Để nâng cao chức vô địch thế giới 4 năm trước, người Đức tốn tới 10 năm để đào tạo ra thế hệ có đầy đủ các tố chất của nhà vô địch: Kỹ thuật, tư duy chơi bóng, bản lĩnh sân cỏ, đoán bắt tâm lý đối phương. Người Đức đã biến chức vô địch World Cup thành công trình khoa học.
Thế giới coi cách người Đức giật cúp vàng là chuẩn mực, xứng đáng được học hỏi. Nhưng những gì đội tuyển Anh chuẩn bị cho World Cup lần này đi ngược lại hoàn toàn so với chuẩn mực. Tờ Telegraph ví von "Tam sư" là “những kẻ đi lạc đường tới tứ kết World Cup”.
4 năm trước, đội tuyển Anh thất bại ê chề tại World Cup 2014, đặt nền bóng đá Anh vào yêu cầu phải cải tổ bằng mọi giá. Tuy nhiên, nhìn vào những gì "Tam sư" có vào thời điểm đó thì công cuộc cải tổ giống như bắc thang lên hỏi ông trời.
4 năm trước, Harry Kane còn là cầu thủ hoàn toàn vô danh, bị Tottenham ném đi cho mượn khắp nơi, tương lai mờ mịt. Kieran Trippier vào thời điểm đó cũng chỉ là cầu thủ vô danh, thậm chí còn đang thi đấu ở giải hạng dưới.
Bao quát hơn thì vào thời điểm thế hệ đàn anh của đội tuyển Anh hiện tại cúi mặt rời Brazil, 70% số cầu thủ đang chuẩn bị bước vào trận tứ kết World Cup 2018 còn đang bị ném đi cho mượn khắp nơi.
Về lý thuyết, chẳng ai lại xây dựng kế hoạch cho tương lai trên vai những cầu thủ mà chính tương lai của họ còn mờ mịt.
Điều đó có nghĩa là nếu coi thành công của đội tuyển Đức là tấm “kim chỉ nam”, thì những gì người Anh có trong tay sau thất bại ê chề của "Tam sư" tại World Cup 2014 chẳng đáp ứng nổi một điều kiện nào. Nhưng đúng là thời thế tạo anh hùng, nhưng ngôi sao của "Tam sư" cứ dần dần xuất hiện một cách vô cùng tình cờ.
Đầu mùa bóng 2014/15, Tottenham đá mãi với West Ham mà không ghi được bàn thắng. Cực chẳng đã, huấn luyện viên Mauricio Pochettino tung chân sút dự bị Harry Kane vào sân. Thế rồi rất tình cờ, Kane kiến tạo để Eric Dier ghi bàn thắng duy nhất của trận hôm đó.
Phải 2 tháng sau, Kane mới lần đầu tiên được xếp đá chính trong một trận đấu tại Premier League và từ cơ hội vô cùng nhỏ nhoi đó, chàng hoàng tử bóng đá Anh bước ra ánh sáng. Anh đang là cầu thủ Anh thi đấu thành công nhất tại World Cup lần này.
Trường hợp của Trippier cũng gần như tương tự. Anh được đưa về Tottenham trong vai trò dự bị cho Kyle Walker, nhưng ngay cả khi Walker đã bị bán sang Man City, Trippier vẫn không có vị trí đá chính thường xuyên.
Không ai tin một cầu thủ mà mới 2 năm trước còn chưa được ai biết tới lại chính là người tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn nhất cho đội tuyển Anh tại World Cup lần này.
Cho đến khi Trippier thực hiện những quả tạt đạt độ chính xác tới ngỡ ngàng người ta mới biết thần tượng của anh là David Beckham. Trippier tâm sự anh dành 2 năm ngồi xem lại từng cú tạt bóng của Becks, thậm chí còn xem dưới dạng quay chậm để nắm bắt được cách Becks đưa trái bóng vào trong vòng cấm.
Giờ đây, Trippier thậm chí còn được giao nhiệm vụ thực hiện các quả đá phạt trực tiếp và phạt góc cho đội tuyển Anh.
Những người sùng đạo cho rằng Chúa đã ban những chiến binh cho đội tuyển Anh tại World Cup lần này. Thời thế đã tạo nên những người hùng đi lạc tới tận tứ kết World Cup.
Họ không được “dấm” để tỏa sáng giống như người Đức đã âm thầm đào tạo cả một thế hệ cầu thủ trong suốt 10 năm trời. Họ lần lượt được gọi lên tuyển quốc gia giống như một định mệnh, nhưng tất cả đã thay đổi những giá trị được “khoa học hóa” mà người Đức tạo ra để rực sáng ở sân chơi vĩ đại nhất thế giới.
Hy vọng rằng những chiến binh được Chúa ban tặng sẽ tiếp tục đi lạc tới tận trận chung kết.
Bình Luận