Mohamed Salah: Kim tự tháp của làng bóng đá

Mohamed Salah chính là người Ai Cập thứ hai duy nhất trong lịch sử được bầu chọn Cầu thủ Phi châu của năm, sau Mahmoud El Khatib vào năm 1983.
 - Bóng Đá

 

Có đến 5 lần trong trận đấu ngày hôm ấy chàng trai trẻ này rê dắt bóng từ phần sân nhà vượt qua hàng thủ đối phương để đối mặt với thủ thành của ENPPI. Cả 5 lần đó, dù nỗ lực dứt điểm đến mấy, anh cũng không thể ghi được bàn. Chàng trai đó, là Mohamed Salah.

Sau trận đấu, huấn luyện viên Said El-Shishini làm hai việc. Đầu tiên, ông trao cho cậu học trò 15 tuổi của mình 25 đồng bảng Ai Cập để khiến cậu đỡ buồn rầu. Thứ hai, ông quyết định không bao giờ xếp Salah đá hậu vệ trái thêm một lần nào nữa. Ông tin rằng chỉ cần xếp hậu vệ đầy triển vọng của mình đá nhô cao lên phía trên, anh sẽ không còn hao tốn sức lực mỗi khi tiến đến vòng cấm đối thủ, và vì thế, sự chính xác trong các pha dứt điểm sẽ được cải thiện. Từ thời điểm đó, Salah bắt đầu chơi bên cánh phải.

“Tôi nói với Salah rằng cậu ấy sẽ trở thành Vua phá lưới ở cả hai giải đấu là U16 Cairo League và U17 Nationwide League,” huấn luyện viên El-Shishini, người dẫn dắt cả hai đội bóng chơi ở hai giải này, về sau hồi tưởng lại. “Đến cuối mùa giải đó, Salah ghi được 35 bàn tổng cộng, và cỗ máy ấy không bao giờ dừng lại.”

Sinh ra ở Nagrig, một ngôi làng chuyên làm nông với những cánh đồng màu xanh trải dài 100 dặm nằm ở phía bắc thủ đô Cairo, Salah hiếm khi nào rời xa quả bóng. “Tôi từng chơi bóng trên những con đường của ngôi làng với anh trai và những người bạn cho đến năm 14 tuổi,” Salah kể lại với tạp chí Four Four Two. “Ký ức bóng đá đầu tiên mà tôi nhớ rõ nhất là khi xem những trận cầu ở Champions League. Tôi cực kỳ say mê Zidane, Totti và Ronaldo. Cứ mỗi khi tiếng nhạc hiệu Champions League vang lên, một cảm giác nổi da gà lại chạy khắp cơ thể.”

Năm 2006, El Mokawloon, một trong những CLB nổi tiếng nhất của Cairo với bề dày lịch sử chuyên sản sinh ra những tài năng trẻ (và cũng được biết đến dưới cái tên Arab Contractors), nghe ngóng được thông tin về một cầu thủ nhí với đôi chân nhanh như điện ở vùng chuyên sản xuất nông nghiệp Basyoun.

“Ký ức bóng đá đầu tiên mà tôi nhớ rõ nhất là khi xem những trận cầu ở Champions League. Tôi cực kỳ say mê Zidane, Totti và Ronaldo.”

“Đó là lúc sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp thực sự bắt đầu với tôi,” Salah chia sẻ. Cho đến thời điểm đó, Salah vẫn còn đang chơi bóng cho các đội nghiệp dư gần Nagrig và Tanta, một thị trấn lớn hơn cách 90 phút di chuyển so với nơi anh sinh ra.

Được giải phóng khỏi trách nhiệm của một hậu vệ cánh trái, Salah bứt phá để trở thành một trong những tài năng sáng giá nhất của El Mokawloon và bóng đá Ai Cập. Anh có màn ra mắt cho đội bóng này vào tháng 5 năm 2010 khi vào sân từ băng ghế dự bị trong trận hòa 1-1 trước El Mansoura.

Salah ra mắt trong màu áo El Mokawloon:

“Lúc đó tôi mới 16 tuổi. Cảm giác khi ấy sướng đến khó tả,” Salah nhớ lại, với đôi mắt rạng ngời đầy vẻ tự hào. “Tôi được chơi bóng bên cạnh những cầu thủ giỏi có rất nhiều kinh nghiệm, và tôi cảm thấy mình được bao bọc bởi họ.”

Trong vòng 2 năm, Salah đã có màn ra mắt trọn vẹn dưới màu áo Ai Cập. Nhưng cuộc đời của anh sang trang trong một trận đấu giao hữu vào tháng 3 năm 2012 giữa đội U23 của Ai Cập với Basel.

