Thay đổi hay không thay đổi?
“Không ai thay đổi công thức thành công”. Câu này thì cả nghìn người nói rồi, và bạn hẳn đã được nghe về nó ít nhất một lần trong đời. Chiếu vào trường hợp của Chelsea, HLV Thomas Tuchel rõ ràng có lý do để... không làm gì cả. Hệ thống 3 trung vệ mà ông triển khai ở Stamford Bridge từ những ngày đầu đã phát huy hiệu quả nhanh và mạnh một cách khó tin. Chelsea mùa vừa rồi trở thành bài toán quá khó giải với các HLV. Ngay cả Pep Guardiola cũng bó tay: 3 lần đối đầu, 3 hệ thống/chiến thuật, 3 thất bại.
Về lý thuyết, Chelsea vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Hàng thủ của họ có thể còn chắc chắn hơn nữa nếu được bổ sung một trung vệ “xịn” hơn Azpilicueta, đẳng cấp hơn Christensen, hay trẻ hơn Thiago Silva. Tuyến giữa có thể còn tạo ra ảnh hưởng lớn hơn lên các trận đấu nếu được bổ sung một tiền vệ trụ chất lượng. Và nhìn cái cách Timo Werner bỏ lỡ hết cơ hội này tới cơ hội khác, chúng ta biết rằng hàng công Chelsea ở mùa giải tới “chỉ có thể tốt hơn”, đơn giản vì hàng công ấy “không thể tệ hơn được nữa”.
Nhưng bóng đá vốn không đơn giản như vậy. Một đội bóng giống như một cơ thể sống vậy. Nó được sinh ra hoàn hảo. Mọi sự thay đổi đều sẽ dẫn tới xáo trộn, nhẹ thì gây mệt mỏi, nặng thì sinh bệnh. Chelsea của HLV Tuchel đã vận hành quá mượt mà, tới mức người ta tin rằng mọi mắt xích trong đội, dù hoàn hảo hay chưa, đều rất khó thay thế. Werner là ví dụ. Anh dứt điểm rất tệ, đúng. Nhưng nếu không có những pha chạy chỗ liên tục của Werner, liệu hệ thống của Chelsea có còn hoạt động hiệu quả? Một tiền đạo mới có thể giỏi ghi bàn hơn, nhưng chắc gì đã tạo được áp lực liên tục lên các trung vệ đối phương theo cách của Werner?
Một hệ thống mới?
Hệ thống 3-4-3, với các biến thể là 3-4-1-2 và 3-4-2-1 đã hoạt động gần như hoàn hảo từ ngày HLV Tuchel tới Stamford Bridge. Nhưng những người biết Tuchel đều tin ông sẽ không ngồi im. Từ khi tới Chelsea, sở dĩ Tuchel không thực hiện nhiều thay đổi về hệ thống là bởi ông không có nhiều thời gian. Chứ nhà cầm quân người Đức không phải mẫu HLV dễ hài lòng với một vài lựa chọn nhất định. Các đội bóng của ông, từ Mainz tới Dortmund rồi PSG, đều rất linh hoạt về hệ thống.
Tuchel sẽ thay đổi và ông không thiếu thời gian. Chứng kiến các cầu thủ Chelsea nhanh chóng thấm nhuần triết lý của Tuchel chỉ trong một thời gian rất ngắn, các CĐV có cơ sở để tin rằng ở mùa giải tới, đội bóng của họ sẽ rất linh hoạt và biến hóa về hệ thống và lối chơi. Đó là điều không thể không làm. Rút từ bài học của Chelsea-Conte, các đội bóng Premier League sẽ rất nhanh chóng tìm ra những hạn chế trong hệ thống hiện tại của Chelsea và khai thác chúng. Chờ tới khi điều đó xảy ra mới thay đổi là quá muộn...
Nhưng thay đổi, như đã nói, luôn đi kèm rủi ro. Thay đổi cái gì, với liều lượng như thế nào sẽ là những câu hỏi lớn mà HLV Tuchel phải trả lời trong thời gian sắp tới. Và tốt nhất là ông nên trả lời đúng ngay ở lần thử sức đầu tiên. Ông chủ Abramovich chưa bao giờ là người kiên nhẫn.
Có 200 triệu bảng để tiêu?
HLV Tuchel nói rằng ông “đã có ý tưởng để làm cho đội bóng tiến bộ hơn”, rằng Chelsea sẽ có “hai hoặc ba thay đổi” trong mùa Hè này. Báo chí Anh cũng khẳng định Tuchel đã được ông chủ Abramovich “bật đèn xanh” để mang về một trung vệ mới, một tiền vệ mới (ưu tiên là Declan Rice) và một tiền đạo mới (ưu tiên là Romelu Lukaku). Cộng với số tiền thu về từ việc bán bớt các cầu thủ không cần thiết, Tuchel có thể được cấp số tiền lên tới 200 triệu bảng.
220. Mùa Hè năm ngoái, Chelsea đã tiêu tổng cộng 220 triệu bảng để mua các cầu thủ mới. Riêng bộ đôi người Đức là Kai Havertz (72 triệu bảng) và Timo Werner (47) đã làm tốn hơn một nửa.
Bình Luận