Phía trên, Pep dùng 2 tiền đạo (cho dù xét kỹ thì Sergio Aguero chơi lùi, Gabriel Jesus nhô cao). Tóm lại, không chỉ thay đổi nhân sự, Pep còn thay cả cách chơi, với những khác biệt lớn mang tính hệ thống, trong cả hai khía cạnh tấn công, phòng ngự.
Vài ngày trước đó, khi thắng PSG ở Champions League, Man City chơi theo sơ đồ 4-3-3-0: không có tiền đạo đích thực nào trong đội hình chính, với tiền vệ Kevin De Bruyne đứng giữa bộ ba tấn công, Phil Foden đứng bên cánh trái. Trước nữa, khi thắng Tottenham trong trận chung kết Cúp Liên đoàn, Man City chơi theo sơ đồ 4-2-3-1, với Foden đá ở vị trí cao nhất.
Một mặt, giới chuyên môn hay nói: lối chơi phải đi kèm với con người cụ thể. Mặt khác, người ta lại cứ gán ghép Guardiola với một “triết lý” nào đấy, có mối quan hệ sâu xa với cả huyền thoại Johan Cruyff - vốn là hiện thân của những giá trị bất di bất dịch. Đại khái, bóng đá trong suy nghĩ của Cruyff - khoan nói đúng hay sai - cứ phải là thế nọ hoặc thế kia. Không thay đổi, không giao thoa, không thỏa hiệp. Nhìn một đám con nít chơi bóng ngoài công viên, vẫn có thể nhận ra đứa nào thuộc về lò trẻ La Masia trứ danh, mà Cruyff là kiến trúc sư. Hoặc xem một trận bóng thời nay, qua màn ảnh trắng đen, vẫn phải thấy ngay đâu là đội bóng do Guardiola huấn luyện. Họ phải di chuyển như thế, chuyền bóng như thế!
Vậy, có gì mâu thuẫn khi trước mắt, Man City của Pep Guardiola thay đổi xoành xoạch từ sơ đồ chiến thuật, cách chơi, đến con người cụ thể? Mà chẳng riêng gì Man City, với những trận đấu cụ thể gần đây, ở các trận địa khác hẳn nhau. Từ Barcelona đến Bayern Munich rồi Man City, luôn có những thay đổi lớn, đôi khi có thể sổ toẹt “triết lý Pep”. Franck Ribery và Arjen Robben thoải mái chạy cánh như đúng cách chơi ưa thích của cá nhân họ, thay vì phải hướng đến lối chơi chung của toàn đội, thay vì tất cả phải đồng hóa với nhau như 11 Andres Iniesta ở Barcelona. Đến Man City, Pep lại hướng dẫn các hậu vệ cánh cách di chuyển vào giữa, vốn là đặc điểm chuyên môn không hề có ở cả Barcelona lẫn Bayern. Triết lý là triết lý nào!
Có vẻ như các đội do Pep huấn luyện muốn chơi kiểu gì cũng được, xoay quanh hoặc không xoay quanh nhân vật nào cũng được, ai đá vai trò gì cũng được. Đây là HLV nhiêu khê, phức tạp nhất mà thế giới bóng đá từng biết đến. Và thế rồi, Pep tiến luôn đến chỗ... đơn giản. Đỉnh cao của sự phức tạp chính là sự đơn giản. Mỗi cá nhân tự biết mình cần làm gì, thế là giải quyết được mọi yêu cầu về chiến thuật. Còn huấn luyện cá nhân sao cho mỗi người tự hiểu ưu, nhược điểm của mình, vai trò của mình, thì đấy lại là tuyệt chiêu của Pep rồi.
Bình Luận