Sự cố gắng bị chối bỏ?
“Hoàng đế bóng đá” Franz Beckenbauer từng nhận định thế này về Messi: “Messi là một thiên tài. Cậu ấy sở hữu tất cả mọi thứ. Tôi nhìn thấy một cầu thủ rất khéo léo, rất thông minh và sở hữu cái chân trái sở trường”.
Không chỉ danh thủ người Đức, tất cả những ai yêu bóng đá đều phải thừa nhận siêu sao người Argentina sinh ra với tài năng thiên bẩm. La Pulga đưa người xem vào những cung bậc cảm xúc khác nhau. Cổ động viên muốn Messi ghi bàn bằng chân phải, anh lập tức xé lưới đối thủ 78 lần bằng chân không thuận. Họ chê bai số 10 không thể lập công bằng đầu, anh khiến giới túc cầu trố mắt bằng pha đánh đầu vào lưới Manchester United ở chung kết Champions League 2009.
Thế nhưng, vì có quá nhiều, sự cố gắng, nỗ lực của Leo bị chối bỏ. HLV Scolari thậm chí cho rằng Ronaldo xuất sắc hơn Messi vì CR7 là sản phẩm của sự khổ luyện. “Messi là thiên tài bẩm sinh. Với Ronaldo, chân sút này phải nỗ lực để trở thành người hay nhất thế giới, còn Leo không phải như vậy”, ông chia sẻ.
Mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau nhưng rõ ràng chân sút 31 tuổi đang bị đối xử không công bằng. Messi cũng phải tập luyện, chảy máu và nước mắt, ăn ngủ ở phòng tập để có thành công hôm nay. Nói chính xác hơn, La Pulga bước lên đỉnh cao bóng đá thế giới là nhờ 99% là sự khổ công và 1% là tài năng có sẵn.
Đúng như tuyên bố của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison: “Thiên tài một phần trăm là cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”.
Trước khi trở thành Messi cầu thủ số 1 thế giới hôm nay, đó là Messi chật vật ở tuổi 9, 10. Thuở ấy, tiền đạo Nam Mỹ là cậu bé còi nhom, ốm yếu. Mỗi ngày, thằng bé ấy phải vật lộn với sức khỏe và kích cỡ của bản thân. Leo dư thừa khả năng chơi bóng nhưng anh không đủ thể lực để đáp ứng sự khắc nghiệt trên sân đấu.
Bất hạnh nối tiếp ở tuổi 11, họa ập xuống đầu Messi, anh được chẩn đoán gặp vấn đề với hormone tăng trưởng. Giấc mơ với trái bóng bỗng chốc dang dở. Giữa lằn ranh được mất, Barcelona đã dang đôi tay bảo bọc và giúp đỡ Leo. Không thể phủ nhận công lao to lớn của đội chủ sân Camp Nou trong việc biến chân sút 31 tuổi trở thành siêu sao thế giới nhưng phải kể đến nhất chính là tinh thần và ý chí của anh.
Ở tuổi ăn tuổi chơi, Messi phải chấp nhận đánh đổi sự vô tư để gánh vác trên vai niềm hy vọng của Barca. Thay vì có một tuổi thơ trọn vẹn như bao đứa trẻ khác, anh đến nơi xứ người và không có gì trong tay. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn với tiền đạo số 10.
Anh đã từng nghẹn ngào chia sẻ với Sports Illustrated: “Hãy tưởng tượng cảnh tôi phải đến một châu lục mới khi mới chỉ 13 tuổi. Mọi thứ đều rất phức tạp. Tôi phải bỏ lại mọi thứ ở Rosario: bạn bè, một phần gia đình và cả tuổi thơ để đến một đất nước mà tôi chả có gì. Tôi phải bắt đầu từ còn số 0".
