Ba mươi mốt ngày vừa kết thúc của World Cup 2018 nói rằng câu trả lời là không. World Cup 2018 xứng đáng với vị thế của kỳ World Cup hay nhất lịch sử, trên mọi khía cạnh. Từ câu chuyện chuyên môn, những bi kịch, biến cố bất ngờ, tranh cãi và sự xuất hiện của siêu sao.
Sau này nhìn lại, World Cup 2018 sẽ trở nên tráng lệ bởi sự sụp đổ của những gã khổng lồ. Đức, đội tuyển lọt vào vòng bán kết 13 trong tống số 19 lần tham dự World Cup, giành 4 chức vô địch, và cũng là đương kim vô địch bị loại ngay từ vòng đầu với vị trí bét bảng.
Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, hai cá nhân thống trị thế giới bóng đá tròn một thập kỷ lần lượt bị loại ngay từ vòng hai theo những kịch bản mà không ai có thể tiếc nuối nổi cho Argentina hay Bồ Đào Nha.
Tây Ban Nha, đội bóng sở hữu hai câu lạc bộ giành 5 chức vô địch Champions League liên tiếp kể từ 2014 cũng chung số phận với Messi và CR7 khi bị Nga loại trong một trận cầu mà Tây Ban Nha làm được tất cả trừ sút tung lưới đối thủ.
Brazil, ứng cử viên số một cho chức vô địch cùng Neymar, cầu thủ đắt giá nhất thế giới gục ngã trước Bỉ bị đánh giá yếu hơn ở tứ kết. Màn trình diễn của Selecao chỉ ấn tượng trên… mặt báo. Trên sân, những đôi chân bạc tỷ của Selecao chỉ nhảy điệu Samba lạc nhịp. Trong đó Neymar, vũ công được đánh giá là trái tim của Brazil chỉ để lại ấn tượng xấu ở World Cup bằng các pha ăn vạ.
Những gã khổng lồ tại sân chơi World Cup đã sụp đổ tại World Cup theo các cách khác nhau như thế. Với Đức, đó là thất bại từ những quyết sách sai lầm của huấn luyện viên trưởng Joachim Loew. Ông đã quá tin tưởng những cựu binh no nê danh hiệu và thiếu khát vọng như Thomas Mueller, Sami Khedira, Jerome Boateng hay Mesut Oezil để rồi chuốc lấy thảm họa trong các cuộc đấu với những đối thủ đẳng cấp có thể thấp hơn nhưng trẻ và khát khao hơn như Mexico hay Hàn Quốc.
Với Ronaldo và Messi, đó là thất bại khi không thể cưỡng lại số phận. Cả hai siêu sao này đều đã vì những cú sút hỏng phạt đền trong các trận đấu với Iceland và Iran mà trực tiếp đặt Argentina và Bồ Đào Nha xuống vị trí nhì bảng, từ đó phải đối mặt với các đối thủ đầy khó nhằn như Pháp và Uruguay ở vòng 1/8.
Sẽ không ai tiếc nuối cho Ronaldo hoặc Messi như cách mà người đời từng nuối tiếc cho Diego Maradona tại World Cup 1990 (thua Đức vì cú phạt đền từ tình huống phạm lỗi bên ngoài vòng cấm với Rudi Voeller) hay Roberto Baggio tại World Cup 1994 (sút hỏng luân lưu dù chơi xuất sắc trong cả giải đấu).
Messi và Ronaldo thất bại vì họ đáng phải như vậy. Những tiếc nuối cho hai siêu sao này chỉ đến từ hào quang trong màu áo CLB của cả hai, chứ dứt khoát không thể là đấu trường World Cup. Messi và CR7 đều chưa một lần nổ súng tại vòng knock-out của giải đấu danh giá nhất hành tinh, thành tích kém hơn cả Denis Cheryshev của đội tuyển Nga hay Takashi Inui của Nhật Bản.
Cuối cùng với Brazil, sự gục ngã của đội tuyển thành công nhất lịch sử World Cup tới từ sự bảo thủ (hay tự tin quá đáng?) trong việc sắp xếp nhân sự của HLV trưởng Tite. Đội ngũ của Selecao không no nê danh hiệu như Đức, song việc Tite không muốn thay đổi, giữ nguyên đội hình kể từ vòng loại World Cup khiến mọi đối thủ có thể tính toán bắt bài Selecao.
Bỉ đã tận dụng được những kẽ hở đó của Brazil và chiến thắng. Sự sụp đổ của Brazil, giống với Đức, Messi, Ronaldo cũng hoàn toàn xứng đáng.
Bất ngờ tới từ sự sa cơ của những gã khổng lồ là yếu tố hấp dẫn bậc nhất của World Cup. Những gì diễn ra suốt một tháng qua trên đất Nga là minh chứng cho thấy World Cup 2018 hoàn toàn xừng tầm với nhận định của chủ tịch FIFA Gianni Infatino.