Bước đệm Basel

Salah lần đầu lọt vào radar của câu lạc bộ Basel năm 2011, sau khi anh thi đấu cho Ai Cập ở giải U20 Thế giới diễn ra trên đất Colombia. Trưởng bộ phận tuyển trạch Ruedi Zbinden và Giám đốc Thể thao Georg Heitz của Basel lập tức dành sự chú ý cho cầu thủ 18 tuổi khi ấy, nhưng họ quyết định chưa vội gửi lời đề nghị đến câu lạc bộ El Mokawloon. Basel không có thói quen tức tốc chiêu mộ cầu thủ chỉ sau một giải đấu, họ thích kiểm tra và tiến hành những phân tích chuyên sâu về mục tiêu.

Bất ngờ trước việc không có một ông lớn nào ở châu Âu săn đuổi Salah, Zbinden và Heitz tiếp tục đánh giá cầu thủ người Ai Cập kỹ càng hơn. Để rồi, mùa xuân năm 2012, Basel chộp lấy con mồi.

Thời điểm đó, giải vô địch quốc gia Ai Cập bị tạm dừng sau những sự kiện bi kịch xảy ra ở sân vận động Port Said khiến 74 cổ động viên thiệt mạng, phần nhiều là các cổ động viên của Al Ahly khi họ bị các cổ động viên của Al Masry tấn công. Xuất phát từ mối quan tâm dành cho Salah và để bày tỏ thiện chí, câu lạc bộ Thụy Sĩ gửi lời mời đội tuyển Olympic Ai Cập, trong đó có Salah, đến Basel thi đấu giao hữu trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội mùa Hè.

Trong trận đấu giao hữu trước 500 khán giả ở sân vận động Stadion Rankhof, Salah không đá chính, nhưng anh nhanh chóng để lại dấu ấn khi được tung vào sân sau giờ nghỉ. Salah lập cú đúp bàn thắng để mang về chiến thắng 4-3 cho đội bóng của mình trước đại diện Thụy Sĩ gồm Xherdan Shaqiri, Fabian Frei và Valentin Stocker. Salah ở lại và tập luyện cùng Basel trong một tuần.

"Với Basel, tôi có thể tin chắc rằng mình sẽ luôn được thi đấu ở giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ và cúp Quốc gia, cũng như háo hức trước viễn cảnh đạt được ước mơ thi đấu ở Champions League”

Sau một quãng thời gian đàm phán phức tạp và dai dẳng, El Mokwaloon gật đầu với lời đề nghị 2,5 triệu euro từ Basel. Sau khi ký hợp đồng với Basel, Salah cùng tuyển Olympic Ai Cập vào đến tứ kết Thế vận hội London, anh ghi bàn vào lưới những Brazil, New Zealand và Belarus.

Mặc dù mức phí chuyển nhượng cao hơn so với dự tính ban đầu của Basel, con số ấy vẫn chỉ là một miếng nhỏ trong chiếc bánh 11 triệu bảng Anh mà câu lạc bộ Chelsea trả cho đội bóng Thụy Sĩ vào đầu năm 2014 để có được chữ ký của Salah. Miếng bánh ấy tiếp tục nhỏ đi nếu so với khoản tiền 37 triệu bảng Anh mà Liverpool bỏ ra để mang Salah về từ Roma mùa hè năm ngoái.

Thời điểm Basel để mắt đến Salah, những Newcastle Utd, Cologne và Espanyol cũng nhảy vào cuộc đua, nhưng cầu thủ người Ai Cập đã nghĩ đến sự lựa chọn của anh. “Với Basel, tôi có thể tin chắc rằng mình sẽ luôn được thi đấu ở giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ và cúp Quốc gia, cũng như háo hức trước viễn cảnh đạt được ước mơ thi đấu ở Champions League,” Salah chia sẻ.

“Tôi đã có cơ hội tốt khi được chơi bóng thường xuyên ở đội một của Basel và cảm thấy hết sức hài lòng vì quyết định gia nhập đội bóng này. Trong suốt giai đoạn thử việc ở đây, các cầu thủ và huấn luyện viên của Basel đã làm mọi cách có thể để khiến tôi được thoải mái và được chào đón. Họ đối xử với tôi vô cùng nồng hậu. Khó mà có thể tìm được câu lạc bộ nào tốt hơn vào thời điểm đó dành cho tôi.”

