Người ta hay nói bóng đá giống như cuộc sống. Trận quyết đấu Chelsea - Tottenham ở Premier League chính là một trường hợp như thế.
Khoảng cách hiện là 5 điểm, giữa vị trí số 4 và số 5 trong bảng xếp hạng . Đấy không phải là khác biệt khoảng 2 triệu bảng tiền thưởng, theo vị thứ chung cuộc của giải đấu giàu nhất thế giới. Đấy cũng không hẳn là khác biệt giữa việc được và không được dự Champions League mùa tới. Dự Champions League nghĩa là có tiền - rất nhiều tiền, tùy vào mức độ tiến xa cụ thể.
Với một đội chẳng bao giờ có tham vọng vô địch như Tottenham, tiền chia kếch xù từ có lẽ là phần thưởng lớn nhất mà họ chờ đợi mỗi mùa. Chelsea cũng vậy, nhưng với Chelsea, và cả HLV Antonio Conte, thì đấy còn là vấn đề đẳng cấp, uy tín, danh dự. Một cách đơn giản nhất: đây là trận đấu mà Chelsea “phải thắng”.
Thắng thì khoảng cách 5 điểm trở thành 2 điểm, và cuộc đua gần như cân bằng trở lại. Thua thì khoảng cách sẽ là 8 điểm - coi như mọi chuyện kết thúc. Nếu hòa, Chelsea cũng gần như thua, bởi san bằng cách biệt 5 điểm (và cả chỉ số phụ) trong giai đoạn nước rút này là rất khó khăn. Nói rằng thầy trò Conte “phải thắng” là vì vậy.
Cách đây không lâu, cả thế giới chờ đợi kết quả Brazil chiến thắng trong một trận đấu mà họ “phải thắng” - trận giao hữu trên sân Đức. HLV Tite (Brazil) đưa ra một đội hình mạnh nhất có thể. Đội bóng của ông thi đấu một cách chặt chẽ nhất có thể. Từ khâu chuẩn bị, cách tiếp cận cho đến diễn tiến cụ thể trong 90 phút, chẳng có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Brazil muốn thử nghiệm điều gì, trong một trận giao hữu. Với họ, đấy là “đá thật”, thậm chí còn là một cuộc quyết đấu - hòng ít nhiều xua đi ký ức về “thảm họa 1-7”, trong lần đầu tiên đôi bên tái ngộ.
Và đấy là trận hiếm hoi mà kết quả gần như lộ rõ từ trước khi bóng lăn, giữa hai đội bóng hàng đầu thế giới. Đức đâu cần thắng, thậm chí đâu có... đá thật. Họ ra sân với những ý đồ, mục đích riêng của mình. Một trong những ý đồ rõ ràng nhất: đấy chỉ là một cuộc thử nghiệm không hơn không kém. Brazil thắng đơn giản vì “thắng hay là chết”, trong khi đấy chẳng bao giờ là điều Đức quan tâm.
Có thể so sánh và áp đặt tình trạng “thắng hay là chết” của Brazil và đội Chelsea trong trận gặp Tottenham? Ở một mức độ nào đó, quả có như vậy. Nhưng lại có câu “cuộc sống muôn màu”. Chelsea (giống Brazil) phải bằng mọi giá giành được chiến thắng. Nhưng Tottenham lại chẳng giống Đức chút nào.
Tottenham không bị đẩy vào chân tường như Chelsea, nên không phải thắng bằng mọi giá. Nhưng họ cũng chẳng hề thử nghiệm, không có mục tiêu “giấu bài” như đội tuyển Đức. Họ không cần thắng, nhưng nếu thắng thì họ sẽ... được tất cả. Đôi khi, sự thanh thản trước một trận đấu lớn lại làm cho người ta thi đấu thanh thoát hơn, tự tin hơn, hay hơn.
Thầy trò Pochettino đang đứng trước hoàn cảnh quá tuyệt vời: “không có” gì để mất - chứ chẳng phải “không còn” gì để mất. Người ta chờ xem một sự thăng hoa nơi Tottenham, không phải vì bất kỳ câu chuyện “sống còn” nào, mà chỉ vì nếu điều đó xảy ra thì HLV Mauricio Pochettino sẽ được những siêu CLB như , Bayern Munich ve vãn. Ngược lại, người ta chờ xem một cuộc quyết thắng từ phía Chelsea chỉ để nhắc lại tình trạng đau đớn: có thắng đi nữa, HLV Antonio Conte vẫn sẽ... bị đuổi. Bất quá, cũng chỉ là sự “chia tay theo thỏa thuận” cho ra vẻ ngoại giao, thay vì dùng từ sa thải.
Không như trận Đức - Brazil, khác biệt rõ ràng ở trận Chelsea - Tottenham là bên nào cũng có thể thắng, vì lý do rất khác nhau. Bất công ư? Thế mới là bóng đá, là cuộc sống!
Bình Luận