Ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức, huấn luyện viên Jorge Sampaoli đã ngầm xác nhận chiến thuật của mình là xây dựng đội bóng quanh ngôi sao sáng giá nhất đội, Lionel Messi. Tuy nhiên, dường như cách làm này sẽ vô tình trở thành rào cản ngăn đội bóng đến từ Nam Mỹ đăng quang ở vị trí cao nhất.
Danh tiếng thật sự là một cơn ác mộng với Albicelestes. Hãy nhìn vào một thống kê khá bất ngờ ở World Cup 2018 năm nay. Sau 7 ngày thi đấu, chỉ duy nhất một cầu thủ chạy ít hơn hẳn trong suốt 90 phút thi đấu so với bất kỳ cầu thủ nào chơi ở bất kỳ vị trí nào. Tên của anh ta? Lionel Messi.
Vâng, đó chính là Messi - cầu thủ từng nhận được nhiều lời khen như là "cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại" hay "vĩ đại nhất trong lịch sử".
Argentina sẽ gặp Croatia trong trận đấu sớm rạng sáng mai (1h ngày 22/06). Đây là lượt trận thứ hai của bảng D và với kết quả thất bát ở trận ra quân, một kết quả hoà hoặc thua hoàn toàn có thể khiến Messi và các đồng đội về nước sớm.
Trong trận mở màn, Argentina chạm trán Iceland. Rơi vào bảng đấu được đánh giá là khá dễ thở nhưng các vũ công xứ Tango đã trình bày một lối chơi vô cùng bế tắc. Điểm nhấn lớn nhất ở trận đấu này là những pha cản phá xuất sắc của thủ môn Iceland và pha phạt đền hỏng ăn của Lionel Messi. Tuy nhiên, mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó. Sau trận đấu, qua thống kê, các chuyên gia đã tìm ra được một số vấn đề thật sự của ngôi sao khoác áo số 10.
Messi đã chạy 7,61 km. Ít hơn hẳn so với bất cứ cầu thủ nào khác chơi trọn 90 phút trong trận đấu đầu tiên. Đáng ngạc nhiên hơn khi con số còn chỉ ra rằng quãng đường di chuyển không bóng của ngôi sao này thậm chí còn ít hơn cả Kasper Schmeichel và Hugo Lloris - những cầu thủ đang thi đấu ở vị trí thủ môn.
Chạy nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn: Đó là chiến thuật quen thuộc của bóng đá Anh và đồng thời, cũng chính là công thức khiến họ thành công ở giải đấu 50 năm trước.
Trong trận chiến với Iceland, Messi có 17 pha nước rút - con số chỉ bằng với một nửa của người đồng đội cùng khoác áo Barcelona của anh Philippe Coutinho và chân chuyền đang bị chỉ trích Mesut Özil của tuyển Đức. Tốc độ nhanh nhất của một pha nước rút tại World Cup năm nay hiện đang thuộc về Cristiano Ronaldo với pha bứt tốc đạt đến 34 km/h ở trận gặp Tây Ban Nha - khá thú vị là có vẻ như pha bứt tốc đầy dũng mãnh đó lại đến từ... màn chạy ăn mừng bàn thắng của tiền đạo này. Trong khi đó, con số nhanh nhất mà Messi có thể đạt đến là 25 km/h - chậm hơn cả David Silva, Andrés Iniesta và Sergio Busquets.
Ở một khía cạnh khác, Messi vẫn có cho riêng mình vài thống kê ấn tượng. Rất nhiều cú sút và những pha lừa bóng đã được anh phô diễn trong trận ra quân. Mặc dù chỉ mới chơi 1 trận nhưng hiện tại, số cú sút được tung ra từ chân sút của Barca đã nhiều hơn 4 quả so với người tiếp theo trong danh sách - Denis Cheryshev - cầu thủ đã hoàn thành xong lượt trận thứ hai của mình. Messi còn đứng đầu danh sách rê bóng với 15 lần thực hiện và, mặc dù không chạy quá nhiều, anh ấy vẫn có được số pha tham gia đột nhập vòng cấm nhiều hơn bất cứ ai khác.