“Vui vẻ đi các cậu”, đó là nguyên văn câu nói cuối cùng của huấn luyện viên Zlatko Dalic với các cầu thủ Croatia trước trận chung kết World Cup với đội tuyển Pháp được tiết lộ trên tờ Marca. Ông Dalic không kỳ vọng điều gì hơn thế nữa ở các học trò. Lọt vào trận chung kết World Cup đã là một thành công không tưởng với đất nước và dân tộc Croatia.
Lịch sử World Cup từng ghi dấu những Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Bulgaria hay chính Croatia là những hiện tượng của giải đấu. Song “hiện tượng” tới mức lọt vào hẳn trận chung kết, chơi đôi công thậm chí áp đảo Pháp mạnh hơn mọi mặt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì chỉ có duy nhất Croatia 2018.
Luka Modric, Ivan Rakitic, Ivan Perisic hay Mario Mandzukic đã để lại những ấn tượng tuyệt vời cho cả thế giới về bóng đá của đất nước Croatia bé nhỏ. Đó là thứ bóng đá không hề run sợ trước bất kỳ đối thủ nào.
Croatia đã chôn vùi Argentina của Lionel Messi 3-0 tại vòng bảng, lạnh lùng bản lĩnh hạ gục Nga trên chấm luân lưu dù bị gỡ hòa trong những phút cuối hiệp phụ. Lội ngược dòng thắng Anh ở trận bán kết dù gần nửa đội không thể chạy vì quá mệt. Và cuối cùng có những giây phút dồn ép Pháp tới nghẹt thở trong trận chung kết.
Giữa việc chọn chơi cầm chừng để tạo ra một thế trận cù cưa trước Pháp hòng làm khó đội bóng sinh ra để chơi phòng ngự phản công của Deschamps và lao lên tấn công, áp đặt thế trận bóp nát tuyến tiền vệ của Pháp để tìm kiếm bàn thắng, Croatia đã chọn cách khó hơn và mạo hiểm hơn.
Dù bây giờ Pháp vô địch còn Croatia về nhì, song quyết định ấy của những người Croatia hoàn toàn xứng đáng với những lời tán dương. Trong suốt ba năm qua, có khi nào người ta thấy N’Golo Kante tội nghiệp đến vậy?
Luka Modric, Ivan Rakitic hay Marcelo Brozovic đã “quây” tiền vệ phòng ngự hay nhất thế giới, biến trung tuyến của trận chung kết thành cuộc chơi sát ván và biến luôn Kante thành gã hề thực sự. Bàn thắng của Perisic trong trận chung kết chính là từ tình huống vượt qua Kante.
Sức mạnh của Croatia nằm ở đó. Họ biết Pháp sẽ ghi bàn nhờ những tình huống phản công bằng việc nhường thế trận cho đối thủ, song Croatia có thừa sự tự tin rằng tuyến tiền vệ cực mạnh của họ sẽ khiến toan tính của Pháp đổ vỡ. Không thể nói rằng toan tính đầy tự tin của Croatia sai lầm khi bàn mở điểm lẫn nâng tỷ số lên 2-1 của Pháp đều tới từ các tình huống cố định.
Sự tự tin có lẽ cũng là "keyword" quan trọng nhất trong chiến dịch World Cup kỳ diệu của người Croatia. Họ chưa từng nghĩ mình sẽ thua cuộc. Và ngay cả khi Croatia thua thật trước Pháp trong trận chung kết, họ vẫn là người chiến thắng thực sự trong trái tim những người hâm mộ nhờ lòng tin mãnh liệt ấy.
“Huy chương vàng hay bạc ư, chẳng quan trọng nữa. Chúng tôi đã ở trên đỉnh thế giới,” tuyên bố ấy của bà Kolinda Grabar-Kitarovic, Tổng thống Croatia trên RT chính là lời rút gọn cho thành công vĩ đại của Croatia tại World Cup 2018.
Công nghệ Video hỗ trợ trọng tài (VAR) chắc chắn là điểm nhấn gây tranh cãi lớn nhất của World Cup 2018. Sau giai đoạn vòng bảng được sử dụng với tần suất liên tục, tổ trọng tài ngồi trước màn hình không còn phải hoạt động nhiều ở vòng knock-out thì bất ngờ VAR đã trở lại trong trận chung kết World Cup để thay đổi gần như toàn bộ cuộc chơi.
