Việc Mohamed Salah, Robert Lewandowski, Sadio Mane hay những người Đức thiện chiến rời cuộc chơi từ vòng bảng không làm sức hấp dẫn của World Cup 2018 thuyên giảm. Ngược lại, những đêm diễn với đầy đủ sắc màu đã xuất hiện tại nước Nga. Từ bi kịch, sử thi đến cả… hài kịch.
Bi kịch của thiên tài
Không hẹn mà gặp, Cristiano Ronaldo lẫn Lionel Messi đều ra sân trong cùng một ngày tại vòng knock-out đầu tiên của World Cup. Đối thủ của Messi và Argentina là Pháp hùng mạnh, trong khi Bồ Đào Nha của Ronaldo phải đối mặt với Uruguay giành trọn 9 điểm, không để lọt lưới bàn nào tại vòng bảng.
Đó dĩ nhiên là thử thách khó nhằn cho hai siêu sao thay nhau thống trị bóng đá thế giới suốt gần một thập kỷ qua. Song giới mộ điệu có những kỳ vọng rất rõ ràng rằng cả Ronaldo lẫn Messi đều phải vượt qua những thách thức đó. Với nhiều người, World Cup mất Ronaldo hoặc Messi sẽ không thể trọn vẹn nữa.
Nhưng đúng như lời Messi từng nói rằng “Bóng đá là một trò chơi đầy bất ngờ”, anh đã phải dừng giấc mơ chinh phục World Cup ngay ở vòng knock-out đầu tiên trước những người Pháp trẻ trung, tốc độ lẫn mạnh mẽ hơn. Messi đã làm tất cả trước Pháp với hai pha kiến tạo gần như từ hư vô cho Mercado và Sergio Aguero, dù hệ thống của Argentina tỏ ra kém cỏi hơn hoàn toàn so với đối thủ.
Bốn tiếng sau khi Messi phải rời sân chơi World Cup, Ronaldo cũng làm điều tương tự. Không gây cám cảnh như Messi, thất bại của Ronaldo tới khi siêu sao người Bồ bị vô hiệu hóa hoàn toàn trước hàng phòng ngự Uruguay. Đại diện Nam Mỹ đã bịt kín mọi khoảng trống, khống chế hoàn toàn Ronaldo trước khi trừng phạt nhà ĐKVĐ Euro bằng họng pháo Edinson Cavani.
Sự kịch tính không tồn tại trong những phút cuối của trận Bồ Đào Nha-Uruguay như cặp đấu Pháp-Argentina trước đó. Song người hâm mộ, cũng cảm thấy rất rõ ràng rằng mình chuẩn bị được thấy một trong những bi kịch lớn nhất trong suốt hơn một thập kỷ qua. Đó là cả Messi lẫn Ronaldo đều không thể chạm tay vào cúp Vàng World Cup, danh hiệu đỉnh cao cuối cùng trong bộ sưu tập vốn đã rất đồ sộ của cả hai.
Messi đã 31 tuổi, Ronaldo đã 33 tuổi. Không cần bất kỳ sự thừa nhận nào thì giới mộ điệu cũng có thể nhận biết rằng đây sẽ là kỳ World Cup cuối cùng của cả hai. Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dường như không dành cho hai siêu sao đã chinh phục mọi thứ ở cấp CLB.
“Sàn diễn” World Cup vòng 16 đội đã mở màn như thế. Ronaldo và Messi, những “vai chính” của giai đoạn vòng bảng bỗng bị loại.
“Ấu Chúa” Kylian Mbappe
Sự lụi tàn của Ronaldo và Messi ở sân chơi World Cup đã mở ra cơ hội cho những siêu sao trong tương lai. Và Kylian Mbappe dứt khoát là người đang giành pole trong cuộc đua đầy danh vọng đó. Cú đúp vào lưới Argentina để quật ngã chính Messi là lời khẳng định không thể đanh thép hơn của tiền đạo sinh năm 1998.
Trước Mbappe mới chỉ có đúng một cầu thủ lập cú đúp trước tuổi 20 tại vòng knock-out World Cup là “Vua bóng đá” Pele tại World Cup 1958. Nếu sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên này chưa có đủ giá trị thuyết phục thì hãy đưa màn trình diễn của Mbappe vào lăng kính chuyên môn.
