Sau một tháng trời ròng rã, World Cup 2018 cuối cùng cũng đã kết thúc với chiếc cúp vàng danh giá thuộc về người Pháp. Nước Nga sau nhiều nghi hoặc đã tổ chức cực kì thành công ngày hội lớn nhất hành tinh. Nếu không có chút gợn, tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović ướt nhẹp khi đang trao giải, còn tổng Vladimir Putin được che ô tận tình thì người Nga có thể được chấm 10 điểm tuyệt đối.
Trở về những vấn đề chuyên môn, World Cup lần này có sự đổi thay rất lớn khi FIFA quyết định áp dụng công nghệ VAR vào các trận đấu. VAR phân định thắng thua trận Chung kết đêm qua thế nào không cần thiết phải nói thêm nhưng chúng tôi sẽ cung cấp một góc nhìn rộng hơn về ảnh hưởng của VAR đến cả giải đấu.
Đầu tiên, số thẻ đỏ của giải lần này chỉ là 4. Cả 4 trường hợp này (Michael Lang, Igor Smolnikov, Jerome Boateng, Carlos Sanchez), đều không có ai dính lỗi phản ứng hay đánh nguội để bị truất quyền thi đấu.
Rõ ràng, các cầu thủ đã ý thức được, những hành động dù là nhỏ nhất của họ sẽ được công nghệ giám sát chặt chẽ và không dám làm bậy. Chính HLV tuyển Gareth Southgate cũng cảnh cáo các học trò không được phép ăn vạ cách đây ít lâu vì "ngại VAR".
Đây cũng là kì World Cup có ít thẻ đỏ nhất trong 20 năm trở lại đây. Những kì trước, số cầu thủ bị truất quyền thi đấu lần lượt là 10, 17, 28, 17 và 22.
Tuy nhiên, VAR đã làm tăng đột biến số quả phạt đền tại World Cup 2018. Nếu 4 năm trước trên đất Nam Phi, sau 64 trận đấu, chỉ có 13 tình huống phạm lỗi trong vòng cấm được cho hưởng phạt đền thì lần này con số đó đã vượt gấp đôi, cụ thể là 29.
Người Pháp là đội bóng được hưởng lợi đầu tiên từ công nghệ VAR với tình huống thổi phạt đền trong trận gặp Australia. Họ cũng là bên được công nghệ này hỗ trợ lần cuối với tình huống "soi" quả bóng chạm tay Ivan Perisic đêm qua.
Dĩ nhiên, VAR được áp dụng sẽ tránh việc bỏ sót lỗi nhưng nó cũng khiến chiến thuật của một số đội bóng đang thua cuộc trở nên "phi thể thao" hơn. Họ đơn giản là rót bóng vào vòng cấm hoặc đưa bóng ra biên căng ngang và chờ bóng tìm đến tay hậu vệ. Trong một ngày đẹp trời, Rojo của Argentina không bị thổi phạt, còn trong một đêm kém duyên, Perisic từ một người hùng với bàn gỡ hòa trở thành tội đồ chỉ sau 10 phút.
Mặt khác, những tình huống đá phạt trực tiếp hay phạt góc ở World Cup lần này cũng là một điểm chấm phá. Rõ ràng, bóng đá hiện đại đang nghiên cứu triệt để những cơ hội hòng có bàn. Thế mới có chuyện, người Anh dù chỉ đạt hạng Tư vẫn nổi tiếng khi phát minh ra "Xe lửa tình yêu" (nguyên văn là Love Train, các cầu thủ đứng thành một hàng dọc cùng chạy vào vòng cấm đối thủ khi đá phạt góc).
Tóm lại, với những người yêu bóng đá đẹp, World Cup 2018 có thể được đánh giá thành công với 169 bàn thắng, chỉ kém World Cup 1998 và 2014 2 pha lập công, còn lại ăn đứt năm 2010, 2006 và 2002 (lần lượt 145, 147 và 161 bàn). Chỉ tiếc, nếu có một chế tài sử dụng VAR hợp lí, trận Chung kết sẽ diễn tiến theo một cách kịch tính và "điện ảnh" thay vì người Pháp nổ một lèo 4 bàn thắng để nâng cao cúp vàng.
Những pha ăn vạ như thế này sẽ không còn đất diễn khi áp dụng VAR:
Bình Luận