Dẫu vậy, quãng thời gian đầu của Salah trên đất Thụy Sĩ không phải trôi qua êm đềm và suôn sẻ. Cô độc ở Basel, cũng như không thể nói được tiếng Anh hoặc tiếng Thụy Sĩ, chàng cầu thủ nhỏ nhắn sau giờ tập luyện lấp đầy thời gian trong ngày bằng việc đi dạo trên những con đường của thành phố trước khi trở về khách sạn.

 - Bóng Đá

 Basel là bước đêm quan trọng trong sự nghiệp của Salah.

Cũng những tháng đầu sự nghiệp ở Basel, cầu thủ người Ai Cập bị giới truyền thông đặt cho biệt danh “Chancentod”, hay “kẻ triệt tiêu cơ hội”. Có lần Salah từng nói trên tờ nhật báo của Basel là TagesWoche: “Đôi khi tôi sút trúng đích, đôi khi tôi lại kém may mắn với các pha dứt điểm cuối cùng. Vấn đề nằm ở sự tập trung mà thôi.”

Nhưng không vì thế mà câu lạc bộ Basel có ý định từ bỏ anh. Tại sao lại phải tỏ ra quá khắt khe đối với một cầu thủ trẻ vẫn còn đang tập tành thích nghi với bóng đá và cuộc sống ở châu Âu, một cầu thủ có thể đe dọa hàng thủ đối phương theo nhiều cách khác nhau?

Basel kiên nhẫn chờ đợi cho dù khâu dứt điểm của Salah khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Vấn đề của những cầu thủ tấn công có tốc độ thường là thiếu đi sự bình tĩnh trước khung thành đối phương, và phương thuốc duy nhất là tăng cường thêm các buổi tập để cải thiện nhược điểm này. Rất nhiều những bài tập về nghệ thuật dứt điểm của Salah thời kỳ đó được thiết kế bởi người đồng đội và cũng là cựu chân sút đội tuyển Thụy Sĩ, Alexander Frei.

Bàn thắng muộn màng về chiến thắng trước Chelsea vào tháng 11/2013 đã trở thành điểm nhấn tiêu biểu cho hình ảnh của một Salah luôn nỗ lực kiếm tìm bàn thắng.

Dưới sự dìu dắt của Frei, một Mohamed Salah ngày càng hiệu quả và hoàn bị dần xuất hiện. Anh trở nên sắc sảo hơn ở những pha di chuyển không bóng, các quyết định được đưa ra bắt đầu chính xác hơn và điều quan trọng nhất chính là sự bình tĩnh trước mỗi lần “bóp cò” dứt điểm.

Bàn thắng muộn màng về chiến thắng trước Chelsea vào tháng 11/2013 đã trở thành điểm nhấn tiêu biểu cho hình ảnh của một Salah luôn nỗ lực kiếm tìm bàn thắng. Sau khi cố gắng khống chế bóng từ quả chuyền dài ở tuyến dưới, anh bật công tắc cho động cơ phản lực gắn sau lưng, để sau đó tung ra cú kết liễu đầy cảm giác bằng chân trái; bóng được lốp bay qua người thủ thành Petr Cech và đi vào góc xa khung thành. Đơn giản, nhưng lạnh lùng.

“Khi cậu ấy đến Basel, Salah rõ ràng là một cầu thủ đầy tài năng, nhưng lại rất bất cẩn,” Frei đánh giá. “Lối chơi của cậu ấy không thật sự mẫu mực. Vì thế, tôi quyết định tăng cường các bài tập dứt điểm đặc biệt dành riêng cho cậu ấy, nhờ đó mà Salah trở nên hiệu quả hơn trước khung thành đối phương.”

“Điều chúng tôi nhanh chóng nhận ra chính là quyết tâm và mong muốn tham gia các bài tập luyện này của Salah. Mỗi ngày, cậu ấy đều sẵn sàng đón nhận các bài tập thêm trước và sau buổi tập thông thường. Trên sân, có thể cậu ấy là một chàng trai ít nói, nhưng lại rất hào hứng trước những ý tưởng mới.” Vẫn những chia sẻ từ Frei.

“Tôi không bất ngờ khi Salah dần trở thành một cầu thủ với đẳng cấp thế giới. Cậu ấy chạy nhanh không tưởng và nhất là giờ đây đã bổ sung thêm tư duy hệ thống vào phong cách tấn công của mình. Thời còn chơi ở Italia, trong màu áo Fiorentina và Roma, Salah đã tích lũy được khá nhiều kiến thức chiến thuật. Đến khi khoác áo Liverpool, không còn nghi ngờ gì nữa, Salah hoàn toàn phù hợp với thứ bóng đá chuyển tiếp cực nhanh (từ thủ sang công và ngược lại) mà Jurgen Klopp mang đến.”