Trong 4 bàn mà Pháp nã vào lưới Argentina, Mbappe góp công trực tiếp trong 3 bàn. Bàn đầu tiên, ngôi sao của PSG tung cú nước rút khủng khiếp từ giữa sân vào tới tận vòng cấm Argentina, buộc Marcos Rojo phải phạm lỗi.
Bàn thứ ba vẫn là tốc độ kinh hoàng ấy nhưng là ở quãng ngắn ngay trong vòng cấm Argentina. Mbappe vặn mình đẩy bóng trước khi tung cú sút chìm tung lưới Argentina. Bàn thứ tư, vẫn là Mbappe thi triển tốc độ không tưởng đó trước khi sút tung lưới Armani trong tình huống đối mặt.
Pháp bản thân đã sở hữu hệ thống vượt trội cả về con người lẫn tính tổ chức so với Argentina. Và với Mbappe, Les Bleus còn qua mặt Albiceleste ở tính bùng nổ, bất chấp thiên tài Lionel Messi vẫn ở trên sân.
Mbappe vốn đã rất nổi tiếng trước đó với giá chuyển nhượng 180 triệu euro “trá hình” từ AS Monaco song PSG, song chân sút sinh năm 1998 vẫn ít nhiều phải đón nhận những định kiến khi chỉ chơi tại Ligue 1. Nhiều người cho rằng Mbappe chỉ là sản phẩm của truyền thông, nhất là khi PSG của Mbappe thất bại trước Real Madrid tại vòng 1/8 Champions League mùa vừa rồi.
Dẫu vậy thì cú đúp vào lưới Argentina qua đó loại chính Messi ra khỏi World Cup dường như sẽ chôn vùi toàn bộ những định kiến ấy.
Với gốc gác Pháp cùng tốc độ xé gió, nhiều người sẽ liên hệ Mbappe với huyền thoại Thierry Henry. Song những gì Mbappe đang thể hiện khiến người xem buộc phải so sánh anh với “Người ngoài hành tinh” Ronaldo. Henry tuy sở hữu sự nghiệp đỉnh cao ở cấp CLB, song tại sân chơi World Cup, “Titi” chưa từng tạo ra ấn tượng vô song như những gì Mbappe đã làm trước Argentina.
Ngày Messi và Ronaldo rời sân chơi World Cup cũng là thời điểm Mbappe vụt sáng. “Ấu Chúa” của bóng đá thế giới đang hiện thân qua bóng hình Mbappe theo cách như thế.
Gục ngã Tây Ban Nha
1.200 đường chuyền để tạo ra 1 bàn thắng trước khi gục ngã trên chấm luân lưu. Tin hay không thì chúng ta cũng đang nói tới Tây Ban Nha, đội tuyển có giá trị đội hình lên tới 876 triệu bảng, cao thứ ba tại World Cup 2018 chỉ sau Brazil và Pháp.
Nhưng đó chỉ là một vế của câu chuyện buồn mang tên Tây Ban Nha. Vế còn lại là việc La Roja đã thua… Nga. Đội chủ nhà có giá tri đội hình bằng đúng 1/10 những triệu phú bên bán đảo Iberia, cất ngôi sao sáng nhất vòng bảng Denis Cheryshev tới phút thứ 61 mới tung ra sân, thậm chí còn tặng cho Tây Ban Nha một bàn phản lưới.
Với chừng đó lợi thế, Tây Ban Nha vẫn biết cách tự bắn vào chân mình bằng sai lầm ngớ ngẩn của Gerard Pique cùng sự nhợt nhạt trong cách sắp xếp nhân sự lẫn triển khai thế trận. “Cuồng phong đỏ” chỉ biết chuyền qua chuyền lại như những cái máy, không có bất kỳ phương án tiếp cận khung thành Igor Akinfeev.
Việc Tây Ban Nha kém cỏi như thế thất bại trước Nga (hay có thể bất kỳ đội bóng nào) không khiến người xem bất ngờ bằng việc thực sự là La Roja đã sa sút nhanh tới vậy khi không còn Julen Lopetegui trên băng ghế chỉ đạo.
