Bước sang thiên niên kỷ mới, bóng đá Châu Á đã phát triển không ngừng. Các cầu thủ tại Hàn Quốc và Nhật bản giờ đây chuyển sang thi đấu cho các CLB hàng đầu Châu Âu như Park Ji Sung (Manchester United), Shinji Kagawa (Dortmund) hay mới nhất là Son Heung Min của Tottenham Hotspur. Thể chất của cầu thủ Châu Á cũng được thu hẹp đáng kể so với thế giới. Theo thống kê mới nhất từ FIFA, chiều cao trung bình của Hàn Quốc là 1,81m và Nhật Bản là 1,78m, và thể lực của họ từ lâu đã không còn thua kém gì Châu Âu nữa rồi.
Nhưng nhìn một cách bao quát hơn mà nói, bóng đá Châu Á vẫn còn cách một quãng khá xa với bóng đá đỉnh cao của thế giới. Đồng ý họ sở hữu những cầu thủ đẳng cấp có thể đá chính tại các đội bóng hàng đầu Châu Âu, tuy nhiên nó chỉ mang tính hiện tượng, nó không ồ ạt như kiểu cầu thủ Brazil hay Argentina xâm chiếm cả lục địa già cả.
Kể từ khi World Cup chuyển sang thể thức 32 đội vào năm 1998, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia là các đại diện tham dự thường xuyên nhất (sau này có cả Australia khi gia nhập vào AFC vào năm 2006). Thành tích cao nhất chính là lọt vào bán kết World Cup 2002 của Hàn Quốc, nhưng năm đó có ai dám chắc là kết quả đó được tạo ra từ chính thực lực của họ hay không? Đến nay câu trả lời đó vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhưng câu trả lời về thực lực thật sự của Hàn Quốc thì đã có đáp án sau đó 4 năm. Tại World Cup 2006 trên đất Đức, họ bị loại ngay từ vòng bảng. Và tính từ khi World Cup chuyển qua 32 đội, các đại diện từ Châu Á cũng chỉ có 3 lần có ít nhất 1 đại diện vượt qua được vòng bảng, quá khiêm tốn so với các Châu lục còn lại.
Nhật Bản, Australia thì vẫn chưa có thể hệ kế cận xứng đáng. Sau thời của những Harry Kewell, Mark Viduka thì họ vẫn chưa tìm được ai có thể cáng đáng được hàng công, đến nỗi lão tướng Tim Cahill hiện nay đã 38 tuổi vẫn phải chinh chiến tại kỳ World Cup này trên đất Nga. Còn Nhật Bản hiện tại, Shinji Kagawa, Keisuke Honda hay Hasebe tất cả đã ngoài 30, nhưng tuyến trẻ của họ vẫn chưa sản sinh ra các tài năng để thay thế.
Nhưng Nhật Bản thì vẫn dễ thở nhất khi bảng đấu của họ chỉ có Colombia, Ba Lan và Senegal. Chứ Iran thì gần như tuyệt vọng khi chung bảng với họ là hai "ông kẹ" của bán đảo Iberia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, những đội xem như đã nắm chắc tấm vé đi tiếp khi đối thủ còn lại trong bảng đấu chỉ là Marocco.
Saudi Arabia cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, kể từ tháng 9 năm ngoái họ đã thay đến 3 HLV trưởng, tính ổn định vẫn là dấu hỏi khá lớn. Đó là chưa kể đến chuyện cựu HLV Bert van Marwijk còn tố cáo đội bóng này tỏ ra tự mãn sau khi giành được vé dự World Cup 2018, và họ cũng chỉ mới trở lại với giải đấu lớn nhất hành tinh sau khi lỡ hẹn 2 kỳ gần nhất, cộng thêm thành tích bết bát trong quá khứ (chỉ vượt qua vòng bảng được 1 lần năm 1994), nên sẽ chẳng mấy ai đặt kỳ vọng vào việc đội bóng Trung Đông này lọt vào sâu giải đấu cả.
Bình Luận