“Hụt bước” ở Chelsea-Mourinho

Có vô vàn những giả thiết được đưa ra về thất bại không bàn cãi của Salah ở Chelsea khi anh chuyển đến đây vào năm 2014, 18 tháng từ khi đến với câu lạc bộ Thụy Sĩ - mà bằng chứng là việc cầu thủ này chỉ được ra sân rất ít. Sau đúng một mùa giải rưỡi thi đấu chuyên nghiệp ở châu Âu cho Basel, liệu Salah vẫn còn quá thô để đáp xuống giải ngoại hạng Anh? Có phải vì Salah có thể hình quá mỏng cơm? Và liệu Chelsea có thật sự cần Salah hay không?

“Cậu ấy không có được cơ hội ở Chelsea - có lẽ lý do nằm ở huấn luyện viện, cũng có thể là vì những cầu thủ khác? Tôi cũng không biết rõ nữa,” Eden Hazard từng nói hồi đầu năm nay. “Giai đoạn đó, tôi còn nhớ đội hình chúng tôi vừa có tôi, Willian lẫn Oscar, thế nên Salah không có được nhiều cơ hội. Nhưng cậu ấy chắc chắn vẫn là một cầu thủ hàng tốp. Trên sân tập, chúng tôi làm được tất cả. Chính vì vậy, chúng tôi đều hiểu rõ Salah tài năng đến đâu.”

Tháng Giêng năm 2015, chỉ một năm sau khi đến Stamford Bridge, Salah chuyển đến Fiorentina dưới dạng cho mượn. Như một sắp đặt của định mệnh, người ta nghĩ về những trường hợp của Romelu Lukaku hay Kevin De Bruyne. Tài năng, kỹ thuật, nhưng bị thải loại từ quá sớm.

 - Bóng Đá

 Salah không có nhiều cơ hội ra sân trong màu áo Chelsea.

“Chúng tôi từng trò chuyện trong lần tôi trở lại Chelsea sau giai đoạn được cho mượn ở Fiorentina,” Salah nói về Mourinho. “Tôi và ông ấy cũng có nói chuyện sau trận đấu với Manchester United mùa giải này và đôi bên vẫn giữ quan hệ rất tốt. Dẫu vậy, câu chuyện không kéo dài. Mọi thứ đều OK cả.”

Vậy Mourinho có giải thích vì sao Salah lại không được thi đấu nhiều dưới thời ông ấy ở Chelsea? “Không,” cầu thủ người Ai Cập đáp lại không một chút chần chừ, với ánh mắt không tìm cách chuyển về một hướng khác để tránh né câu hỏi. “Chúng tôi không nói về chuyện đó.”

“Làn gió Serie A”

Dẫu vậy, làn gió Serie A đã làm bừng tỉnh Salah. Khi được cho Fiorentina mượn trong giai đoạn hai của mùa giải 2014-15, anh chơi xông xáo trên hàng công đội bóng và trở thành chân ghi bàn đều đặn. “Chưa một lúc nào vào thời điểm đó tôi hoài nghi vào khả năng của mình. Tôi biết mình hoàn toàn có thể chơi bóng ở đẳng cấp cao,” Salah khẳng định.

Chân sút người Ai Cập ghi được 9 bàn sau 26 trận đấu trên mọi đấu trường cho La Viola, Trong số này, bàn thắng đẹp nhất chắc chắn phải là pha solo đua tốc độ thần sầu từ phần sân nhà trong trận bán kết lượt đi Coppa Italia năm 2015 trước Juventus. Một Salah sắc sảo và thuần khiết nhất hiện ra: bứt tốc mãnh liệt, kết hợp cùng khả năng xử lý bóng cận chân cực khéo, niềm tin vào bản năng để vượt qua hậu cầu thủ đối phương trước khi tung cú dứt điểm chính xác với sự bình tĩnh đã được trui rèn tại Basel.

Bàn thắng ấy đã từng khiến Giám đốc thể thao Daniele Prade phải thốt lên: “Điên rồ! Đó là những thứ mà chúng ta thường làm thuở còn bé.” Tờ Gazzetta dello Sport quyết định đi xa hơn thế. Trang nhất tờ báo ngày hôm sau ca ngợi với dòng tít “Sim Salah bis” – trích lại câu nói nổi tiếng từ nhân vật Hadji trong phim hoạt hình “Jonny Quest” của Mỹ thập niên 60s, nghĩa là “abracadabra”. Hay, “ma thuật”.