Rõ ràng scandal sa thải nhà cầm quân sinh năm 1966 chỉ 48 tiếng trước trận ra quân với Bồ Đào Nha đã giáng một đòn quá mạnh vào không chỉ tâm lý mà còn cả kỹ chiến thuật của những người Tây Ban Nha. Hai năm trời bẻ lái La Roja khỏi tiki-taka lỗi thời của Lopetegui đã đổ sông đổ biển.
Trong hoàn cảnh bĩ cực rắn mắt đầu, Fernando Hierro không còn cách nào khác phải đưa Tây Ban Nha trở lại với công thức tiki-taka khốn khổ khiến La Roja đại bại trên đất Brazil cách đây 4 năm.
Có hay không chuyện Tây Ban Nha thất bại vì mâu thuẫn Real - Barca vẫn sẽ còn là dấu hỏi, nhất là khi người châm ngòi cho việc Lopetegui rời ghế HLV trưởng Tây Ban Nha là Florentino Perez, quyền lực không thể xem thường tại xứ sở đấu bò.
Song thực tế vẫn nói rằng chính việc Lopetegui bị sa thải đã biến Tây Ban Nha hùng mạnh, ứng cử viên số hai cho chức vô địch bị đội chủ nhà Nga yếu hơn về mọi mặt knock-out khỏi World cup ngay từ vòng 1/8...
Bi kịch thứ hai của vòng knock-out đầu tiên của World Cup đã diễn ra như thế.
Diễn viên Neymar
Sau những bi kịch, World Cup cũng biết cách bớt đi sự bi lụy bằng vở hài kịch có tên Brazil cùng diễn viên chính: Neymar. Câu chuyện dĩ nhiên không xoay quanh màn trình diễn trên sân cỏ của ngôi sao đang khoác áo PSG.
Phong độ của số 10 Selecao tới giờ không phải bàn. Anh càng đá càng hay và đóng vai trò lớn trong việc biến Brazil thành ứng cử viên số một cho chức vô địch World Cup (theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia) tính tới lúc này. Trong chiến thắng 2-0 trước Mexico, Neymar ghi một bàn và kiến tạo bàn còn lại cho Roberto Firmino.
Mọi thứ nom khá hoàn hảo cho Neymar… ngoại trừ những pha ăn vạ của anh.
“Neymar còn được FIFA trao giải Cầu thủ hay nhất trận nữa sao? Lạy Chúa tôi, FIFA cần xem lại. cách mà anh ta cư xử trong trận đấu này thật đáng hổ thẹn. Thật sự cực kỳ khó chịu khi xem thứ bóng đá như vậy. Anh nhìn mà xem, cách anh ta cố gắng để khiến đối thủ bị phạt thẻ thật không tưởng, trông cứ như anh ta sắp chết vậy. Nếu có một mong muốn nào đó, tôi ước anh ta đừng thi đấu nữa”.
Những lời chia sẻ thật nặng nề về Neymar? Nhưng ai nói ra điều này. Câu trả lời: Peter Schmeichel. Thủ thành huyền thoại người Đan Mạch không giấu được sự bức xúc trước những pha ăn vạ phản cảm của Neymar trong trận đấu với Mexico. Schmeichel dĩ nhiên không phải người duy nhất ném những cái nhìn cay nghiệt về số 10 người Brazil.
Eric Cantona, huyền thoại người Pháp vẫn nổi tiếng với những màn châm biếm nhẹ nhàng trên truyền hình cũng không thể bênh vực nổi tiền đạo đang chơi bóng tại đất nước hình lục lăng cho PSG. “Neymar à, cậu là một cầu thủ tuyệt vời. Nhưng cũng là diễn viên rất cừ”, Cantona móc máy. “Nhưng nghe này, lần sau khi cậu bị đối thủ đụng vào vai thì đừng ôm mặt mà la ó nhé”.
Ăn vạ nói riêng hay “diễn” nói chung dĩ nhiên là một khía cạnh không thể thiếu trong bóng đá. Ở sân chơi World Cup, đã có nhiều tên tuổi nâng điều này lên mức nghệ thuật. Diego Simeone từng ăn vạ đến mức khiến David Beckham nhận thẻ đỏ trong trận chiến căng thẳng Argentina-Anh tại World Cup 1998, trực tiếp đẩy Becks trở thành tội đồ của nước Anh.