Tuy nhiên, việc xây dựng đội bóng xung quanh 1 ngôi sao sẽ khiến mọi thứ mất cân bằng. Khi phong độ của một đội tuyển quốc gia phụ thuộc vào một cầu thủ, đội tuyển đó sẽ dần trở nên mất sáng tạo. Thực tế cho thấy từ vài năm nay, ở Argentina luôn tồn tại hội chứng phụ thuộc Messi nhưng nhiều người vẫn cố gắng làm lơ với điều đó. Sở hữu ngôi sao được đánh giá là hay nhất thế giới trong đội hình, chắc chắn không nhiều huấn luyện viên dám loại bỏ hay làm phật lòng cầu thủ đó. Điều này đã thật sự mang họa đến cho Argentina ở trận đấu đầu tiên. Thời tiết ở Nga rất khác so với ở Tây Ban Nha, nơi mà Messi đã quen thi đấu tại đấy suốt bao nhiêu năm và vì thế, không khó hiểu khi anh không có được cảm giác bóng tốt nhất ở trận đấu với Iceland. Dĩ nhiên, khi Messi có vấn đề, đội tuyển của anh nhanh chóng lâm vào thế bí và cuối cùng phải chấp nhận chia điểm đầy nuối tiếc. Đó là còn chưa kể đến, chỉ cần Messi bị vô hiệu, bất kỳ đội bóng nào cũng có thể hạ gục Argentina một cách dễ dàng.
Rất nhiều đời huấn luyện viên đã đi qua chiếc ghế nóng của Albicelestes nhưng Messi thì vẫn ở đó. Người ta gần như không dám thay đổi anh và điều này đã gây ảnh hưởng đến cả không khí trong phòng thay đồ của đội tuyển. Bản thân huấn luyện viên trưởng của họ - ông Sampaoli - trong buổi họp báo trước trận đấu đã ngầm bộc lộ sự khó chịu của mình với việc bị chi phối quá nhiều bởi cái tên sáng giá nhất trong đội hình: Lionel Messi.
"Vâng, chúng tôi đã nhất trí rằng Leo là không thể đụng đến," huấn luyện viên Sampaoli nói với tạp chí World Soccer và thừa nhận gần như không còn điều gì trong bóng đá ông có thể chỉ bảo thêm cho chàng đội trưởng của mình: "Tầm nhìn của cậu ấy rộng hơn tất cả chúng ta." Chiến lược gia này kết luận như thế.
Ý tưởng về việc Messi được chơi tự do đã biến anh trở thành "mặt trời chói lọi" ở giải đấu trên đất Nga và tất cả cầu thủ khác đều cần phải phục vụ anh. Điều này liệu có thật sự tốt cho một đội tuyển bóng đá? E rằng câu trả lời mà ai cũng biết, đó là không.
Không một đội bóng nào chơi thứ bóng đá như vậy. Những so sánh đã được đưa ra, giữa Messi và đối thủ truyền kỳ của anh - Cristiano Ronaldo. Bồ Đào Nha cũng phải chịu cảnh tương tự Argentina khi bị đánh giá là đội bóng 1 người nhưng cho đến hiện tại, họ vẫn đang thành công. Cách chơi bóng của Ronaldo rất đơn giản. Vị trí quen thuộc của anh là tiền vệ tấn công và nhiệm vụ duy nhất của anh là tìm cách đưa bóng vào lưới đối phương. Trong khi đó, ở Argentina, Messi gần như lãnh nhận hầu hết mọi vai trò trên sân. Anh tham gia lấy bóng, kiến tạo hoặc dẫn bóng vào vòng cấm đối phương và gần như chạy lung tung khắp nơi trên sân bóng.
Messi không tin tưởng đồng đội hay thật sự rằng anh không có được những "vệ tinh" đủ tốt cho mình? Thực tế từng cho thấy sự khác biệt để làm nên một ngôi sao ở đội tuyển quốc gia so với những cầu thủ khác là việc cầu thủ đó phải thi đấu với những đồng đội có trình độ kém xa mình quá nhiều. Lịch sử bóng đá đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như vậy và Messi cũng không ngoại lệ. Cần phải nói thêm rằng trong lịch sử, rất hiếm để tìm được một cầu thủ nào xuất sắc đến độ có thể biến một đội bóng tầm trung thành một nhà vô địch World Cup. Diego Maradona của năm 1986 là một ngoại lệ hiếm hoi trong số đó.
Hơn hết, một điều mà có lẽ nhiều người đã quên: Bóng đá là một môn thể thao đồng đội. Messi, trên lý thuyết vẫn có thể đột ngột bừng sáng trở lại để đưa đội tuyển Nam Mỹ lên ngôi vị cao nhất. Thế nhưng, nếu anh không thể làm điều đó và đội tuyển của anh vẫn không thay đổi, viễn cảnh Argentina sớm chia tay World Cup là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bình Luận