“Chúng tôi biết cậu ta có thể làm được gì, song, thẳng thắn mà nói thì khi đó chúng tôi không nghĩ Salah lại có thể quyết đoán đến thế,” huấn luyện viên Vincenzo Montella từng phát biểu. “Chúng tôi cũng biết cậu ấy là một trong những cầu thủ nhanh nhất trên sân khi có bóng trong chân, mà có lẽ chỉ có Messi là nhanh hơn.”

Sắc tím đã tin rằng họ có điều khoản cho phép gia hạn thêm thời gian hỏi mượn tiền đạo người Ai Cập thêm một năm nữa, nhưng Salah lại muốn chuyển đến thi đấu cho một câu lạc bộ khác của Italia với nhiều cơ hội giành các danh hiệu hơn. Mối quan hệ giữa Salah và La Viola dần rạn nứt và đến khi anh không trở về tập trung trong giai đoạn tiền mùa giải của năm 2015, Fiorentina quyết định đệ đơn kiện lên FIFA. Cuối cùng, Salah được toại nguyện và chuyển đến khoác áo Roma.

Ban đầu Salah được cho mượn tại Roma, sau đó 12 tháng là một bản hợp đồng mua đứt được ký kết. Anh bùng nổ dưới màu áo Giallorossi khi ghi 29 bàn sau 65 lần ra sân ở Serie A trong hai mùa giải. Kết hợp cùng những bàn thắng, là 17 pha kiến tạo. Mùa giải 2015-16, Salah được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của đội bóng; sang đến mùa giải tiếp theo, cú bức tốc đạt đỉnh 10 giây 100 mét trên quãng đường 70 mét của Salah trước đội bóng cũ Fiorentina lại khiến tất cả phải trầm trồ.

“Ai có thể bắt kịp cậu ấy đây?” Spalletti có lần tự hỏi như thế khi mùa giải 2016-17 dần đi đến đích. “Salah là một cầu thủ tuyệt diệu. Chúng tôi hết sức tin tưởng vào khả năng xâm nhập giữa các tuyến của cậu ấy, các hậu vệ đối phương không biết liệu ai nên theo kèm cậu ấy. Khả năng phá vòng vây đột phá về trước của Salah cực kỳ lợi hại. Đối thủ theo kèm sẽ phải cần lái mô-tô để đuổi theo cậu ấy.”

Spalletti xứng đáng được nhắc đến như là người đã có công rất lớn trong việc gò lại những bản năng quá cá nhân của Salah, bắt anh phải vào khuôn phép. “Chúng tôi nói với Salah rằng nếu trận đấu nào cậu ấy không chịu chuyền bóng cho các đồng đội ở vào vị trí thuận lợi, cậu ấy sẽ phải khao cả đội bữa tối ngày hôm ấy. Khi đó, nếu cứ tiếp tục quá bản năng, Salah sẽ trở thành cây ATM của cả đội,” Spalletti từng chia sẻ.

Trong cả hai mùa giải Salah chơi bóng ở Olimpico, Giallorossi luôn nằm trong nhóm những đội bóng ghi bàn nhiều nhất Serie A. Lối chơi pressing tầm cao, lợi hại trong phản công cùng chiến thuật linh hoạt tỏ ra quá phù hợp với phong cách của cầu thủ người Ai Cập. “Mọi đội bóng tôi thi đấu đều chơi tấn công, thế nên cảm giác không lạ lẫm. Spalletti đã giúp tôi cải thiện rất nhiều ở tư duy chiến thuật và khả năng tham gia hỗ trợ phòng ngự. Ông ấy thường ở lại sau mỗi buổi tập để giải thích cho tôi nghe rõ hơn về những điều này.”

 - Bóng Đá

 Salah trong trận đấu giữa Roma và Real.

Bùng nổ ở Anfield

Như một ngôi sao ngày càng sáng tỏ trên bầu trời. Salah dễ dàng lọt vào tầm ngắm của câu lạc bộ vùng Merseyside nước Anh. Anh vốn dĩ đã xuất hiện trong radar của Jurgen Klopp được 6 tháng trước khi thương vụ chính thức được kích hoạt. Và cũng chính vị huấn luyện viên người Đức đã đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thăng tiến của cầu thủ người Ai Cập.

