Trong đội hình đội tuyển Anh vừa đánh bại Thụy Điển để giành tấm vé lọt vào bán kết World Cup, ngoại trừ Raheem Sterling và Kyle Walker - những người trực tiếp đóng góp vào chiến thắng của Man City tại Premier League, tất cả cầu thủ còn lại đều gần như chưa từng được tắm mình trong những vinh quang lớn ở cấp độ CLB.
Harry Kane đang được người Anh tôn sùng, nhưng ánh hào quang rực rỡ nhất mà cá nhân Kane cùng các đồng đội ở Tottenham như Kieran Trippier, Dele Alli, Eric Dier được trải qua cũng chỉ là niềm vui kết thúc một mùa Premier League trong top 4.
Ashley Young từng có mặt trong đội hình MU vô địch Premier League 2012/13. Nhưng mùa năm đó, Young chỉ thi đấu một nửa số trận so với các đồng đội (đến Shinji Kagawa còn đá nhiều trận hơn Young). Phải mãi sau này, khi hàng lanh cánh trái của “Quỷ đỏ” không còn những sự lựa chọn sáng giá, Young mới được đá chính thường xuyên và nhờ hành trình “hồi xuân” ấn tượng mà được gọi vào đội tuyển Anh dự World Cup 2018.
Như vậy, kể cả một cầu thủ lão luyện như Young thực tế cũng ở trong trạng thái thèm khát những lời tôn vinh. Mùa 2012/13, người ta nói về Robin van Persie, về Wayne Rooney trong hành trình chinh phục Premier League của MU chứ dĩ nhiên chẳng ai nói về Young.
Đa phần tuyển thủ Anh đều ở trong tình trạng như Young. Harry Maguire là một ví dụ. Cầu thủ ghi bàn thắng mở tỷ số vào lưới Thụy Điển trong trận tứ kết mới đây thậm chí còn thừa nhận anh không dám tin một ngày nào đó tên của mình được lên trang nhất các tờ báo lớn.
Đội tuyển Anh mang tới World Cup lần này một dàn cầu thủ đói khát theo đúng nghĩa đen, và có lẽ đây là lần hiếm hoi trong lịch sử, chú “Sư tử Anh” bị bỏ đói thế này.
Điều này trái ngược 180 độ so với thế hệ đàn anh. Trong quá khứ, những David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard... chẳng cần tới những trận đấu World Cup để được lên báo. Họ no nê vinh quang trong màu áo CLB. Họ, dù chẳng giành được bất kỳ thành tích nào ở đội tuyển quốc gia, vẫn mặc nhiên được coi là những anh hùng dân tộc.
Nhờ nổi lên trong màu áo CLB sớm hơn đội tuyển quốc gia nên thế hệ đàn anh của Kane, Alli, Trippier không cần phải làm bất kỳ điều gì để chứng minh vị thế của mình trong mắt người Anh.
Dù có trải qua bao lần bị hạ nhục ở EURO hay World Cup, thương hiệu Lampard, Gerrard, Beckham vẫn cứ đứng vững trước mọi bão tố. Sự thừa mứa vinh quang khiến cho đội tuyển Anh trong quá khứ bước tới World Cup với không nhiều khát vọng.
Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên hình ảnh các tuyển thủ Anh chui vào hộp đêm uống rượu, hút xì gà sau khi thua nhục Đức ở World Cup 2010. Sau khi bức ảnh gây sốc này được tung lên mặt báo, hậu vệ Ashley Cole đã nhắn tin cho bạn với nội dung: “Tôi ghét lũ CĐV Anh”.
Tin nhắn này còn gây phẫn nộ hơn, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai dám chạm tới Cole. Vì anh vẫn là ngôi sao trong màu áo CLB. Vì Cole hay bất kỳ đồng đội nào cùng thời điểm với anh chẳng cần tới vinh quang ở cấp độ đội tuyển để được thế giới thừa nhận.
Nhưng thế hệ hôm nay thì khác hoàn toàn. Ngoại trừ một số tên tuổi đã khẳng định được mình trong màu áo CLB như Kane, Alli, Young... đa phần tuyển thủ Anh rất cần đòn bẩy World Cup để bước từ bóng tối ra ánh sáng. Cuộc đời của họ sẽ bước sang một trang mới nếu mang vinh quang về cho tổ quốc.
Mục đích này nghe có vẻ đầy thực dụng so với những ý nghĩa mang tính dân tộc mà người ta choàng lên đầu các chiến công ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nhưng cuộc sống là vậy, thực tế là vậy. Chẳng việc gì phải tỏ ra thanh cao. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa Anh của ngày hôm nay và Anh trong quá khứ.
Thế hệ Becks, Lampard, Gerrard góp mặt tại World Cup vì trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc. Còn thế hệ hôm nay, họ rực sáng tại World Cup, một phần, cũng vì tương lai của chính mình mà thôi.
Những gì đội tuyển Anh làm được tại giải lần này cho thấy tố chất của họ không hề tệ. Họ chỉ thiếu một khát vọng chính đáng để tỏa sáng mà thôi. Vậy nên muốn “Tam sư” thành công, hãy bỏ đói con "sư tử".
Bình Luận