Trọng tài Nestor Pitana đã sử dụng VAR để tặng quả phạt đền cho Pháp khi cho rằng bóng đã chạm tay Ivan Perisic trong vòng cấm. Antoine Griezmann đã thực hiện thành công cú đá từ chấm 11 mét để đưa Pháp vươn lên hẳn trước Croatia trong trận chung kết. Dựa vào tình thế khi đó, nếu không VAR không giúp Pháp có phạt đền, chưa chắc Les Bleus đã có được chiến thắng cách biệt trước Croatia.
Huyền thoại của MU Roy Keane lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định này trên kênh ITV sau trận đấu. “Thật ghê tởm” và “đáng hổ thẹn” là một trong những từ ngữ mạnh mẽ mà cựu thủ quân MU sử dụng để nói về quyết định sử dụng VAR này. Trên RT, thủ thành Peter Schmeichel nhấn mạnh trọng tài đã “cướp” đi chiến thắng của Croatia.
Dĩ nhiên, Keane hay Schmeichel có "chửi" đến mấy thì Pháp vẫn là đội vô địch. Điều ấy biến VAR thành điểm nhấn độc nhất vô nhị trong lịch sử các kỳ World Cup. Với VAR, giới mộ điệu lẫn các đội tuyển biết chắc chắn là sẽ không còn những pha bóng gây tranh cãi như “Bàn tay của Chúa” của Diego Maradona tại World Cup 1986, hay cú sút chưa qua vạch vôi của Geoff Hurst tại World Cup 1966. Những pha chơi xấu cũng hoàn toàn bị loại bỏ.
Trên lý thuyết, VAR là công cụ để giúp World Cup nói riêng (và bóng đá nói chung) có được sự cân bằng. Những con số cụ thể cũng chứng minh nhận xét ấy. Chủ tịch FIFA Infatino tiết lộ trước trận tranh giải ba: “Chúng tôi sử dụng VAR 19 trường hợp trong 62 trận và đã có 16 quyết định từ sai được chuyển sang đúng. Sau khi xem xét khoảng 500 tình huống xử lý của trọng tài, nhờ VAR, tỷ lệ đúng từ 95% đã tăng lên là 99,32%," ông Infatino cho biết.
Những con số thống kê đôi khi không phản ánh đầy đủ tính chính xác của quá trình. Và VAR chính là minh chứng cho điều ấy. Đã có không ít quyết định được đưa ra dựa trên sự tham khảo của VAR khiến không chỉ các cổ động viên mà cả các cầu thủ bức xúc, bởi không biết vô tình hay cố ý mà những đội mạnh hơn đều là bên hưởng lợi thay vì các đội tuyển thấp cổ bé họng.
Iran, Morocco, Nigeria hay cả Croatia có thể đã có số phận khác tại World Cup lần này nếu VAR không bảo vệ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha của Ronaldo hay Argentina của Messi, những đội tuyển cùng cá nhân có thể mang những khoản lợi nhuận thương mại kếch xù cho FIFA.
“VAR là rác rưởi”, câu nói của tiền vệ Nordin Amrabat sau khi Morocco bị VAR cướp mất chiến thắng trước Tây Ban Nha ở lượt trận cuối cùng của vòng bảng là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho mặt trái của công nghệ được tô vẽ và thừa nhận là làm trong sạch bóng đá này.
Sau tròn 20 năm, Pháp cuối cùng cũng quay trở lại với ngôi vương của bóng đá thế giới trong năm mà hai kình địch lớn nhất trong lịch sử các kỳ World Cup của Les Bleus là Italy và Đức, người thì không thể vượt qua vòng loại, kẻ thì bị loại ngay từ vòng bảng.
Song sau cùng thì Pháp vẫn xứng đáng lên ngôi vương World Cup lần thứ hai. Họ là đội đội hình đắt giá nhất (hơn 1 tỷ euro), có lực lượng dồi dào nhất, có huấn luyện viên hay nhất và có thái độ thận trọng lẫn tôn trọng đối thủ nhất, một hệ quả của trận thua đau đớn trên sân nhà trước người Bồ Đào Nha tại Euro 2016..
Chiến thắng của Pháp cũng chính thức đưa Kylian Mbappe lên hàng ngôi sao thực thụ của bóng đá thế giới thay vì cầu thủ ít nhiều bị cho là truyền thông thổi phòng. 4 bàn thắng, trong đó 3 diễn ra trong vòng knock-out ở tuổi 19 là thành tích phi thường ở thời đại bóng đá này của Mbappe.
Ở tuổi 19, người ta đã kịp nói tới viễn cảnh Mbappe sẽ kế thừa ngai vàng mà Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi bỏ lại. Xét cho cùng thì đó là nhận xét không hề quá đáng. Tài năng của Mbappe có thừa, ý chí vươn lên của cầu thủ sinh năm 1998 cũng là rất đáng nể.