Chưa dừng lại ở đó, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Messi phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn, chọn quay về với gia đình hoặc ở lại Barca tiếp tục tập luyện. Với tình yêu bóng đá, ý chí sắc bén, cầu thủ Argentina đã đánh đổi tất cả:
“Năm đầu tiên vô cùng mệt mỏi. Tôi lười biếng và ít trò chuyện với các đồng đội ở học viện. Sau đó tôi gặp chấn thương. Các anh chị em tôi không quen thuộc cuộc sống ở đây, họ quyết định trở về Argentina. Câu hỏi lúc đó là liệu tôi và cha có về chung với mọi người không. Cuối cùng, tôi chọn ở lại Barcelona”.
Ở nơi đào tạo những cầu thủ trứ danh, Messi phải vật lộn từng ngày. Anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và không theo kịp đồng đội. Ngôi sao 31 tuổi yếu ớt nhưng phải hoạt động quá nhiều nên bị đuối sức. Để khắc phục vấn đề này, song song với “Chương trình phát triển thể chất cá nhân” được áp dụng với tất cả các tài năng trẻ ở La Masia, Messi phải thực hiện thêm những bài tập thể hình và tuân thủ chế độ ăn kiêng cùng thực phẩm hỗ trợ.
Từng có thời điểm, Messi phải chật vật trong các tình huống sút phạt. La Pulga không giỏi ở những cú sút như thế bởi lò La Masia không qua chú trọng kỹ thuật đó. Tiền đạo Barca đã phải lẽo đẽo theo Maradona để nhờ ông chỉ dẫn và giúp đỡ.
Một trong những người đạo tạo tại La Masia, Albert Benaiges giải thích: "Mặc dù bây giờ Messi đã có những cú đá phạt rất khác so với hồi mới tới Barca nhưng đó không phải những điều chúng tôi dạy cậu ấy ở La Masia. Đó là tài năng thiên bẩm kết hợp với việc tập luyện một mình. Những kinh nghiệm đã giúp cậu ấy”. Và giờ đây, thế giới nghiêng mình nể phục bậc thầy sút phạt Lionel Messi.
Với Deco, cầu thủ từng chứng kiến chặng đường trưởng thành của ngôi sao người Argentina, Messi đã tập luyện không ngừng để tiến bộ: “Mọi thứ không đến tự nhiên, Lionel đã phải cố gắng nhiều hơn so với người khác. Hầu như không có ngày nghỉ, cậu ấy tập suốt cả tuần”.
Lionel Messi: Số 10 bị khuyết trên đất Argentina
Trong bóng đá, số 10 được coi là số áo đẹp nhất, luôn được các cầu thủ mơ ước. Bởi lẽ số 10 từ xưa đến nay là áo của các huyền thoại như Pele, Maradona, Platini, Baggio, Matthaus, Zidane, Totti,... Việc khoác áo số 10 là 1 vinh dự đặc biệt ko phải cầu thủ nào cũng có.
Ở phương diện khác, số 10 thể hiện cho sự tròn trịa và sự hoàn hảo. Thế nhưng, trên đất nước Argentina, có một số 10 bị khuyết, dù cố gắng đến đâu vẫn không thể được thừa nhận. Anh là Lionel Messi, người mãi đi tìm sự vĩ đại trên chính quê hương của mình.
Leo luôn bị đặt trong hệ quy chiếu lịch sử, bên cạnh Maradona với cúp vàng thế giới. Messi vô tình gánh vác những bất công và tội lỗi anh không hề gây ra. Cùng một câu chuyện lại được kể lại nhiều lần, anh cần vô địch World Cup để trở nên vĩ đại. Trong một thế giới vốn dĩ không hoàn hảo, người ta lại cố gắng đi tìm một Messi hoàn hảo.
Lịch sử chọn La Pulga cho những vinh quang ở Barca nhưng ghép anh thành kẻ đại diện cho nỗi đau tột cùng ở Albiceleste. Siêu sao 31 tuổi chưa từng trải qua cảm giác được cùng đội nhà vô địch giải đấu lớn như Copa hay World Cup.
