mang lại.
Có thể người cha Peter của anh có một vóc dáng cao lớn hơn, và cũng thành công hơn với rất rất nhiều những danh hiệu đỉnh cao, nhưng với một xuất phát điểm nghèo nàn như vậy, chúng ta chắc sẽ hiểu được thủ thành cao 1m89 này đã thực sự là một người khổng lồ Đan Mạch như chính người cha của mình trong quá khứ!
Bình Luận