Juventus 2018, PSG 2017, Real Madrid 2009 và 2019, Man City 2017 là 5 đội từng chi tiền dữ dội nhất trên thị trường chuyển nhượng trong một mùa bóng. Điểm chung: chẳng có đội nào thành công như mong đợi, nếu không muốn nói là tất cả đều thất bại.
Chẳng cần tham khảo đâu xa, Chelsea có thể nhìn lại chính mình. Kỷ lục chuyển nhượng của Chelsea là mùa bóng 2017/18. Hơn 200 triệu bảng đã được chi ra cho những hợp đồng mang tên Davide Zappacosta, Danny Drinkwater, Tiemoue Bakayoko, Alvaro Morata... Khởi đầu trong tư thế ĐKVĐ Premier League, Chelsea rút cuộc không vào nổi Top 4, dừng chân ở vòng 1/8 Champions League và sa thải HLV trưởng Antonio Conte.
Đỉnh điểm của sự trớ trêu: mùa bóng mang tính kỷ lục về chi tiêu rút cuộc lại đi liền với những phát biểu của Conte, rằng ông... chỉ là HLV. Ý của Conte là ông không có quyền mua sắm cầu thủ, coi như chẳng tăng cường được cầu thủ nào như mong muốn của mình.
Con số cụ thể thật ra không có giá trị so sánh cho lắm, vì giá cầu thủ tăng đều (và hơi phi lý) theo thời gian. Vậy, hãy so sánh trong cùng một thời kỳ. Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea bắt đầu từ mùa Hè 2003, với hơn chục cú chuyển nhượng “gây sốc”. HLV Claudio Ranieri muốn ngôi sao nào, Abramovich cứ việc chi tiền cao hơn đề nghị của mọi đối thủ cạnh tranh. Không thể mua được bằng tiền, thì sẽ mua bằng... thật nhiều tiền. Rút cuộc, Chelsea vẫn chưa có ngôi vô địch. Họ sa thải Ranieri và mời Jose Mourinho về cầm quân.
Mourinho mua sắm không ít, nhưng vẫn ít hơn so với mùa bóng trước đó. Khác biệt ở chỗ: hầu hết các cầu thủ mới đều ăn khớp với yêu cầu chuyên môn của Mourinho. Didier Drogba, Arjen Robben, Petr Cech sau này đều trở thành cái tên mà giới hâm mộ Chelsea sẽ không bao giờ quên. Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira đều có sự nghiệp gắn liền với Mourinho... Và tóm lại, thầy trò Mourinho đã để lại một mùa bóng lịch sử tại Stamford Bridge: lần đầu tiên vô địch Premier League, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ VĐQG, lập kỷ lục chỉ thủng lưới 15 bàn trong suốt mùa bóng...
Bóng đá luôn là như vậy. Nhìn xa hơn, càng thấy rõ cái quy luật tuyệt vời của môn thể thao vua. Nga, Mỹ, Trung Quốc đều không thể trở thành cường quốc bóng đá, dù thật khó nghĩ ra điều gì mà những siêu cường ấy... không làm được. Nếu cứ chi tiền để có thành công, thì môn bóng đá coi như cáo chung. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta không thể nói ngược lại, rằng... đừng ai mua gì! Cái việc “đi chợ” đối với một đầu bếp giỏi quan trọng biết bao. Chọn mua cầu thủ cũng vậy, đối với một HLV.
Cuối cùng, không chỉ có sự thành bại của đội bóng liên quan đến việc chọn mua cầu thủ. Chính các cầu thủ cũng sẽ thành công, hay thất bại, tùy theo cách chọn nơi đầu quân của họ.
XEM THÊM
Ziyech phát động đỉnh cao, Werner ghi bàn đầu tiên cho Chelsea
Bình Luận