Tây Ban Nha
Nhà vô địch năm 2010 vẫn được đánh giá là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu trên đất Nga. Dù vậy, rõ ràng so với cách đây 8 năm, đội hình Tây Ban Nha lần này không thể sánh bằng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lo lắng lớn nhất cho HLV Julen Lopetegui, điều có thể khiến Tây Ban Nha gặp khó chính là việc tìm kiếm một tiền đạo cắm phù hợp cho đội hình.
EURO 2016, Alvaro Morata là người được chọn nhưng tiền đạo sinh năm 1994 không thể đáp ứng được kỳ vọng. Lần này, thậm chí anh đã phải ở nhà và mọi hy vọng của 'Bò Tót' đặt hết vào Diego Costa.
Thế nhưng, tiền đạo Atletico Madrid chưa bao giờ thi đấu tốt trong màu áo Tây Ban Nha, anh không phù hợp với lối đá kiểm soát, phối hợp. Thay vào đó, Costa là một tiền đạo trực diện.
Brazil
Đánh bại Nhà vô địch Đức ở trận giao hữu Tháng Ba vừa qua, Brazil đang được xem là ứng cứ viên số một tại nước Nga tới đây. Xét về phong độ, Brazil cũng là đội tuyển tốt nhất hiện tại. Họ trình diễn một lối chơi tấn công đẹp mắt với những ngôi sao như Neymar, Philippe Coutinho, Willian, Douglas Costa, Roberto Firmino.
Tuy nhiên, Brazil không phải là không có điểm yếu. Hãy nhớ về ký ức 'kinh hoàng' cách đây 4 năm, hàng phòng ngự luôn là nỗi lo của Brazil ở mỗi giải đấu lớn. Các hậu vệ cánh của Brazil thường dâng khá cao và nếu đối thủ biết cách khai thác, đó sẽ là thảm họa cho các vũ công xứ Samba.
Một điểm yếu khác của Brazil là họ có quá nhiều nghệ sĩ trên sân. Nếu không kiểm soát, nhưng ngôi sao ham biểu diễn này có thể phá hỏng chiến thuật của Tite. Ngoài ra, Neymar, ngôi sao sáng nhất của họ thường hay mất bình tĩnh. Tiền đạo PSG hoàn toàn có thể trở thành 'tội đồ' của Brazil trong một ngày không đẹp trời nào đó.
Pháp
Tuyển Pháp đang sở hữu dàn cầu thủ tấn công đầy tài năng như Paul Pogba, Antoine Griezmann, Kylian Mbappe và Ousmane Dembele. Những Samuel Umtiti, N'Golo Kante, Raphael Varane ở tuyến dưới cũng đảm bảo cho người Pháp một hàng phòng ngự chắc chắn. Vậy điểm yếu của Pháp nằm ở đâu?
Hãy nhìn EURO 2016 để có câu trả lời. Việc Pháp thất bại trước Bồ Đào Nha trong trận chung kết chứng minh rõ sự thiếu bản lĩnh của họ. Điều này xuất phát từ việc Les Bleus thiếu đi một cầu thủ lãnh đạo, người có thể truyền động lực và xốc lại tinh thần toàn đội trong thời khắc khó khăn. Fabio Cannavaro, Carles Puyol, Philipp Lahm đã đưa đội tuyển của họ đến với Cúp Vàng, vậy ai sẽ làm nhiệm vụ đó trong đội hình tuyển Pháp năm nay? Quá khó để tìm câu trả lời.
Ngoài ra, vị trí hậu vệ cánh của Pháp cũng là điều đáng lo ngại. Benjamin Mendy và Djibril Sidibe, hai cái tên nhiều khả năng sẽ được tin dùng hai cánh đã bị chấn thương hành hạ trong mùa giải vừa qua. Họ có thể không đạt được thể trạng tốt nhất. Trong khi đó, hai vị trí thay thế là Theo Hernandez và Banjamin Pavard có quá ít kinh nghiệm.
Đức
Tuyển Đức bước vào giai đoạn chuyển giao sau chức vô địch World Cup cách đây 4 năm. Nhìn chung, Joachim Low đã thực hiện khá thành công và trình làng được những cái tên mới như Joshua Kimmich, Leon Goretzka, Timo Werner. Đội hình tại Nga tới đây của Cỗ xe tăng sẽ có một nửa gồm những cầu thủ kinh nghiệm, nửa còn lại là các tài năng trẻ đang lên.
Không thể phủ nhận Đức đang sở hữu dàn cầu thủ đồng đều từ chính thức đến dự bị và thật khó để tìm ra điểm yếu của họ. Tuy nhiên, có thể thảm họa sẽ xảy ra với người Đức vì bản tính bảo thủ của Joachim Low.
Cặp trung vệ số một của chiến lược gia 58 tuổi trên đất Nga nhiều khả năng vẫn là Hummels-Boateng. Hummels quá tốt nhưng Boateng thì lại có vấn đề. Chấn thương gân kheo đã đeo bám trung vệ sinh năm 1988 trong mùa giải vừa qua và ít nhiều khiến anh không còn giữ được phong độ.
Dù vậy, trong một tập thể xuất sắc của Bayern, điểm yếu từ Boateng phần nào đó được che đậy. Trong trận đấu với đối thủ xứng tầm Real Madrid tại bán kết Champions League, Boateng lại chấn thương từ sớm và không có nhiều thời gian để được kiểm chứng. Tóm lại, Boateng có thể là một quả 'bom nổ chậm' của trong lòng Cỗ xe tăng Đức.
Bình Luận