- Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
- Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2020/2021
Số 9 ảo
Kane không có tên trong sách đăng ký, Gabriel Jesus thì ngồi dự bị, cả Tottenham và Man City đều xuất trận mà không có một tiền đạo thực thụ nào. Thống kê sau hiệp 1 sẽ cho câu trả lời rõ nhất về việc dùng "số 9 ảo" có hiệu quả không? Tổng số dứt điểm của hai đội: 13. Trúng khung thành? 0.
Không lạ khi Tottenham nhớ Kane sâu sắc, còn Man City thì ham muốn tột độ. Nhưng trong một thế trận áp đặt, City trông có vẻ cần Kane hơn cả Spurs. Ferran Torres được Pep Guardiola "quy hoạch" cho vai trò trung phong nhưng cầu thủ người Tây Ban Nha mất hút giữa hai cái bóng khổng lồ của Davinson Sanchez và Eric Dier. Với chỉ 27 lần chạm bóng, Torres chỉ hơn được mình Ederson.
Đúng là Man City đã lên ngôi vô địch mùa trước với một hệ thống không cần trung phong thực thụ. Nhưng đấy là một City có Kevin de Bruyne ở đỉnh cao phong độ, cũng như chưa bị đối phương nghiên cứu kỹ như bây giờ. Với những chân sút thậm chí còn không biết... sút, City sẽ ghi bàn kiểu gì?
Chính ra, sự khác biệt của City và Spurs không nằm ở Kane, mà mới chỉ dừng ở Son Heung-min thôi. Cũng phải thi đấu như tiền đạo cắm bất đắc dĩ nhưng Son hiệu quả hơn hẳn Torres hay Jesus (trong hiệp 2) của City. Santo đã kết hợp rất tốt Son cùng với Lucas Moura và Steven Bergwijn để tạo thành bộ ba dùng tốc độ quấy phá hàng thủ dâng cao của đội khách. Chơi phòng ngự và rình rập phản công, kể cả khi Son không tỏa sáng, Gà trống cũng đã chơi đúng bài hiệu quả nhất để khắc chế City.
Hệ thống mới của Nuno
Về phần tinh thần, một đội của Nuno Santo, như chính lời ông nói, sẽ phải chơi chắc chắn, không chỉ ở việc phòng ngự mà còn tấn công. Santo đòi hỏi sự lao động không biết mệt mỏi của học trò ở cả hai đầu cầu môn. Họ vừa phải đủ thể lực, vừa phải thật sắc sảo.
Đấy là phần hồn, còn về phần xác. Trong 4 năm ở Wolves, Nuno chỉ sử dụng sơ đồ 4-3-3 có 4 lần. Nhưng đây lại là sơ đồ ông chọn để mở màn mùa giải mới với đội bóng mới trước nhà ĐKVĐ. Nhưng nó đã hiệu quả như lời Santo hứa: Chặt chẽ và nguy hiểm.
Trong những tinh chỉnh của Santo, Oliver Skipp là trường hợp thú vị nhất. Tiền vệ 20 tuổi vứa có lần đầu tiên xuất phát ở Premier League kể từ tháng 3 năm ngoái sau một giai đoạn thi đấu cho mượn ở Norwich. Tuy nhiên, chẳng hề có sự xa lạ nào ở đây, Skipp đã hợp với Pierre-Emile Hojbjerg và Dele Alli tạo thành tam giác giữa sân khiến các tiền vệ của City nản chí mỗi lần tranh chấp.
Dele Alli cũng mang đến một cảm giác khác biệt, phát triển theo hướng chiến binh thay vì một gã "õng ẹo" bị fan chỉ trích suốt mùa trước. Alli quyết tâm gây ấn tượng với ông thầy mới và nó được thể hiện qua từng pha đấu tay đôi máu lửa vốn chưa bao giờ là sở trường của anh.
Nuno biết đội bóng của ông sẽ có rất ít bóng trong trận này, nhưng ông sẽ hỏi ngược lại đối thủ của mình: Man City sẽ làm gì với quả bóng khi phải đối đầu với một hàng tiền vệ chơi kỷ luật và cực kỳ linh hoạt giữa phòng ngự và tấn công.
Khi thời cơ đến, 4-3-3 chuyển thành 4-2-3-1, với Alli dâng cao chơi như "số 10". Cặp cánh Japhet Tanganga và Sergio Reguilón cũng được khuyến khích tham gia tấn công khi mà luôn có cặp Hojbjerg và Skipp đứng phía sau yểm trợ.
Thêm một chi tiết khác mà không nhiều người để ý là Santo muốn Man City dồn nhiều bóng cho... tân binh Jack Grealish. Sao lại vậy? Tại sao không ngăn chặn từ đầu mối nguy trị giá 100 triệu bảng này? Bởi lẽ theo góc nhìn của Santo, Grealish không phải mối nguy với Spurs, chí ít là trong giai đoạn này, mà lại là điểm yếu của City.
Vẫn giữ thói quen như ở Aston Villa, Grealish cầm bóng quá nhiều. Cộng thêm trách nhiệm tự tạo là phải tỏ ra khác biệt, Grealish liên tục loay hoay với quả bóng trong chân. Chính Grealish chứ không ai khác làm chậm đà lên bóng của City trong nhiều tình huống.
Để bóng cho Grealish cầm rồi xử lý bằng những tình huống 1 đối 1, lúc thì với Tanganga, lúc thì là Skipp, là cách mà Tottenham chọn. Thế nên, ngoài việc mang về 5 quả phạt, Grealish hoàn toàn vô hại.
Bình Luận