Như đã thành thông lệ, mỗi kỳ World Cup hay Euro diễn ra thì cũng là thời điểm "ngày hội tuyển dụng" của các đội bóng được bắt đầu.
Những cầu thủ vô danh, chỉ với một vài pha đi bóng, dứt điểm để đời ở các kỳ World Cup và Euro lại có thể xoay chuyển thế giới. Họ được tung hô như những ngôi sao tầm cỡ và ngay lập tức được nhận được sự mời chào từ những "nhà tuyển dụng" sau khi giải đấu khép lại.
Đơn cử như trường hợp tiền vệ John Jensen của tuyển Đan Mạch. Trong trận chung kết Euro 1992 với Đức, cầu thủ này tung ra một cú sút xa để đời làm cháy lưới Die Mannschaft, mang về chức vô địch đầu tiên cho "Những chú lính chì" Đan Mạch tại đấu trường châu Âu.
Ngay lập tức, HLV của Arsenal khi ấy là George Graham đã ca ngợi Jensen như một "cỗ máy ghi bàn" nơi hàng tiền vệ và tỏ ra đặc biệt thích thú với tuyển thủ Đan Mạch. Như một lẽ dĩ nhiên, tháng 7 năm 1992, Jensen ký hợp đồng và trở thành một "Pháo thủ".
Dẫu vậy, ở Bắc London, "cỗ máy ghi bàn" ấy bỗng trở nên kém hiệu quả đến lạ kì. Jensen chỉ ghi được 1 bàn và trong 4 năm thi đấu cho Arsenal. Nỗi thất vọng lớn đến mức mỗi khi anh ta có bóng trong vòng cấm, cả sân vận động đồng loạt hô vang một cách mỉa mai: "Sút đi nào!"
Chỉ là một góc nhìn nhỏ
Những giải đấu như vậy là tập hợp của những trận đấu và những khoảnh khắc nhất định. Nó có thể phản ánh năng lực cầu thủ, nhưng chỉ là một góc rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về họ.
Những góc nhìn nhỏ, nhưng lại được đặt trong một giải đấu lớn. Chính bởi tính chất quan trọng của giải đấu mà các HLV, CLB dường như đang đặt quá nhiều kỳ vọng trong việc "đãi các tìm vàng" ở World Cup hay Euro.
Và không chỉ Graham, ngay cả Sir Alex Ferguson cũng đã từng bị "mắc bẫy" khi đi "săn cầu thủ" ở một mảnh đất chứa đựng đầy những sự rủi ro.
"Tôi luôn cảnh giác khi mua cầu thủ dựa theo phong độ của họ ở những giải đấu lớn. Vậy nhưng tôi vẫn mắc phải sai lầm. Tại Euro 1996, tôi đặc biệt ấn tượng với bộ đôi Jordi Cruyff và Karel Poborsky và ngay lập tức đưa họ về với Man United. Cả 2 đều có hàng loạt những pha bóng xuất sắc ở giải đấu năm đó", Sir Alex kể.
"Vậy nhưng ở CLB, họ lại không thể hiện được giá trị như khi thi đấu cho ĐTQG. Đôi khi, việc được đại diện cho cả một quốc gia khiến các cầu thủ trở nên hưng phấn và thi đấu tuyệt hay. Nhưng khi giải đấu kết thúc, họ lại không thể duy trì được thứ bóng đá mà mình đã từng thể hiện", HLV người Scotland chia sẻ trong cuốn tự truyện về sai lầm của mình.
Thực tế, thời điểm tệ nhất để mang về một tân binh chính là sau khi anh ta tỏa sáng tại vòng chung kết World Cup và Euro.
Việc các "nhà tuyển dụng" nhảy vào tranh giành nhau sẽ khiến cho giá trị cầu thủ bị độn lên một cách vô lý. Còn với những "ứng viên", sau một giải đấu thành công, họ bắt đầu trở nên mệt mỏi và nảy sinh tâm lý tự mãn, tự cho phép mình được nghỉ ngơi.
Tại sao các đội bóng lại phải tranh giành nhau, chi ra số tiền khổng lồ để mang về những thân xác mệt mỏi và những đôi chân lười biếng như vậy?
Nếu dựa vào một kỳ World Cup để đánh giá cầu thủ, ta có thể kết luận Juan Cuadrado xuất sắc hơn rất nhiều so với Lionel Messi. Hay Nacer Chadli, một cầu thủ ngang tầm với những siêu sao hàng đầu thế giới, tại sao lại phải thi đấu cho một đội bóng xuống hạng như West Brom?
World Cup có thể phản ánh phong độ của cầu thủ nhưng không thể phản ánh thực lực của họ. Cách họ thể hiện hàng tuần ra sao mới là thước đo chính xác nhất cho năng lực thật sự của một cầu thủ, điều mà một giải đấu ngắn hạn không thể cho thấy được.