Sau khi hợp đồng được ký kết vào tháng 6 năm ngoái, Salah trải qua trọn giai đoạn tiền mùa giải để tập làm quen với thứ bóng đá nhịp độ cao của Klopp. Ông từng phải thừa nhận rằng sau trận giao hữu trước Wigan, Salah “hoàn toàn không có bất cứ ý niệm nào về cách chúng tôi phòng thủ,” vì đơn giản thời điểm đó, anh mới chỉ tập cùng đội bóng đúng hai lần.

“Huấn luyện viên đã cho tôi cơ hội để cải thiện và giúp tôi cho cả thế giới thấy được thứ bóng đá của mình,” Salah bộc bạch. “Ông ấy lúc nào cũng tràn đầy năng lện trên đường biên. Klopp luôn muốn các học trò phải chiến đấu hết mình cho đội bóng, để mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc cho tất cả. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi cầu thủ sẽ luôn muốn cống hiến 100% khả năng cho đội bóng và cho Klopp.”

Với riêng cá nhân Salah, lần trở lại với nước Anh cũng là để hoàn tất một chương dở dang từng được chấp bút trong sự nghiệp của anh. “Ba năm trước tôi đã không có nhiều cơ hội để ra sân, nhưng kể từ lúc quay về Anh, tôi khát khao và háo hức muốn cho thấy những khả năng của mình. Và tôi nghĩ mình đang làm tốt.”

Nhưng chứng tỏ bản thân, không có nghĩa phải nhất thiết chứng minh rằng mọi người từng sai lầm. “Ồ, không. Tôi không muốn khiến họ phải nhìn nhận lại điều gì. Tôi từng đến Fiorentina, rồi sau đó là Roma, và đều thi đấu tốt cả. Tôi trở lại Anh, đến với một câu lạc bộ hàng tốt và để thỏa sức vùng vẫy, thỏa sức chơi bóng. Suy nghĩ của tôi chỉ có như vậy mà thôi.”

Với riêng cá nhân Salah, lần trở lại với nước Anh cũng là để hoàn tất một chương dở dang từng được chấp bút trong sự nghiệp của anh.

Theo dõi những trận đấu của Liverpool mùa giải này, người ta dễ dàng nhận thấy hai điểm đặc trưng có thể nhìn thấy ở Salah. Thứ nhất, anh liên tục đòi bóng từ các đồng đội. Bất kể là hàng hậu vệ hay hàng tiền vệ của Liverpool kiểm soát bóng, Salah đều quan sát hai bên vai, ngửa lòng bàn tay hướng lên trời và chỉ ngón tay xuống chân. Chuyền. Bóng. Cho. Tôi.

Thứ hai, và cũng quan trọng nhất, là khả năng điều phối tầm di chuyên của Salah. Anh hiếm khi nào di chuyển nhiều, dù là phòng thủ hay khi tấn công. Những bài học cái thuở còn chơi hậu vệ cánh trái ở El Mokawloon đã nhắc nhở Salah rằng, trận đấu kéo dài đến 90 phút và anh cần phải biết duy trì thể lực để chộp lấy những khoảnh khắc mang tính định đoạt.

Hiệu quả trong di chuyển, Salah trở thành quân bài duy nhất trên hàng công mà Jurgen Klopp không thật sự tiến hành xoay tua. “Salah tỏ ra tức giận với tôi khi tôi rút cậu ấy rời sân sau 65 phút trở đi. Đấy chính là thứ tinh thần mà tôi cần.”

Mùa giải hiện tại đơn giản là mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp chuyên nghiệp của Salah. Trước 2017-18, anh chưa bao giờ ghi được hơn 20 bàn trong một mùa giải – và con số ấy đã được anh chạm đến hồi tận tháng 12 năm ngoái. Song không chỉ số lượng các bàn thắng, đó còn là sự đa dạng trong cách thức săn bàn của “Messi Ai Cập”. Những pha kết thúc từ các đợt phản công theo phong cách “heavy metal”, những cú nã pháo tầm xa, hay những pha di chuyển bên cánh phải rồi cắt chéo vào trong để vung ra chiếc đũa thần bằng chân trái.

Những cú dứt điểm vừa uy lực và chính xác ấy không phải quá xa lạ với các đoạn băng tư liệu mà Liverpool từng sở hữu về Salah. Chính sức mạnh của cầu thủ người Ai Cập, hay chính xác là sự cải thiện đáng kể về mặt thể trạng của anh, mới khiến Jurgen Klopp cảm thấy ngạc nhiên. Ở bàn thắng thứ hai Salah ghi được để ấn định chiến thắng 2-1 trước Leicester City hồi tháng 12 năm ngoái, Harry Maguire không tài nào chế ngự được số 11 của Liverpool, dù có nỗ lực gây sức ép từ phía sau. Trong sự kèm cặp của đối thủ, Salah xoay trở, khống chế bóng và loại bỏ trung vệ người Anh lại phía sau trước khi kết thúc vào góc dưới khung thành. Lại thêm một vũ khí mới được bổ sung vào kho tàng của Salah.

