Trong lịch sử bóng đá thế giới đã có rất nhiều danh thủ nổi tiếng được giao trọng trách làm người chỉ huy cả một đội bóng, chúng ta có thể kể đến như Franz Beckenbauer (Đức), Fabio Cannavaro (Italia), Roy Keane (Manchester United), Steven Gerrard (Liverpool)..., ngoài ra còn một số người khác cũng đã có vinh dự này. Vậy tại sao họ lại được sở hữu tấm băng đó mà không phải một thành viên khác trong đội?
Nếu nhìn chung vào bóng đá, chúng ta có thể thấy da số những người đội trưởng nổi tiếng ít khi là các tiền đạo, mà họ có thể là tiền vệ trung tâm hoặc các cầu thủ ở khu vực phòng ngự.
Cái uy trong phòng thay đồ và cả trên sân cỏ
Bạn có biết Roy Keane hay Patrick Vieira không? Hai gã "máu lạnh" một thời của Manchester United và Arsenal là những ví dụ điển hình cho cái uy trong bóng đá. Họ đều chơi ở vị trí tiền vệ trụ, nơi mà thường xuyên xảy ra "chiến tranh" giữa hai đội bóng.
Hai người này chưa bao giờ là những cầu thủ chơi tấn công tốt hơn phòng ngự, nhưng họ có những điểm khác biệt mà nhiều người không có, đó là sẵn sàng "chết" vì cả một tập thể, sẵn sàng đứng lên bênh vực đồng đội dù họ có sai hay đúng. Tất nhiên, họ cũng tự cho mình cái quyền "nắn gân những cầu thủ trẻ hay "ma mới" tại đội bóng chủ quản.
Năng lực chuyên môn "đủ tốt"
Hầu hết các danh thủ đeo tấm băng đội trưởng đều là những người xuất chúng trong đội bóng, tuy nhiên, khía cạnh chuyên môn này không thực sự "bị ép buộc", bởi chỉ cần họ đủ tốt với đội bóng là có thể gắn bó lâu dài với tấm băng đội trưởng.
Ví dụ như Per Mertesacker, cựu trung vệ này không hề nổi bật, anh cũng không phải người giỏi nhất tại hầu hết những đội bóng mình khoác áo. Tuy nhiên, Mertesacker vẫn được lựa chọn, đơn giản vì anh ta có năng lực đủ để chơi tại London trong nhiều năm.
Kinh nghiệm chơi bóng
Troy Deeney là một ví dụ điển hình, anh chơi nhiều mùa giải cho Watford nhưng chẳng phải là người nổi bật chuyên môn, cũng chẳng phải cầu thủ quá hung hăng như một số người khác. Tuy nhiên, ở một đội bóng "trung bình khá" như Watford, kinh nghiệm là một thứ quý báu, về mặt này, Deeney số 2 thì chẳng ai dám nhân số 1 cả.
Trường hợp của Pablo Zabaleta tại West Ham United hơi đặc biệt. Hậu vệ người Argentina đã chơi bóng nhiều năm tại Manchester City, nhưng ngay khi mới chuyển đến The Hammers, anh tiếp tục được tin tưởng cho trọng trách chỉ huy đội. Đó vẫn là kinh nghiệm được tích luỹ từ nhiều năm trước.
Khả năng quan sát tốt trên sân
Đây là điều mà những cầu thủ ở tuyến dưới chiếm lợi thế hơn, vì họ thường có nhiều khoảng không gian để quan sát những động tĩnh dù là nhỏ nhất trên sân. Thứ mà các tiền đạo sẽ khó lòng làm tốt, vì họ sẽ ít khi quay lưng lại với khung thành đội bạn chỉ để xem trên sân đang diễn ra chuyện gì.
Và canh bạc của Gareth Southgate với nhiệm vụ này?
Mới đây, thông tin Harry Kane được giao trọng trách nắm giữ nhiệm vụ chỉ huy cả đội tuyển Anh tại World Cup năm nay, thay cho Jordan Henderson là một điều tương đối bất ngờ. Ai cũng biết tiền đạo của Tottenham là người có thừa năng lực chuyên môn trên sân cỏ. Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng quan, chúng ta hẳn sẽ thấy tiếc cho Jordan Henderson, người cũng đang là đội trưởng tại câu lạc bộ Liverpool.
Kane "thừa tốt" ở câu lạc bộ nhưng lại "chưa đủ giỏi" tại đội tuyển Tam Sư, kể cả về khía cạnh đóng góp năng lực chuyên môn ở vài giải đấu gần đây. Anh cũng không phải mẫu người thích ăn tươi nuốt sống đối thủ chỉ vì một tình huống nào đó. Thậm chí, nhiều người sẽ nghi ngờ cái uy của tiền đạo sinh năm 1993 trong phòng thay đồ, vì dẫu sao anh cũng chỉ mới qua 25 cái xuân xanh, độ tuổi chỉ dáng làm em của những Ashley Young hay Henderson mà thôi.
Trên thực tế, tuyển Anh đang là một tập hợp của các "lính mới", và việc Kane được lĩnh xướng chiếc băng đội trưởng sẽ không quá ngạc nhiên, nhưng tại một giải đấu lớn như World Cup 2018, đây có thể sẽ là một canh bạc của HLV Gareth Southgate.
Bình Luận