Trận bán kết bắt đầu như mơ với đội tuyển Anh, khi Kieran Trippier hóa thân thành David Beckham trong tình huống đá phạt trực tiếp. Tuy nhiên, đó lại là tất cả những gì mà người Anh làm được trong trận đấu này.
Nhiều fan bị cuốn theo mạch của trận đấu có lẽ không nhận ra rằng: sau cú đá trúng đích đó của Trippier, đội tuyển Anh không có thêm một cú sút trúng đích nào trong phần còn lại của thời gian thi đấu chính thức. Về lý thuyết, các cầu thủ Anh trẻ hơn, khỏe hơn, có lợi thế hơn hẳn về mặt thể lực, nhưng kỳ lạ thay, họ vẫn không tạo ra nổi thế trận.
Trận đấu càng trôi đi, người hâm mộ càng có thêm bằng chứng để khẳng định: Tam sư đá mà không có cả bài lẫn khát vọng kết liễu đối thủ. Các bàn thắng đến với đội tuyển Anh trên 80% từ những tình huống cố định. Và vì người Anh vẫn ghi bàn, vẫn đi tiếp nên người hâm mộ không nhận ra sự kém cỏi trong việc dàn xếp tấn công hay áp đặt thế trận.
Càng về cuối, khi mà đòi hỏi về bản lĩnh và đẳng cấp càng cao, người Anh, mà cụ thể hơn là huấn luyện viên (HLV) Gareth Southgate càng lộ ra nhiều điểm yếu. Sức ép lớn đã lột trần bộ mặt thật của hàng thủ Tam sư. Tình trạng chuyền bóng hỏng, phá bóng bừa bãi diễn ra liên tục. Bàn thua chính là hệ quả của khả năng chịu sức ép quá kém của đội tuyển Anh.
Người ta nói “lửa thử vàng” quả chẳng sai. Khi bị đặt trong hoàn cảnh phải đưa ra những thay đổi nhằm tìm lại thế trận, ổn định tâm lý các cầu thủ, ông Southgate lại phản ứng quá chậm chạp, và theo giới chuyên môn Anh, cả nhút nhát nữa.
Ngay khi hiệp phụ mới bắt đầu, Southgate đã vội vàng rút Jordan Henderson ra và thay bằng Eric Dier. Không hiểu ông Southgate đã toan tính điều gì với quyết định thay người này. Chỉ biết rằng, sau khi Hendo rời sân, Anh hoàn toàn mất tuyến giữa và không còn lên nổi một quả bóng nào nữa.
Còn nếu Southgate thực hiện sự thay đổi này để toan tính cho loạt sút luân lưu thì ông không những kém cỏi, mà còn cả hèn nhát nữa. Đội tuyển Anh khỏe và trẻ hơn Croatia rất nhiều. Tại sao Southgate không dám mạo hiểm ép Croatia trong hiệp phụ để tìm bàn thắng mà lại để một đội bóng được cho rằng đã kiệt quệ về thể lực ép ngược lại trong hiệp phụ, để rồi nhận bàn thua đắng ngắt.
Thất bại này được truyền thông Anh dùng 2 từ “tự hào” để miêu tả. Họ cho rằng hành trình World Cup 2018 với người Anh đã là một giấc mơ. Tuy nhiên, chính thói quen vuốt ve, ru ngủ này cũng là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Anh kém phát triển.
Tam sư tại World Cup lần này nếu có một điểm sáng, thì đó chỉ là điểm sáng về sự tự tin, đĩnh đạc của một số cầu thủ trong một vài thời khắc nhất định. Bức tranh tổng quát của đội tuyển Anh vẫn chưa có gì sáng sủa so với quá khứ. Vẫn là một tập hợp gồm nhiều cầu thủ yếu kém về bản lĩnh, non nớt trong những thời khắc quyết định và dễ bị những lời tôn vinh ru ngủ.
Hành trình vào tới bán kết của Tam sư khá dễ dàng. Họ gặp Colombia trong bối cảnh đối thủ mất đi quá nửa sức mạnh vì vắng James Rodriguez. Kế đó, chướng ngại Thụy Điển thực tế cũng chẳng nói lên nhiều điều. Croatia là đối thủ đầu tiên có thể kiểm chứng được sức mạnh và bản lĩnh thật sự của Tam Sư. Và họ đã thua ngay ở bài kiểm tra tư cách lớn này.
Ngay cả những lời khen tặng quá mỹ miều dành cho Harry Kane cũng trở nên lố bịch khi nhìn vào màn trình diễn hoàn toàn vô hại của anh trước Croatia. Kane mất tích phần lớn thời gian, và khi có cơ hội cũng không tận dụng được. 6 bàn thắng anh ghi có 3 quả 11m thành công.
Và nếu Kane trở thành Vua phá lưới World Cup 2018 thì người Anh cũng đừng quá tự hào. Bởi lịch sử World Cup chưa bao giờ chứng kiến một vua phá lưới ghi 50% số bàn thắng từ chấm penalty cả (kỷ lục cũ là Eusebio ghi 44,4% bàn thắng từ chấm 11m).
Đây không phải là lúc vuốt ve, mà phải dũng cảm đối mặt với những sai lầm, với sự sợ hãi để lớn mạnh hơn.
Bình Luận