“Tôi muốn cho các anh xem lại tất cả những đoạn băng tư liệu trinh sát về Salah của chúng tôi,” Klopp hé lộ sau chiến thắng trước Leicester ngày hôm đó. “Bàn thắng như vậy của Salah chưa bao giờ xuất hiện trong đống tư liệu đó cả. Cậu ấy rất mạnh mẽ về thể trạng. Tôi 100% bất ngờ về sức chịu đựng va chạm của cậu ấy.” So sánh những bức ảnh chụp Salah thời anh còn khoác áo Chelsea với thời điểm hiện tại, không quá khó để nhận ra rằng giờ đây, cầu thủ này đang sở hữu vóc người chắc nịch hơn.

Vậy, liệu bản thân Salah có bao giờ đặt mục tiêu ghi được nhiều bàn thắng đến vậy? “Tôi không muốn tỏ ra kiêu ngạo, nhưng thú thật là tôi có kỳ vọng bản thân làm được như hiện tại. Coi nào, tôi biết mình không phải tồi mà. Tôi đã từng chơi tốt ở Roma, có hai mùa giải thành công ở đấy. Tôi là mẫu cầu thủ luôn chớp lấy thời cơ, và tự đặt mình trước áp lực để không ngừng phấn đấu.”

Các pha lập công của Salah cho Liverpool:

Trọng trách Quốc gia

Không chỉ tại Liverpool, trọng trách trở thành ngôi sao sáng nhất còn được đặt lên đôi vao Salah ở màu áo tuyển quốc gia Ai Cập. Giờ đây, Salah đã trở thành một biểu tượng của nền bóng đá Ai Cập thời kỳ phục hưng. Quốc gia Bắc Phi này đã vắng mặt ở ngày hội bóng đá thế giới từ năm 1990 và trải qua 7 năm không vô địch CAN. Nhưng nhờ vào đóng góp không hề nhỏ của tiền đạo có đôi chân gắn động cơ phản lực này, đám mây u ám đang dần được xua tan.

Tại CAN năm 2017, Salah đã thi đấu vô cùng xuất sắc để giúp Ai Cập giành vị trí á quân, xếp sau nhà vô địch Cameroon. Anh cũng là chân sút dẫn đầu của Ai Cập trong chiến dịch vòng loại World Cup 2018 với 5 bàn thắng. Cú đúp trong chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước Congo – bao gồm bàn thắng quyết định mang về chiến thắng cuối cùng ở phút 95 từ chấm penalty – đã giúp Ai Cập bắt chuyến tàu đến nước Nga vào mùa hè tới đây.

Người đã trao cơ hội lần đầu cho anh ở màu áo tuyển quốc gia là huấn luyện viên tạm quyền Hany Ramzy, người từng là một thành viên chủ chốt của đội tuyển Ai Cập kỳ World Cup 1990 diễn ra trên đất Italia. “Cậu ấy là một cầu thủ trẻ với những phẩm chất vô cùng ấn tượng,” Ramzy hồi tưởng lại. “Salah không chỉ cực kỳ tốc độ trên sân, mà cậu ấy còn chơi bóng có đầu óc, với nhãn quan nhạy bén.”

Ai Cập phụ thuộc vào Salah là một mệnh đề không hề cường điệu chút nào. Huấn luyện viên đương nhiệm Hector Cuper có thể sẽ luôn đau đầu với những nỗi loa toan chiến thuật và đề cao khía cạnh kỷ luật, nhưng với Salah di chuyển bên hành lang phải, hành lang trái rồi cả trung lộ, Ai Cập đang có trong tay một khẩu súng có thể lên đạn và bóp cò bất kỳ lúc nào.

“Ngay từ đầu tôi đã biết cậu ấy có điều gì đặc biệt,” cựu huấn luyện viên Bob Bradley của Ai Cập – người đã gắn bó cùng Salah trong quãng thời gian đầu sự nghiệp ở cấp độ đội tuyển của anh – cho biết. “Cậu ấy có tốc độ, sự bùng nổ và khả năng không tưởng luồn lách ra phía sau hàng thủ đối phương. Salah là cầu thủ có thể làm nên sự khác biệt. Tôi nhìn vào cậu ấy và chờ đợi một tương lai tươi sáng cho nền bóng đá Ai Cập.”

