Câu chuyện được bắt đầu từ ngày 24/02/2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và chủ tịch Roman Abramovich bị đánh thức bởi một cuộc gọi khẩn. Kể từ sau đó, để tránh cho Chelsea khỏi bị tổn thương nhất, ông phải ra quyết định bán Chelsea. Đến ngày 10/3, khi tỷ phú Nga chưa kịp thực hiện cuộc mua bán này, chính phủ Anh quyết định phong toả tài sản của ông. Điều này dẫn đến Roman Abramovich mất trắng Chelsea vào tay chính phủ Anh. Sau đó Chelsea được bán cho tỷ phú Todd Boehly và Quỹ Clearlake Capital với giá 5,2 tỷ USD. Phần còn lại, là những gì ta thấy hôm nay. Trên bảng xếp hạng Premier League lúc này, Chelsea có 39 điểm, chưa đủ điểm trụ hạng. Những cổ động viên của The Blue đang sống trong những ngày tồi tệ nhất khi mỗi trận đấu của đội bóng thân yêu là một sự hành hạ tâm lý theo đúng nghĩa của nó. Tất cả đều có chung một nhận định: Chelsea đã đánh mất linh hồn theo sự ra đi của vị chủ tịch Abramovich vào ngày 28/5 định mệnh ấy.
Nhưng chủ tịch Roman Abramovich có làm gì sai trong bóng đá không? Ông có bị cáo buộc hối lộ trọng tài như chủ tịch Barcelona không? Ông có bị cáo buộc gian lận và vi phạm luật công bằng tài chính như chủ tịch CLB Manchester City không? Ông có bị cổ động viên biểu tình và giăng biểu ngữ đuổi đi như nhà Glazer của Manchester United không? Hay ông có keo kiệt, bán tống bán tháo CLB của mình để thu lợi bất chính không? Câu trả lời là không. Roman Abramovich bị đuổi đi chỉ vì liên quan đến “tình bạn” với Tổng thống Nga Putin. Tóm lại, ông ra đi vì một câu chuyện chính trị đem vào bóng đá. Còn về bóng đá, ông không có lỗi.
Thời gian này năm ngoái, Chelsea đang xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng, còn bây giờ, họ xếp thứ 12. Ai đã dẫn Chelsea vào nông nỗi này? Là chủ tịch Todd Boehly với cách mua sắm điên rồ vô tội vạ ư? Hay là HLV Graham Potter, người đi vào lịch sử với tư cách HLV tệ nhất của Chelsea? Hay là các cầu thủ như Kepa Arrizabalaga, Wesley Fofana, Sterling hay là Kai Havertz vì phong độ tồi tệ do họ thể hiện trên sân? Đương nhiên những con người vừa được kể tên đều có một phần lỗi trong đó. Với Todd Boehly, là cách điều hành và mua sắm kiểu bóng rổ áp dụng cho bóng đá. Với Graham Potter đó là sự tầm thường hóa trong cách làm việc tại Chelsea. Còn với các cầu thủ thì đó là phong độ tụt dốc thê thảm so với mức lương triệu phú được nhận. Nhưng tất cả những điều trên sẽ không tồn tại, hay có những con người đáng lẽ sẽ không nên ở Stamford Bridge hôm nay để làm cái việc là phá nát di sản người đi trước, nếu như không có sự ra đi đầy uất ức của Roman Abramovich sau 19 năm điều hành.
Vì chính trị, người ta đã giết Chelsea mất rồi.
Bình Luận