Tại World Cup 2010, Asamoah Gyan tỏa sáng trong màu áo ĐT Ghana. Sunderland lập tức phá két và bỏ ra số tiền kỷ lục của đội bóng (14 triệu bảng) để mang về tiền đạo này. Một năm sau, họ chấp nhận lỗ vốn và đẩy anh ta sang Al-Ain với số tiền chỉ bằng một nửa.
Tiền bạc không thể sánh được với tiếng gọi nơi tổ quốc
Một trường hợp khác có thể kể đến đó là James Rodriguez. Nếu so sánh với những Gyan, Chadli hay Cuadrado thì năng lực của tiền vệ điển trai này là vượt trội và đã được khẳng định trong màu áo Monaco.
Tuy vậy, tại Real Madrid, anh lại không thể hiện được đúng với giá trị của mình như tại World Cup 2014. Giống như huyền thoại Hagi của Romania, James Rodriguez thuộc tuýp cầu thủ thích ăn cơm tuyển hơn tại CLB.
Ở World Cup 2018 có một trường hợp tương tự, đó là Axel Witsel của ĐT Bỉ. Anh ta chưa từng chơi cho một đội bóng lớn và cũng không mấy hứng thú với môi trường bóng đá đỉnh cao khi chuyển sang Trung Quốc thi đấu từ năm 27 tuổi.
Thế nhưng, sự tương phản lại đang diễn ra ở ĐT Bỉ. Bất chấp dàn sao số đang chơi tại những giải VĐQG hàng đầu châu Âu, mỗi khi ĐTQG triệu tập, Witsel luôn là "cái tên đầu tiên được nhắc tới" theo lời cựu HLV Marc Wilmots.
Bốn năm trước trên đất Brazil, Guillermo Ochoa với màn trình diễn đặc biệt xuất sắc buộc cả thế giới phải nhắc tới tên mình. Thế nhưng nếu quay ngược lại 1 tháng trước khi giải đấu khởi tranh, Ochoa chỉ là một thủ thành tầm thường mà không đội bóng nào thèm để ý.
Anh xuống hạng cùng Ajaccio ở mùa giải 2013/2014 và thể hiện phong độ tồi tệ trong giai đoạn chuẩn bị cho World Cup. Thậm chí, trong một cuộc điều tra nhanh tại Mexico, hầu hết người dân nước này đều mong người bắt chính sẽ là Jesus Corona chứ không phải Ochoa.
Sau 4 trận đấu, Ochoa nhận được một lời đề nghị béo bở không thể từ chối từ phía Malaga, nơi anh dành phần lớn thời gian làm bạn với băng ghế dự bị trước khi chuyển tới Granada. Tại đây, Ochoa lập kỷ lục khi trở thành thủ môn để thủng lưới nhiều nhất lịch sử giải đấu (82 bàn) và lại một lần nữa xuống hạng, lần này là ở La Liga.
4 năm sau, Ochoa đang thi đấu tại Bỉ cho Standard Liege và vẫn là sự lựa chọn số 1 trong khung thành ĐT Mexico. Thế nhưng, thực lực của anh ta đến đâu, chúng ta đều đã có thể nắm rõ phần nào.
Tất nhiên, không phải bản hợp đồng nào sau World Cup cũng mang đến rủi ro cho CLB mà Keylor Navas chính là ví dụ điển hình. Tại World Cup 2014, thủ thành người Costa Rica là người có tỉ lệ cản phá trên số cú sút cao nhất giải đấu và góp công không nhỏ vào chiến tích lọt tới vòng Tứ kết của đội bóng này.
Thế nhưng, sẽ là bất công với Navas nếu cho rằng anh được chuyển tới Real vì phong độ xuất sắc trong màu áo ĐTQG.
Màn trình diễn tuyệt vời trong màu áo đội bóng tí hon Levante với những thông số nằm trong top 3 thủ môn hàng đầu châu Âu đủ để khiến cho bất kỳ đội bóng nào cũng đều muốn có sự phục vụ của anh trong đội hình. World Cup 2014 đơn giản chỉ là nơi buộc người ta phải thừa nhận tài năng của thủ thành này.
Sau 4 năm, World Cup vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc mua bán của các đội bóng. Tất nhiên, những cái tên đã tỏa sáng tại nước Nga như Benjamin Pavard của Pháp, Aleksandr Golovin của Nga hay Hirving Lozano của Mexico vẫn sẽ được để mắt bởi các nhà tuyển trạch từ khắp nơi trên thế giới.
Vậy nhưng, đối với các cầu thủ khác, họ vẫn cần được đối xử công bằng. Bởi suy cho cùng, nếu thực sự có năng lực, họ cũng không cần đến World Cup thì mới có thể giới thiệu bản thân mình với làng bóng đá thế giới.
Bình Luận