Arsenal: Phượng hoàng đã chết

Hơn 4.000 ngày nước mắt nhiều hơn nụ cười tại Arsenal, có thể sẽ kết thúc lại bằng những giọt nước mắt như hình ảnh cậu bé đeo kính trên khán đài Wembley tuần trước.
Arsenal: Phượng hoàng đã chết
Khi Thierry Henry cúi đầu hôn lên thảm cỏ SVĐ Highbury vào ngày 7/5/2006, để Arsenal chuyển sang SVĐ mới Emirates, hẳn anh và những người yêu mến Pháo thủ không thể nghĩ rằng nó khởi đầu cho một trường đoạn bi ca của Arsenal, với 9 năm trắng tay trên mọi mặt trận, và 12 năm không còn cảm giác được hôn lên chiếc cúp bạc . 

Kể từ ngày đó, Arsenal đã xuống dốc. Những mùa giải sau ngày rời Highbury đều có chung một kịch bản: thăng hoa giai đoạn đầu, đuối sức vào tháng 11, rệu rã đi qua giai đoạn marathon, và cố gắng vào Top 4 ở cuối mùa. Một thập kỷ ấy là đủ để cho những cậu bé yêu mến đội bóng đỏ - trắng năm nào trưởng thành, cho những thanh niên đã theo dõi Henry - Pires - Viera có cái đằm mình lại với cuộc đời. Rốt cuộc tình yêu Arsenal của họ còn lại gì? Vẫn đẹp, vẫn đau, vẫn gieo hy vọng và lại thất vọng. 

Highbury bé nhỏ đã chứng kiến những bước chạy của “đứa con thần gió” Thierry Henry, những bàn thắng xứng danh “thiên hạ đệ nhất tinh tế” của Denis Berkamp, những pha bóng ngẫu hứng của Robert Pires, và dáng hình như tường đồng vách sắt của Patrick Vieira. Thuở đó, Arsenal không phải như bây giờ, không phải như hôm nay. Họ đua tranh ngôi vô địch, họ lừng lững trong những cú đánh vỗ mặt. Không phải như trận đấu với Man City khi vào trận với 5 hậu vệ, kiểm soát bóng ít hơn, và nhận thẻ vàng nhiều hơn, không có hình hài, không có linh hồn. 10 năm trước, Wenger đã cố gắng tạo nên một lứa cầu thủ mới được gọi tên là “Những đứa trẻ của Wenger”. 

Những con người như Cesc Fabregas, Alexander Hleb hay Theo Walcott có tương lai tươi sáng, và rồi thất bại theo cách của những đứa trẻ ngây thơ. Sau cùng, thép đã chưa bao giờ được tôi trên đôi chân của những “cậu bé” đó. Mỗi mùa Hè, người hâm mộ Arsenal chứng kiến các ngôi sao lũ lượt ra đi, còn đôi mắt của người thầy già Wenger ngày một buồn thêm. Người ta thương ông mà chưa bao giờ đặt câu hỏi ngược lại, vì sao chúng lại bỏ ông mà đi? 


Hiện tại, độ tuổi trung bình của các cầu thủ Arsenal là 27,99, nhưng cách chơi của họ còn tệ hơn cả những cậu bé như Farbegas, Van Persie, Narsi… của 10 năm trước. Chẳng còn gì để biện hộ, chẳng còn gì để nhắc nhở. Tất cả phải nhìn vào một sự thật: Arsenal bây giờ là đội bóng bậc trung. Bởi sự thật rằng chẳng đội bóng lớn và giàu tham vọng nào, lại sở hữu mục tiêu bình thường và thành tích bình thường như vậy. 

Lý do sâu xa vì một triết lý của việc xem trọng kinh tế, mà ít đột phá chuyên môn, cùng tư tưởng thỏa hiệp đã gieo vào đội chủ sân Emirates suốt 10 năm qua. Hơn 4.000 ngày nước mắt nhiều hơn nụ cười, có thể sẽ kết thúc lại bằng những giọt nước mắt như hình ảnh cậu bé đeo kính trên khán đài Wembley tuần trước. Và người thầy đáng kính Wenger với những cống hiến suốt 22 năm qua, sẽ bước vào sau cánh gà của lịch sử bằng những nốt nhạc trầm. 

Ông đã có những kỷ lục của riêng mình. Khi mùa giải này kết thúc, Wenger sẽ cán mốc 828 trận đấu tại Premier League, với 810 trận cầm quân ở giải đấu này. Đây sẽ là kỷ lục khó ai có thể phá vỡ, khắc tên Wenger vào biên niên sử không chỉ của Arsenal, mà còn của thế giới bóng đá. Nhưng phải đá như thế nào, thì mới đáng mặt? Hay là những bạc nhược như hôm nào? 

Trong đống tro tàn của sự đau khổ, thất bại, những tiếng chế giễu, và những nếp nhăn trên vầng trán già nua của Wenger. Cánh chim phượng hoàng vẫn không sống dậy, ngược lại còn bị vùi lấp thêm những nếp tro mới. Sau cùng, “phượng hoàng” Arsenal đã chết.

    Bình Luận