Tây Ban Nha bị loại: Cái chết của Tiki-taka?

Không đợi tới khi tuyển Nga giành chiến thắng sau loạt penalty cân não, tuyển Tây Ban Nha đã thất bại từ lúc trọng tài Bjorn Kuipers nổi còi kết thúc 90 phút thi đấu.

Người dân ở bán đảo Iberia đổ trận thua trước Nga tại vòng 1/8 của World Cup 2018 như tai nạn. Sau 120 phút bóng lăn, Tây Ban Nha vẫn hòa tuyển Nga đấy thôi. Còn dân trong nghề gọi đó là cả trời sụp đổ. Cảm giác thất bại ư? Không, đó còn hơn một thất bại.

Năm 2018, trường phái tiki-taka thật sự chạm đáy.

Tây Ban Nha "chết" bởi tiki-taka

Có một con số thống kê rất thú vị sau trận Nga đánh bại Tây Ban Nha, khi đội thua cuộc thực hiện đến 1.200 đường chuyền, cao gấp ba lần đối thủ. Thời lượng kiểm soát bóng của "La Roja" gần 80%, chỉ dấu cho thấy bóng toàn thuộc về nhà vô địch World Cup 2010 và thế trận như dành riêng cho họ.

Người Nga không lạ triết lý của đối thủ. Suốt hai hiệp chính và phụ, đội tuyển có thứ hạng thấp nhất theo FIFA ( xếp 70 thế giới) bình tĩnh phòng ngự chặt chẽ và rất tổ chức. Hàng thủ năm người thi đấu kỷ luật, ngoài ra các vị trí giữ cự ly rất gần để bọc lót cho nhau, và lùi sâu đến mức không thể sâu hơn.

Tây Ban Nha bị loại: Cái chết của Tiki-taka? - Bóng Đá

Tây Ban Nha bất lực trước hàng thủ tuyển Nga. Hai đội hòa 1-1 trong trận đấu thuộc vòng 1/8 của World Cup. Sau đó, Nga đánh bại Tây Ban Nha trên chấm 11m. 

Chính điều này khiến thứ bóng đá tiki-taka của Tây Ban Nha vô hại. Những đường chuyền ngắn được Isco, Sergio Busquets, David Silva thực hiện đều bị hàng thủ hai lớp màu trắng đánh bật. Sau cùng, tuyển Nga thành công với kiểu "dựng xe bus" tiêu cực. Còn Tây Ban Nha sụp đổ cùng triết lý cũ kỹ.

Quan sát cầu thủ Tây Ban Nha chuyền qua chuyền lại, chuyên gia bóng đá xứ đấu bò Guillem Balague cảm thấy ngán ngẩm. Ông viết dòng tweet rất thâm thúy: "Bản chất của "La Roja" hết sức nhợt nhạt. Họ chơi thứ bóng đá tiki-taka rác rưởi suốt 45 phút. Tây Ban Nha cần ai đó tạo ra điều đặc biệt".

Bình luận đó nói lên cho sự bế tắc của Tây Ban Nha. Khi không thể tìm ra đường vào khung thành thủ môn Igor Akinfeev, các cầu thủ cũng không biết làm gì hơn. Ngoài sân, HLV Fernando Hierro trở thành kẻ học việc thật sự. Ông điều chỉnh nhân sự, tuy nhiên các vị trí đều có lối chơi giống nhau.

Nacho được thay bằng Dani Carvajal, Andres Iniesta thế chỗ của David Silva và Diego Costa nhường vị trí cho Iago Aspas. 45 phút hiệp 2 không khác trước giờ nghỉ khi Tây Ban Nha cứ trung thành với tiki-taka. Chỉ tới 10 phút cuối, sự xông xáo của Iago Aspas mới tạo ra chút khởi sắc trong các đường tấn công.

Tây Ban Nha bị loại: Cái chết của Tiki-taka? - Bóng Đá

Lối chơi tiki-taka của Tây Ban Nha rất thiếu sắc bén và sáng tạo. 

Phần còn lại của cuộc đối đầu giữa Nga và Tây Ban Nha thuộc về lịch sử. Đội bóng xứ bạch dương xứng đáng giành chiến thắng nhờ lối chơi "biết mình biết ta". Họ không có những con người sáng tạo như đối thủ, nhưng tập hợp 11 cầu thủ trên sân là những chú ong cần mẫn và bền bỉ như người lính.

Tiki-taka hết thời?

Có lần, phóng viên nổi tiếng Sid Lowe của báo Guardian (Anh) mô tả cách Tây Ban Nha chơi bóng vào năm 2010 mang tinh thần cực đoan như tổ chức Hồi giáo Taliban (talibanismo de tiki-taka). Lần đó, bàn thắng bằng đầu của Carlos Puyol vào lưới tuyển Đức ở bán kết được bóng gió gọi là "thứ dơ bẩn".

Theo Sid Lowe, người Tây Ban Nha không thích những bàn thắng được ghi theo cách như vậy. Trên bìa tờ báo AS cố lôi trường phái tiki-taka vào dòng tít, họ viết: "Tiki-taka và một bàn thắng từ "Furia Roja" (tạm dịch: Cuồng phong đỏ", biệt danh của tuyển Tây Ban Nha vào năm 1920).

Sid Lowe giải thích thêm, Tây Ban Nha ghi bàn từ tình huống phạt góc đã bị xem là "bẩn thỉu", còn với những pha phản công hay bóng dài là thô tục. Khi "La Roja" đá tiki-taka, bàn thắng phải được thực hiện sau những pha ban bật ngắn rồi chờ đến sát khung thành mới dứt điểm.

Tây Ban Nha bị loại: Cái chết của Tiki-taka? - Bóng Đá

Nhiều lần, cầu thủ Tây Ban Nha chỉ biết chuyền bóng qua lại. Họ thiếu những tình huống đột phá táo bạo. 

Buổi chiều ở Luzhniki, tuyển Tây Ban Nha thất bại một phần vì bám víu vào trường phái cũ kỹ ấy. Họ chỉ biết bật nhả đến mức ru ngủ người xem. "La Roja" không thiếu cầu thủ gây đột biến như Lucas Vazquez hay Marco Asensio, nhưng người thì không được ra sân, kẻ lại chẳng dám đột phá.

Tây Ban Nha có quyền trung thành với triết lý của mình, bởi bộ khung họ mang đến Nga gồm Iniesta, David Silva hay Sergio Busquets đã chơi suốt nhiều năm liền. Những gì "La Roja" thể hiện rất cơ bản, họ tin tưởng vào nhiều đường chuyền ngắn đến mức thái quá, dẫn đến nhiều pha bóng cầu toàn.

Nhìn các đồng đội miệt mài đánh phá tường thành tuyển Nga trong vô vọng, tiền vệ Cesc Fabregas bình luận với BBC Sport: "Tôi thích tiki-taka, nhưng các đường chuyền không có đích đến như vậy sẽ không đưa Tây Ban Nha tới đâu. Nhìn xem, Costa có pha đánh đầu, Isco sút xa và chấm hết".

Tây Ban Nha gục ngã trước tuyển Nga, nhưng đó còn hơn cả một thất bại. Sau nhiều năm "làm mưa làm gió", triết lý tiki-taka đã tới ngày tàn. "La Roja" không có gì sai với triết lý của mình, tuy nhiên hôm nay họ thiếu đi mảnh ghép cuối cùng để vận hành trơn tru lối đá ban bật ngắn.

Khó trách được Fernando Hierro, bởi ông đâu có tôn sùng lối đá ấy.

Nguồn: Zing.vn
    Bình Luận