Năm đó, Messi gồng gánh đội bóng Nam Mỹ xuất sắc vượt qua nhiều đối thú cộm cán có mặt ở chung kết World Cup 2014. Thế nhưng, một khoảnh khắc lóe sáng của Gotze, thành quả của anh hóa đống tro tàn. Messi đi lướt qua cúp vàng, mắt anh vô hồn, mặt cũng lạnh tanh, chưa bao giờ khoảng cánh 1 cánh tay lại trở nên xa vời như thế. Cuối cùng, La Pulga cách sự thừa nhận 120 phút trên sân vận động Maracana.
Rồi người ta thấy Messi khóc, nước mắt anh rơi trong ngày ảm đạm của bóng đá xứ tango. Hết lần này đến lần khác, số phận khắc nghiệt vẫn không buông bỏ chàng cầu thủ số 10. Messi cùng đội nhà về nhì ở Copa 2 năm liên tiếp.
Sau những thất bại, người ta thấy được gì? Có chăng Leo không vĩ đại? Không, anh chỉ vĩ đại ít đi một chút mà thôi. Nhưng rõ ràng, chiếc áo số 10 trên người Messi đã dang dở ngay từ đầu.
Mùa hè 2014, mất ngôi vương thế giới, Leo còn bị chính cổ động viên quay lưng. Người thầy cầu thủ số 10 từng kính trọng vỗ vào mặt anh một cái tát đau đớn. Trong chương trình truyền hình tiếng Tây Ban Nha "De Zurda" của Telesur, huyền thoại Diego Maradona hùng hồn tuyên bố Messi không xứng đáng nhận danh hiệu Quả bóng Vàng World Cup 2014.
Người dân xứ tango có thể bao dung và luôn bên cạnh Maradona dù ông bê tha, nghiện ngập ma túy. Nhưng họ không bao giờ giành một chút nhân từ cho Messi. Với cổ động viên, tiền đạo Barca có thể là người kế thừa nhưng không bao giờ sánh ngang cùng Maradona.
Chính Gabriel Batistuta từng khẳng định điều này: “Diego Maradona là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông ấy đại diện cho người dân Argentina trong rất nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng bóng đá. Dù Messi có kỹ thuật xuất sắc hơn Diego đi chăng nữa thì cũng không thể vượt qua ông ấy. Cho dù có tập luyện nhiều đến như thế nào đi chăng nữa thì Messi cũng không thể đạt đến tầm đó”.
Không chỉ trên đất nước tango, bên ngoài, ai cũng nhận thấy điều này. Huyền thoại Brazil, Rivaldo đau lòng với hoàn cảnh của Leo: ''Tất cả đều biết Messi là một cầu thủ tuyệt vời nhưng CĐV Argentina chưa bao giờ đặt niềm tin vào cậu ấy. Lý do chính là cậu ấy chưa giành được danh hiệu quan trọng nào cho đội tuyển. Người dân xứ tango vẫn coi Maradona với chức vô địch World Cup 1986 là cầu thủ hay nhất. Cậu ấy là một phần lịch sử của Barca nhưng cậu ấy hiểu cần trở thành nhà vô địch World Cup, chủ yếu là để được người Argentina tôn trọng''.
Bản thân Messi cũng nhiều lần thừa nhận người Argentina không bao giờ coi anh là một phần trong họ. Anh cũng từng bóng gió điều này khi tuyên bố chia tay đội tuyển quốc gia sau trận thua Chile tại Cope America 2016: “Chặng đường của tôi cùng đội tuyển Argentina đã kết thúc. Tôi đưa ra quyết định này vì bản thân mình và vì nhiều người muốn thế. Tôi đã nỗ lực rất nhiều nhưng rồi chẳng được gì”.
Messi chào bóng đá thế giới bởi sự khiếm khuyết về sức khỏe để rồi anh chứng minh với cả thế giới anh là một cầu thủ đặc biệt như "món quà thiêng liêng được ban tặng cho thế giới này". Thế nên, dù không có World Cup, không được sự thừa nhận anh vẫn là số 10 bị khuyết nhưng đủ vĩ đại của làng túc cầu. Số phận có tàn nhẫn nhưng nó không bao giờ có thể rũ bỏ được điều này. Mãi Mãi.
Bình Luận