Chiến thắng của Wolves trước Man United ở tứ kết FA Cup hồi cuối tuần thực ra không phải là một bất ngờ, nếu chúng ta nhìn vào kết quả mà đoàn quân dưới quyền HLV Nuno Espirito Santo có được sau các cuộc đối đầu với Top 6 mùa này. Câu hỏi là họ đã làm như thế nào để trở thành một “chuyên gia chống Big Six” như thế?
Thắng Big Six nhiều hơn thua
Từ đầu mùa giải, Wolves đã đối đầu với các đối bóng thuộc Big Six (Man City, Liverpool, Arsenal, Man United, Chelsea, Tottenham) tổng cộng 11 lần trên tất cả các đấu trường. Kết quả là họ thắng nhiều hơn thua (thắng 4, thua 3, hòa 4). Chelsea và Man United đều chưa thắng được Wolves sau 2 lượt đối đầu (cùng hòa 1-1 và thua 1-2). Liverpool thắng ở Premier League, nhưng lại thua ở FA Cup. Tottenham thắng trên sân của Wolves, nhưng lại thua trên sân nhà. Chỉ có Arsenal (1 trận) và Man City (2 trận) là chưa thua Wolves. Nhưng cơ hội cho Bầy sói vẫn còn.
Sơ đồ 5-3-2 chặt chẽ khi phòng ngự của Wolves (áo sáng). Có rất ít khoảng trống ở trung lộ và giữa các tuyến cho Man United
Wolves rõ ràng không hề e sợ các đội bóng được đánh giá là “đại gia”. Thậm chí, HLV Nuno Espirito và một số cầu thủ của đội chủ sân Molineux còn thừa nhận là đá với các đội Top 6... dễ hơn. “Dễ” ở đây phải hiểu theo nghĩa là khi đối đầu với các đội Top 6, Wolves được chơi theo cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất, là phòng ngự phản công. Còn khi đối đầu với các đội còn lại, thì họ lại bị đặt vào chính tình thế của các đội “Top 6”, tức là phải chơi tấn công kiểm soát, vốn không phải là sở trường của họ.
Triết lý của Nuno
Có nhiều điểm tương đồng trong triết lý của Nuno với người đồng hương của ông là Jose Mourinho. Điều này cũng không có gì lạ khi Nuno từng có hai năm chơi cho Porto của Mourinho trong vai trò thủ môn và chính ông cũng thừa nhận đã học hỏi được rất nhiều từ Người đặc biệt. Cũng như Mourinho, ưu tiên hàng đầu của Nuno là không để thủng lưới và để làm được điều đó, ông cố gắng đặt càng nhiều vật cản trước khung thành càng tốt. Điều đó khiến đối phương không thể có được những pha dứt điểm chất lượng. Giá trị bàn thắng kỳ vọng của Man United ở trận đấu vừa rồi, ví dụ chỉ là 0,49, dù họ tung ra tới 11 cú sút.
Ba cầu thủ Wolves ập vào gây sức ép với Pogba ngay khi anh vừa nhận bóng. Nếu cố giữ, Pogba sẽ bị mất bóng
Một điểm khác mà Nuno học được từ Mourinho là kỹ năng phát huy tối đa năng lực của từng cầu thủ. Hiện tại, họ là đội có thành tích phòng ngự tốt thứ năm ở Premier League. Nhưng họ không đạt được thành tích đó bằng những hậu vệ giá hàng chục triệu bảng. Bộ ba trung vệ của Wolves - Saiss, Coady, Boly - đều là những người đi lên từ Championship. Hai wingback - Doherty (phải) và Jonny (trái) - cũng chỉ là những cái tên khiêm tốn. Nhưng trong một hệ thống tốt và được huấn luyện kỹ càng, họ đều đã chơi như những siêu sao.
Ba trung vệ và mid-block
Có hai đặc điểm chiến thuật xuyên suốt của Wolves trong các cuộc đối đầu với các đội Big Six từ đầu mùa. Thứ nhất là sơ đồ ba trung vệ và thứ hai là hệ thống mid-block, tức bắt đầu phòng ngự từ một phần ba sân ở giữa. Đầu mùa, họ thường chơi với sơ đồ 5-4-1, nhưng thời gian gần đây đã chuyển hẳn sang sơ đồ 5-3-2. Với sơ đồ 5-3-2, định hướng phòng ngự của Wolves là rất rõ ràng: họ ngăn đối phương triển khai bóng qua trung lộ và tăng cường sức ép khi bóng được triển khai ra biên.
