Nhật Bản lấy vé nhờ fair-play: Tấn hài kịch của "thượng võ"!

Nhật Bản đã vào vòng 1/8 World Cup 2018 nhờ điểm fair-play. Nhưng cách mà đội quân Samurai đi tiếp lại hết sức thất vọng, trái ngược niềm tự hào châu Á.

Nhật Bản và chiếc vé nhờ fair-play

Trước khi lượt trận cuối cùng của bảng H diễn ra, Nhật Bản trở thành niềm hy vọng và tự hào của bóng đá châu Á.

Hàn Quốc đã làm nên điều kỳ diệu, khi đánh bại Đức rồi cùng với nhà vô địch năm 2014 rời nước Nga, nhưng báo chí nước này vẫn dành lời khen cho Nhật Bản.

Chiến thắng trước Colombia, rồi trận hòa với Senegal đã đưa hình ảnh Nhật Bản đến với thế giới, như ngọn cờ đầu của châu Á.

Trong đó, cách chiến đấu và giành lại 1 điểm của các chiến binh Samurai xanh thực sự đáng ngưỡng mộ. Họ đã vượt qua những giới hạn về thể chất để chơi một thứ bóng đá tuyệt vời.

Nhật Bản lấy vé nhờ fair-play: Tấn hài kịch của

Nhật Bản thua trận, vào vòng 1/8 nhờ fair-play. 

Nhưng rồi Nhật Bản không thể tự quyết định chiếc vé vào vòng knock-out. Đội tuyển xứ mặt trời mọc đi tiếp nhờ một thay đổi lớn của FIFA: tính điểm fair-play.

Nhật Bản có cùng chỉ số phụ như Senegal, đội bị loại sau khi thua Colombia. Nhưng Nhật Bản vào vòng sau nhờ ít nhận thẻ phạt hơn.

Sau vòng bảng, Nhật Bản nhận 4 thẻ vàng, còn Senegal là 6.

World Cup 2018 đánh dấu những cột mốc quan trọng: Pháp trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử hưởng lợi từ công nghệ VAR. Giờ đây, Nhật Bản là đội đầu tiên vượt qua vòng bảng nhờ điểm fair-play.

Niềm tự hào châu Á đâu rồi?

Fair-play là một khái niệm đặc biệt, nói về vẻ đẹp trong thể thao.

Khái niệm fair-play rất vô chừng, thường chỉ gói gọn trong một phạm vi nào đó. Paulo Di Canio - cựu cầu thủ Milan, Juventus và ngôi sao Premier League, từng gắn với hình ảnh xấu xí trên sân cỏ.

Nhật Bản lấy vé nhờ fair-play: Tấn hài kịch của

Nhật Bản fair-play mà không fair-play. 

Nhưng cuộc đời anh cũng có hình ảnh fair-play đi vào lịch sử bóng đá Anh: ôm bóng lại khi thủ môn đối phương chấn thương, thay vì ghi bàn vào khung thành mở toang.

Fair-play của đội tuyển Nhật Bản thì sao?

Họ chơi rất nổi bật, tinh thần đáng khen ngợi trong 2 trận đấu đầu tiên. Nhưng trận gặp Ba Lan thì khác.

Sau khi bị Ba Lan dẫn bàn, Nhật Bản sẽ bị loại nếu trận Senegal vs Colombia kết thúc với tỷ số hòa.

Nhật Bản tấn công bất lực. Rồi hy vọng mở ra cho họ: Colombia ghi bàn vào lưới Senegal. Giữa Nhật Bản và Senegal có cùng chỉ số phụ chuyên môn. Nhưng đội bóng châu Phi nhận nhiều thẻ vàng hơn.

Hiểu điều này, Nhật Bản chơi cù nhầy, câu giờ hơn 10 phút cuối khiến trận đấu trở thành một thảm họa thực sự.

Người Nhật Bản nổi tiếng về tinh thần, trách nhiệm và chất võ sĩ đạo. Đó là lý do đội tuyển áo xanh được mệnh danh “Samurai xanh”.

Nhưng cách mà đội tuyển Nhật Bản làm mọi trò xấu để vào vòng knock-out là một nỗi hổ thẹn.

Chiếc vé fair-play đầu tiên trong lịch sử World Cup đã được trao cho đội bóng diễn “trò mèo” lộ liễu, phá hỏng tinh thần thể thao cao thượng.

Nguồn: VietNamNet
    Bình Luận