Mới đây, FIFA đã gửi thông báo yêu cầu Maradona kiểm soát hành động và các cử chỉ tại các vòng đấu sắp tới của Argentina. Huyền thoại xứ tango từng khiến truyền thông cũng như cổ động viên sửng sốt khi dơ ngón tay thối hướng về đội tuyển Nigeria.
Tuy nhiên, với một người cá tính như "Cậu bé vàng", đề nghị của Liên đoàn bóng đá thế giới chẳng khác nào nước đổ lá khoai. Cũng giống việc bắt Danny Dyer phải tỏ ra thân thiện với David Cameron sau khi gọi ông này là “thằng ngu” đến hai lần trên kênh truyền hình quốc gia sau sự kiện Brexit vậy.
Đó là nhiệm vụ bất khả thi với những con người có cái tôi quá lớn. Song, việc Dyer dành đôi lời tốt đẹp cho Cameron còn thực tế hơn việc để Lionel Messi phác họa chương sử mới trong chặng đường vinh quang của bóng đá Argentina.
Maradona đã có nhiều biểu hiện lạ lùng khi chứng kiến thế hệ đàn em thi đấu trước Nigeria. Sau màn ăn mừng phấn khởi với bàn thắng đẳng cấp của Messi vào lưới đối thủ, ông tỏ ra mệt mỏi, thở dài, chao đảo và ngủ gật. Hành động của huyền thoại xứ tango phản ánh hiện thực xảy ra trên sân, đội nhà phô diễn lối chơi quá tệ và nghèo nàn.
Đáp lại kỳ vọng người hâm mộ, Albicelestes đã mang tới nước Nga một bộ mặt xoàng xỉnh, yếu kém. Trong khoảnh khắc chứng kiến thầy trò Sampaoli thi đấu, người ta lại bùi ngùi nhớ về chức vô địch của đội nhà năm 1986. Argentina khác quá xa so với vinh quang năm ấy. Chưa kể, chỉ 4 năm từ sau trận thua 0-1 trước Đức ở chung kết 2014, đội bóng ngày càng thụt lùi hơn so với chính họ.
Đêm 30/6, Argentina bước với cuộc chiến với Pháp trong tâm thế của kẻ dưới. Chưa nói để thành tích vòng bảng, tất cả cầu thủ, trình độ, lối đá, chiến thuật, không có gì đoàn quân Sampaoli hơn được đối phương. Sẽ không bất ngờ nếu bị Albicelestes bị đại diện châu Âu áp đảo và sớm cuốn gói ra về.
Vì lý do nào đó, đương kim vô địch Đức đã bị loại theo cách nhục nhã nhất. Thầy trò Joachim Low không chỉ thi đấu bạc nhược, yếu kém mà còn cho người hâm mộ chứng kiến một thái độ hèn nhát, sợ sệt. Sau nhà vua thì đương kim á quân cũng chả có gì tốt hơn. Argentina đã tránh được sự ô nhục tương tự trong gang tấc khi Marcos Rojo vô lê tung lưới Nigeria lúc trận đấu chỉ còn khoảng 5 phút.
Với nhiều cổ động viên xứ tango, đó là hy vọng, là tia sáng cho một cuộc lội ngược dòng lịch sử. Nhưng không, đội bóng chỉ đang thoi thóp trước khi tuyển Pháp đưa ra lời phán quyết cuối cùng. Rồi họ cũng sẽ như Đức, ra về trong muôn vàn xấu hổ.
Đội tuyển Pháp có đủ nhân lực và tài năng để kết thúc cơ mộng mị hão huyền của Argentina. Marcel Desailly, người từng cùng Pháp vô địch World Cup 1998, cảm thấy Albicelestes hiện tại giống như một phiên bản lỗi của thế hệ vàng những năm 1978 và 1986.
