Lúc 1h ngày 16/6, đội tuyển Tây Ban Nha sẽ chơi trận ra quân tại World Cup 2018 trong bộn bề những nỗi trăn trở. Liên đoàn bóng đá nước này đã sa thải huấn luyện viên trưởng Julen Lopetegui chỉ vì thái độ không hài lòng.
Nhiều chuyên gia cho rằng Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha hành xử hơi đồng bóng. Họ đặt tự tôn cá nhân lên trên vinh nhục của đội tuyển quốc gia, đặc biệt là tại giải đấu lớn như World Cup. Việc sa thải huấn luyện viên trước thềm World Cup chẳng khác nào tự rút súng bắn vào chân mình.
Hậu quả của cơn nóng giận này là hàng loạt những cơn nóng giận khác. Đài truyền hình El Chiringuito TV đưa tin Sergio Ramos thậm chí cãi nhau với chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha - Luis Rubiales trên sân tập ở Sochi, Nga.
Tuy nhiên, mọi chuyện có u ám tới mức đó hay không? Sự ra đi của ông Lopetegui có thật sự sẽ đẩy "La Roja" vào cảnh rắn mất đầu hay không? Phải chăng người hâm mộ đang hiểu hơi máy móc vai trò của huấn luyện viên?
Không hiểu vô tình hay cố ý mà tờ Telegraph của Anh lại vừa phỏng vấn cựu cầu thủ Nigeria, Garba Lawal. Tờ Telegraph nhấn vào chi tiết sau: Trong trận ra quân của Nigeria tại World Cup 1998, các cầu thủ Nigeria đã thực hiện cuộc “đảo chính” ngay trên sân cỏ.
Theo lời kể của Lawal, huấn luyện viên trưởng Nigeria khi đó, ông Bora Milutinovic yêu cầu các học trò ra sân với sơ đồ chiến thuật 4-5-1, cố gắng đá chắc để kiếm 1 điểm từ tay Tây Ban Nha. Về lý thuyết, cách suy nghĩ này đúng.
Tuy nhiên, Nigeria đã thẳng thừng “bật” ông thầy của mình. Họ tự xếp sơ đồ 4-4-2 và đá tấn công trước "La Roja". Bên ngoài đường pitch, ông Milutinovic ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông bắt đầu gào thét.
Nhưng Nigeria rốt cuộc lại tạo nên một trong những cơn địa chấn lớn nhất World Cup 98 khi đánh bại Tây Ban Nha 3-2 và nhờ chiến thắng đó, đại diện châu Phi sau đó còn giành quyền vào vòng knock-out trên tư cách đội nhất bảng. Đó là kỳ tích của bóng đá châu Phi ở sân chơi World Cup.
Trước France 98 tròn 28 năm, cũng tại một kỳ World Cup, đội tuyển Brazil rơi vào tình cảnh y hệt Tây Ban Nha hôm nay. Những cuộc tranh cãi, căng thẳng, thậm chí trảm tướng, thay tướng đã diễn ra trước thềm World Cup 1970. Mario Zagallo lên làm huấn luyện viên trưởng Brazil khi mới 38 tuổi.
Nhưng rốt cuộc thì sao? Brazil vô địch World Cup 1970, Mario Zagallo trở thành người đầu tiên vô địch World Cup cả trên tư cách cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Ở tuổi 38, ông đồng thời trở thành huấn luyện viên trẻ thứ nhì từng vô địch World Cup (sau Alberto Suppici của Uruguay vô địch năm 31 tuổi).
Hai câu chuyện của Nigeria 1998 và Brazil 1970 mang tới thông điệp gì? Rất rõ ràng, đôi khi những đội tuyển đủ tự tin, thì có hay không có huấn luyện viên cũng chẳng quá quan trọng.
Tây Ban Nha được Lopetegui xây dựng thành một khối thống nhất tính bằng đơn vị năm, chứ không phải vài ngày hay vài tháng. Vậy nên, chuyện ông có ngồi ghế huấn luyện viên hay ngồi xem tivi từ phòng làm việc tại Real Madrid thực tế cũng không khiến "La Roja" suy yếu như cách báo chí thế giới miêu tả.
Nếu Tây Ban Nha thi đấu kém cỏi tại World Cup lần này, vấn đề đến từ các cầu thủ, từ khát vọng, phong độ của họ chứ không từ chuyện huấn luyện viên bị sa thải trước giờ bóng lăn.
Còn chuyện tâm lý rối bời ư? Thử hỏi sự rối bời của người Tây Ban Nha đã là gì nếu so sánh với Italy tại World Cup 2006? Scandal Calciopoli nổ ra 1 tháng trước World Cup khiến nhiều thành viên đội tuyển Italy năm đó đối diện với tương lai bất định. Chờ đợi họ sau World Cup là những phiên tòa, những án phạt.
Và nếu Italy bước lên ngai vàng World Cup 2006 một cách đầy ngỡ ngàng, tại sao La Roja của năm 2018 không thể làm điều tương tự? Chẳng phải trái bóng luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà không ai có thể đoán định nổi, và đó mới là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của World Cup hay sao?
Bình Luận