... Shaw vẫn cố chuyền cho Martial. Ít nhất 4 cầu thủ Wolves có thể
gây sức ép lập tức với Martial
Hình 1 là một pha bóng điển hình trong các trận đấu với Wolves với một đội Big Six. Đối phương có bóng, muốn triển khai từ các trung vệ lên cho các tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, với 2 tiền đạo và 3 tiền vệ trung tâm của Wolves án ngữ ở trung lộ, cơ hội để họ làm điều đó là không có. Họ buộc phải chuyền sang cho hậu vệ biên tìm cơ hội khác. Khi bóng được đưa ra biên, tiền vệ trung tâm gần nhất của Wolves sẽ bắt đầu gây sức ép mạnh (hình 1). Nếu hậu vệ biên vẫn cố gắng chuyền lên, cầu thủ nhận bóng, thường là cho tiền vệ biên, sẽ bị ít nhất ba cầu thủ gây sức ép: tiền vệ lệch của Wolves đang lùi lại, tiền vệ trung tâm và wing-back ở cánh đó của Wolves (hình 2). Nếu bóng xuống sâu hơn, sẽ có thêm sự tham gia của các trung vệ.
Trong trường hợp Man United vẫn cố gắng chuyền bóng cho các tiền vệ trung tâm, tình thế cũng không mấy khả quan hơn. Với việc Wolves luôn duy trì một đội hình chặt, khoảng cách giữa các tuyến và các vị trí không quá xa nhau, họ dễ dàng tổ chức vây ráp người có bóng với số lượng lớn (đúng với tinh thần của tiêu ngữ “Sói săn theo đàn” của CLB). Ví dụ nếu người nhận bóng là Pogba, ở vị trí quen thuộc của anh là hành lang trong bên trái, sẽ có lập tức ba cầu thủ Wolves có thể áp sát ngay, gồm hai tiền vệ trung tâm và tiền đạo đang lùi về để pressing ngược (hình 3).
Nếu Pogba cố giữ, có nguy cơ đối phương sẽ cướp được bóng và phản công. Nếu không, anh lại phải trả về cho các hậu vệ. Và một vòng lặp mới - với những đường chuyền theo hình chữ U bên ngoài hệ thống phòng ngự của Wolves - lại bắt đầu.
Phản công với wing-back
Khi bóng được chuyền cho hậu vệ biên của Man United (Shaw), trung vệ lệch của Wolves (Dendocker) sẽ gây sức ép...
Nhưng Wolves không đánh bại Man United và không leo lên tới vị trí thứ bảy ở Premier League, chỉ bằng cách không để thủng lưới. Những pha tấn/phản công của họ là rất sắc bén với khả năng chuyền bóng xuất sắc của hai tiền vệ ngôi sao là Ruben Neves và Joao Moutinho và khả năng hoạt động độc lập cũng như sự ăn ý của cặp tiền đạo Raul Jimenez và Diogo Jota. Cả ba bàn thắng gần nhất của Wolves ở Premier League đều là kết quả của những pha phối hợp giữa Raul và Jota. Bàn mở tỉ số của họ ở trận gặp Man United do công của Raul, bàn còn lại do công của Jota.
Trong cách chơi khi có bóng ở Wolves, vai trò của hai cầu thủ chạy cánh (wingback) là cực kỳ quan trọng. Khi Wolves có bóng, hai wingback sẽ dâng lên cao để kéo giãn hệ thống phòng ngự của đối thủ. Lúc này, hai tiền vệ trung tâm lệch cánh sẽ dâng lên chơi như các số 8, trong khi các tiền đạo tiếp tục ở trung lộ để “ghim” hàng thủ của đối phương lại (hình 4). Với cách bố trí này, Wolves tạo được một hệ thống đủ ổn định để kiểm soát bóng trong một thời gian nhất định để đẩy lùi đối phương, từ đó giảm sức ép cho hàng thủ và tạo ra các cơ hội ghi bàn.
Cách bố trí quen thuộc của Wolves khi có bóng. Hai wingback đẩy cao, hai tiền vệ trung tâm lệch cánh chơi như các số 8
Tất nhiên, với những con người Wolves hiện có, cách chơi này ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi đội hình đẩy cao thì sự chặt chẽ cũng không còn và khoảng trống sau lưng hàng thủ sẽ xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ dính đòn từ phản công cũng lớn hơn. Và đó cũng chính là lý do Wolves “thích” các đội Big Six hơn!
Bình Luận