“Tôi có thể nhớ lại thành công của Argentina tại World Cup 1978, đó là một trong những kỷ niệm đầu tiên của tôi với bóng đá. Nó không giống với đội bóng bây giờ. Lúc đó, họ có một số cầu thủ vĩ đại như Mario Kempes, Osvaldo Ardiles và sau đó tất nhiên là Jorge Burruchaga, Jorge Valdano và Maradona năm 1986".
"Ngày nay, tôi có thể khẳng định rằng họ không phải một đột bóng mạnh. Nếu bạn đã xem 3 trận đấu vừa qua của họ thì bạn cũng hiểu rằng không thể trông chờ họ lọt vào top 5 hay top 6”, Desailly chia sẻ với tờ Guardian.
Ngoài việc là nơi tụ họp của một dàn sao đình đám thì Argentina có cái gì? Họ có thiên tài Messi, người được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và một "bầy lừa". Leo đã cố gắng từng giây từng phút để chèo kéo đội nhà, anh quần quật làm việc từ công cho đến thủ, di chuyển như một cái máy. Còn đồng đội, họ chơi bóng như những cầu thủ hạng 2, thiếu ý tưởng, thiếu sự sáng tạo, liên tiếp mắc sai lầm và dở tệ.
Đôi khi, nhìn vào tiền đạo đang khoác áo Barca, nhìn vào những cử chỉ, nhiều người tự hỏi anh đang là vấn đề hay giải pháp của đội tuyển. Vào đêm trước trận đấu với Pháp, nhiều người thắc mắc ai đang lên kế hoạch cho Argentina? Là HLV Jorge Sampaoli? Hay là Messi?
Sampaoli buộc phải phủ nhận những cáo buộc ông đang dưới quyền của Messi. Khi chiến lược gia này tung Sergio Aguero vào sân, ông đã dành vài phút để hỏi sự tư vấn của tiền đạo số 10. Tuy nhiên, chiến lược gia xứ tango đã lảng tránh.
“Tôi nhớ khoảnh khắc đó nhưng những gì tôi nói với Messi là chuyện riêng và tôi sẽ không tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện”, Sampaoli phát biểu.
Cổ động viên sẽ tin lời ông nói sau khi chứng kiến đội nhà đổi khác hoàn toàn ở lượt trận cuối cùng. Argentina ra sân với những cầu thủ nổi trội hơn, thi đấu bài bản, ăn nhập hơn? Người ta vẫn muốn thấy La Pulga tỏa sáng trên sân hơn là nhúng tay quá nhiều vào công việc của HLV.
Trong thời gian nghỉ giữa hiệp ở trận đấu với Nigeria, hình ảnh Messi nói chuyện và chỉ đạo các đồng đội đã được nhiều người ca ngợi. Nhưng nó cũng là một vấn đề khi HLV không còn là HLV. Một đội bóng cần một đội trưởng trên sân và một thuyền trưởng trên băng ghế chỉ đạo.
Siêu sao Barca có thể đóng góp ý kiến nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc lạm quyền. Nhiệm vụ của anh là truyền lửa, vực dậy tinh thần đồng đội trên sân và ghi bàn. Nếu các cầu thủ đã dám không tin tưởng thầy, thì cũng chẳng có lý do gì họ đặt hết hy vọng lên người Messi.
Tất cả đều là con dao 2 lưỡi. Rõ ràng, Leo không thể kiểm soát hết mọi việc. Khi quá tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo, anh sẽ lơ là trách nhiệm trên sân. Nên nhớ rằng, chân sút 31 tuổi không chỉ phải ghi bàn, anh còn phải gánh vác lỗ hổng nơi hàng phòng ngự.
Muốn như vậy, Messi cần tập trung làm một cầu thủ, để có thể thoải mái, giảm áp lực và làm những gì tốt nhất của mình. Nếu không, trận đấu tới có thể sẽ là chặng cuối của họ trong hành trình tại World Cup và cũng là dấu chấm hết cho giấc mơ vàng của Leo.
Bình Luận