Châu Phi và bóng ma tiền thưởng tại World Cup

Châu Phi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá. Vào lúc này, lục địa Đen đóng nguồn lực quan trọng cho các CLB ở châu Âu. Thế nhưng,...

Năm 2006, người hâm mộ phát nản khi chứng kiến các cầu thủ Togo và LĐBĐ nước này tranh cãi nhau về tiền treo thưởng trước lần đầu dự World Cup. Các cầu thủ Togo khi ấy đã đòi mức tiền thưởng 155.000 euro mỗi cầu thủ cho các trận đấu vòng bảng. Họ cũng yêu cầu phải thưởng thêm cho mỗi người 30.000 euro cho một trận thắng, 15.000 euro cho một trận hòa. Tuy vậy, quan chức bóng đá của đất nước Tây Phi này cho đó là khoản tiền quá lớn. Hai bên găng nhau đến mức HLV Otto Pfister cùng các trợ lý không chịu nổi và tuyên bố từ chức ngay trước hôm khai mạc World Cup. Mãi đến trận thứ 2 của Togo, Pfister mới trở lại sau khi đích thân Thủ tướng Togo can thiệp.

Châu Phi và bóng ma tiền thưởng tại World Cup - Bóng Đá

 Nigeria thua Pháp tại World Cup 2014 vì tiền thưởng đến muộn.

Đến World Cup 2010 tình hình có vẻ dịu đi nhưng đến World Cup 2014 thì virus tiền thưởng lại như một bệnh dịch hoành hành khắp các đội bóng châu Phi đến Brazil. Bầy sư tử bất khuất Cameroon đến sát ngày sang Brazil vẫn "bất khuất" không chịu lên máy bay để đòi tiền thưởng. Toàn bộ thành viên tuyển Cameroon ở lỳ trong khách sạn như cách để biểu tình và HLV trưởng Volker Finke khi ấy chua chát cho biết các học trò của ông không hài lòng với khoản tiền thưởng 100.000 USD với thành tích vượt qua vòng loại. Cuối cùng, LĐBĐ Cameroon phải họp khẩn để đáp ứng yêu cầu của các tuyển thủ. Tại Brazil, Cameroon thua cả 2 trận.

Tấm ảnh hậu vệ John Boye của Ghana hôn lên tờ tiền thưởng trở thành hình ảnh xấu hổ của bóng đá châu Phi tại World Cup. Trong thời gian World Cup, các cầu thủ Ghana đã đình công không ra sân tập để yêu cầu LĐBĐ nước này phải giải ngân số tiền đã hứa thưởng nhờ giành vé đến Brazil. Trước yêu cầu mang tính chất "tống tiền" này, LĐBĐ Ghana phải thuê chuyên cơ chở 3 triệu USD để hoàn trả cho các cầu thủ. Tại Brazil, Ghana chỉ kiếm được 1 điểm, xếp chót bảng. Riêng cầu thủ hôn tiền Boyle là người đá phản lưới nhà lượt cuối khiến Ghana thua Bồ Đào Nha và bị loại.

Nigeria năm 2014 cũng bị bóng ma tiền thưởng nhòm ngó. Ban đầu, các cầu thủ đồng ý không nói đến chuyện tiền thưởng khi đá vòng bảng. Nhưng sau khi vượt vòng bảng mà không thấy LĐBĐ "nói năng" gì thì các cầu thủ phải dọa không ra sân trận gặp Pháp ở vòng 1/8 thì mới bị để ý. Các cầu thủ Bờ Biển Ngà cũng gặp vấn đề tương tự.

Tại World Cup 2014, chỉ Algeria là đội duy nhất không bị bóng ma tiền thưởng chi phối và trớ trêu thay, họ là đội chơi ấn tượng nhất trong số 5 đội châu Phi khi lọt vào vòng 2 và chỉ thua Đức trong hiệp phụ (Đức sau đó vô địch).

Trách các cầu thủ ham tiền một nhưng cũng phải trách cả các quan chức LĐBĐ châu Phi vì không giải quyết rốt ráo sớm. LĐBĐ châu Phi không chia tiền thưởng sớm khiến các LĐBĐ thành viên chậm trễ trong việc giải ngân cho các cầu thủ. Nhưng năm nay, châu Phi tiến bộ hơn về chuyện tiền thưởng khi cho đến giờ chưa thấy đội nào có bất mãn về việc chia tiền.

Tuyển Nigeria năm nay vừa xuất hiện tin các cầu thủ bị ăn chặn tiền nhưng HLV Gernot Rohr khẳng định đó là bịa đặt. "Có bài báo nói tôi lấy tiền của các cầu thủ. Nên nhớ chúng tôi tại đây để chuẩn bị thi đấu cho Tổ quốc với niềm tự hào và có những kẻ chuyên nói dối", HLV Rohr phát biểu trên Reuters.

HLV từng dẫn dắt Uganda, Micho Sredojevic nói: "Trước đây, có vẻ như mọi nước trên thế giới đều có thể chuẩn bị đầy đủ cho World Cup, ngoại trừ châu Phi. Chúng tôi vẫn nhớ chuyện Cameroon phải đáp chuyến bay muộn (đến Brazil vào năm 2014) và Bờ Biển Ngà cũng gặp vấn đề tương tự. Chỉ có Algeria không có bất kỳ tranh cãi nào. Và giờ, những gì LĐBĐ châu Phi CAF đã làm tại giải này giúp các cầu thủ yên tâm nghĩ về bóng đá, là một bước đi đúng hướng."

CAF đã trả tiền thưởng nhanh giúp các LĐBĐ thành viên có tiền giải ngân. Các cầu thủ châu Phi có thể tập trung tốt hơn cho bóng đá và hy vọng họ sẽ lột xác tại nước Nga.

Nguồn: Dân Việt
TỪ KHÓA: World Cup 2018CAF
    Bình Luận