Tiền bối của chính Neymar, Rivaldo từng khiến Hakan Unsal (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận thẻ đỏ trong trận đấu tại vòng bảng World Cup 2002. Sự phản cảm mà Rivaldo tạo ra (bóng sút vào đùi nhưng Rivaldo ôm mặt lăn lộn) khiến đây thực sự trở thành một vết nhơ trong sự nghiệp của Quả bóng Vàng 1999.
Song điều mà Neymar khiến mọi thứ trở nên “cực kỳ cực kỳ khó chịu” như Schmeichel thừa nhận là việc tiền đạo người Brazil “diễn” quá nhiều, thậm chí quá lố lăng. Từ trận ra quân với Thụy Sĩ tới trận chiến vừa kết thúc với Mexico. Neymar lần nào cũng lăn ra sân đau đớn mỗi khi có ai chạm vào anh.
Brazil có thể vô địch World Cup 2018, nhưng những khó chịu mà Neymar tạo ra, giống như Rivaldo năm nào sẽ không thể bị lãng quên.
Và những sử thi
Sau những vở bi hài kịch lẫn lộn, vòng knock-out World Cup 2018 cuối cùng cũng mang tới người hâm mộ những kịch bản đậm màu sắc sử thi. Đó là thất bại không tưởng của Nhật Bản khi dẫn trước Bỉ hùng mạnh tới 2-0 trước khi thua ngược 2-3. Điều gì bất ngờ hơn giữa việc Nhật Bản dẫn sâu Bỉ và thua ngược bằng những đấu pháp sai lầm (hay liều lĩnh) của HLV Akira Nishino?
Không ai dám chắc, song có điều 90 phút Nhật Bản tạo ra trước Bỉ là 90 phút đầy đủ những cung bậc cảm xúc cho giới mộ điệu. Từ tự hào, lo lắng đến thất vọng và sau cùng là nuối tiếc. Có thể trông chờ điều gì kịch tính hơn thế nữa?
Bên cạnh Nhật Bản, thất bại của Đan Mạch trước Croatia cũng là một cặp đấu khiến giới mộ điệu trải qua những giây phút nghẹt thở. Croatia đã có cơ hội không thể tuyệt hơn để kết liễu trận đấu khi có cú phạt đền vào phút thứ 118. Song Luka Modric thất bại trên chấm 11 mét.
Những tưởng đây sẽ là dấu mốc cho sự suy tàn của Croatia thì người hùng Danijel Subasic tỏa sáng với 3 lần chiến thắng trên chấm phạt đền, làm lu mờ Kasper Schmeichel bên kia chiến tuyến, kéo Croatia vào tứ kết.
Cuối cùng, cặp Anh-Colombia kết thúc vòng 1/8 với đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố. Việc người Anh yếu bóng vía trên chấm 11 mét không còn mới, song đúng vào khoảnh khắc cả thế giới nghĩ tới sự sụp đổ của Tam sư thì bất ngờ họ giành chiến thắng với người hùng Jordan Pickford trong khung gỗ. Một kịch bản cứ như bộ phim hiệp sĩ đúng kiểu Anh!
Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, người Anh giành chiến thắng trên trò chơi may rủi. Cả nước Anh phát cuồng. Slogan “Bóng đá đang trở về nhà” cùng hình ảnh Harry Kane nâng cao cúp vàng chế theo Bobby Moore vô địch World Cup 1966 được lan truyền khắp mạng xã hội.
Người Anh có lẽ đang rất tự tin vào việc Tam Sư có thể lên ngôi vô địch. Tuy vậy, cơ hội mang “bóng đá trở về nhà” của người Anh không hề đơn giản.
World Cup 2018, như đã thấy, là giải đấu công phá mọi quan điểm xưa cũ bằng những bất ngờ không tưởng. Bất kỳ điều gì cũng có thể diễn ra tại Nga. Đó là những thách thức thật sự với các đội tuyển, nhưng lại là niềm vui không thể đong đếm của giới mộ điệu.
Người ta gọi bóng đá là môn “thể thao vua” và World Cup là “ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh” âu cũng là vì lẽ ấy. Bóng đá trên hết cứ phải là phải vui!
Bình Luận