Trong những câu chuyện được kể trên khắp các mặt báo về Mbappe tại World Cup lần này, có một chi tiết đáng nể về Mbappe là chuyện tiền đạo này không chụp bất kỳ một bức hình selfie theo mốt nào trong chiến công vô địch Ligue 1 cùng AS Monaco hồi năm 2017.
Bởi đó không phải cái đích của Mbappe. Mục tiêu của tiền đạo này khi đó là chức vô địch thế giới. Giờ thì Mbappe đã có được điều ấy, theo cách hoàn toàn xứng đáng.
Chiến quả ngọt ngào của Les Bleus cũng là lời khẳng định của bóng đá Pháp rằng thời của họ đã tới. Với độ tuổi trung bình trẻ bậc nhất giải đấu (chỉ 26,1), Pháp sẽ còn cạnh tranh cho chức vô địch EURO 2020 và cả World Cup 2022. Sau chu kỳ thống trị của Tây Ban Nha và Đức, Pháp sẽ là nhà vua tiếp theo của bóng đá thế giới.
Đã có không ít những nghi ngờ bị gán cho công tác tổ chức World Cup của nước chủ nhà Nga tại World Cup 2018. Bắt nguồn từ chính chiến thắng trong việc giành quyền đăng cai World Cup của quốc gia này vào tháng 6/2009. Nga khi ấy đã vượt mặt liên minh Bỉ - Hà Lan và Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha để giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Quan trọng ở vòng một, Nga vượt mặt Anh. Quê hương của bóng đá khi ấy chỉ giành được 2 phiếu trong 22 tống số phiếu từ Ban điều hành FIFA. Điều này khiến truyền thông Anh chỉ trích Nga dữ dội vì mua phiếu cùng với đó là cáo buộc các thành viên trong ban điều hành của FIFA tham nhũng.
Những cáo buộc này không bao giờ kết thúc. Dấu hiệu về một kỳ World Cup bão táp mà nước Nga phải đối mặt cũng rất rõ ràng, nhất là khi càng sát World Cup, những biến cố chính trị xung quanh đất nước xứ sở bạch dương lại xuất hiện ngày một dày đặc.
Song giải đấu diễn ra trên đất Nga gần như xóa bỏ toàn bộ những định kiến xấu mà truyền thông phương Tây dựng lên. Đầu tiên nước Nga mở cửa cho các cổ động viên tới tham dự World Cup mà không cần đăng ký thị thực nhập cảnh (visa).
Những cổ động viên chỉ cần đăng ký Fan ID qua website chính thức của FIFA một cách khá đơn giản là có thể tới Nga tận hưởng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thậm chí ngay trước thềm lễ bế mạc World Cup, Tổng thống Nga khẳng định các cổ động viên có thể sử dụng Fan ID để ở lại nước Nga du lịch tới khi kết thúc năm 2018.
Người Nga đón nhận các cổ động viên với sự nồng hậu. Không có bất kỳ rắc rối nào về các khu Fan Zone diễn ra trong suốt một tháng World Cup tổ chức bởi an ninh được đảm bảo ở mức tuyệt đối. Sự đối đãi của nước chủ nhà Nga cùng phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây khiến không ít những cổ động viên của các đội tuyển đã bị loại tiếp tục ở lại để tận hưởng nốt World Cup.
Đội tuyển Nga cũng đã tạo ra những bất ngờ tại World Cup lần này khi chỉ chịu dừng bước tại tứ kết trước đội tuyển Croatia. Trước đó họ đã tạo nên cơn địa chấn khi thắng Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Điều này khiến truyền thông phương Tây (một lần nữa) tấn công nước Nga với những cáo buộc các cầu thủ Nga sử dụng doping.
Những nghi ngờ này bị bác bỏ hai ngày trước khi World Cup kết thúc khi FIFA công bố rằng World Cup 2018 là giải đấu không có doping với 2.037 xét nghiệm được thực hiện từ tháng 1/2018, trên tổng số 3.985 mẫu thử được thu thập, trong đó có những cầu thủ được lấy mẫu tới 8 lần. Các mẫu thử được xét nghiệm tại những phòng thí nghiệm do Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) chỉ định ở bên ngoài nước Nga.
Chỉ duy nhất một biến cố xảy ra trong cả giải đấu là các thành viên của ban nhạc Pussy Riot nhảy vào sân làm gián đoạn trận chung kết.
Song biến cố cỏn con ấy không thể khỏa lấp đi việc World Cup 2018 rõ ràng đã được tổ chức quá thành công với sự mạnh tay của nước chủ nhà Nga cả ở tiềm lực kinh tế lẫn công tác an ninh.
Một tháng ăn ngủ cùng bóng đá cuối cùng cũng đã kết thúc, và nước Nga chắc chắn đã ghi dấu ấn không thể phai nhạt trong lịch sử của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
* Đồ hoạ: Mai Trí
Bình Luận