Salah chính là người Ai Cập thứ hai duy nhất trong lịch sử được bầu chọn Cầu thủ Phi châu của năm, sau Mahmoud El Khatib vào năm 1983. Tờ nhật báo Al-Watan từng dành đến 9 trang trong tổng số 16 trang của ấn bản Năm mới để viết về chân sút khoác áo Liverpool, với nhan đề: “Pharaoh: Niềm hân hoan 2017 và niềm hy vọng  2018.”

Danh hiệu đó dành cho Salah không chỉ tập trung vào những khía cạnh như tốc độ, kỹ năng điêu luyện hay khả năng ghi bàn của anh, mà còn là sự đề cao đối với nét tính cách Salah bộc lộ trong bóng đá: luôn nở nụ cười trên môi, sự nhiệt tình và hăng hái như một đứa trẻ, và tính khiêm tốn. Kể từ sau Mohamed Aboutrika – người tiền vệ tấn công từng ba lần giành chức vô địch CAN và được xem là cầu thủ vĩ đại mọi thời của bóng đá Ai Cập – người dân nước này mới lại dành một tình cảm đặc biệt đối với một cầu thủ của họ, là Salah.

Hào phóng là một đức tính của Salah mà những ai đã dõi theo chiến dịch vòng loại World Cup của tuyển Ai Cập đều có thể dễ dàng nhận ra. Từng được một vị doanh nhân có tên Mamdouh Abbas trao tặng một căn biện thự hạng sang cho những nỗ lực và cống hiến của mình với đội tuyển quốc gia, Salah lịch sự từ chối và đề nghị doanh nhân này quyên góp số tiền được quy đổi ra cho quê nhà của anh.

Song song với nhân cách và lòng trắc ẩn ấy, ở Salah, còn là một ý chí gang thép, một khát khao không bao giờ tắt. Ngay từ khi còn rất nhỏ, bóng đá đã là đam mê và nỗi ám ảnh duy nhất của Salah. Không một điều gì có thể trở thành vật cản trên con đường chinh phục ước mơ của anh. Để có thể tham gia các buổi tập ở học viện đào tạo của El Mokawloon, Salah đã phải chịu đựng một hành trình dài vất vả.

“El Mokawloon cách 4 tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển bằng 3 hay 4 chặng xe buýt từ Cairo. Cứ 5 ngày trong tuần tôi lại thực hiện những chuyến đi và về đều đặn như thế. Tôi bỏ học khá nhiều, vì đó là cách duy nhất tôi phải làm để có thể đến được với sân tập đúng giờ. Đôi lúc, tôi chỉ ở trường có 2 giờ đồng hồ, từ 7 đến 9 giờ sáng, rồi phải rời đi ngay lập tức cho kịp chuyến xe buýt. Những lúc tôi vừa về đến nhà, cũng là lúc tới giờ đi ngủ. Trở thành một cầu thủ bóng đá luôn là ước mơ của tôi. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thường mơ rất nhiều.” Salah hồi tưởng lại.

“Tôi rất nể trọng Salah,” người đồng đội Mane ở Liverpool, cũng là người về nhì trong cuộc đua danh hiệu Cầu thủ Phi châu của năm, chia sẻ. “Mà không phải chỉ mình tôi đâu. Anh có thể hỏi những đồng đội khác của tôi, họ cũng đều sẽ nói như thế. Rất nhiều cầu thủ có những tính cách khó hiểu không đâu lường được. Salah thì không như vậy. Cậu ấy luôn là người sùng đạo, luôn yêu mến mọi người, và là một cầu thủ xuất sắc khiến bóng đá trở nên đẹp đẽ hơn.”

Chắc hẳn, đã có những lúc Salah mang trong lòng nỗi niềm thất vọng – như khi thi đấu tại Chelsea, thất bại của tuyển Ai Cập trong việc giành quyền đến World Cup 2014, hay đặc biệt là vào thời kỳ đầu của sự nghiệp khi bị hai ông lớn Zamalek và Al Ahly của bóng đá Ai Cập từ chối – nhưng cũng chính những điều đó trở thành nét son tô điểm cho động lực phấn đấu cùng quyết tâm chinh phục mà anh đã và đang dày công bỏ ra, trên con đường đến với đỉnh cao Phi châu lẫn Âu châu.

 - Bóng Đá

 Salah sẽ mang đến thành công cho Ai Cập ở World Cup 2018?

Nguồn: VietnamPlus
    Bình Luận