HLV người Anh sắp ‘tuyệt chủng’ ở Premier League?

Sau khi Russell Martin và Gary O’Neil bị sa thải, chỉ còn 2 HLV người Anh ở Premier League mùa này, đó là Sean Dyche và Eddie Howe. Chưa bao giờ vị thế của các HLV nội tụt dốc thảm hại đến thế ở giải đấu cao nhất xứ sương mù.

HLV người Anh sắp ‘tuyệt chủng’ ở Premier League?

Khi HLV người Đức, Thomas Tuchel được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển Anh cách đây vài tháng, quyết định này đã vấp phải sự hoài nghi từ một bộ phận người hâm mộ Tam Sư. Điều này làm dấy lên câu hỏi tại sao lại thiếu những HLV người Anh phù hợp để đảm nhận vai trò này, và liệu Anh có cần cải thiện con đường phát triển cho các HLV nội địa hàng đầu hay không. 

Trong suốt 31 năm lịch sử của Premier League, chưa từng có HLV người Anh nào giành được chức vô địch quốc gia. Sir Alex Ferguson và Sir Kenny Dalglish (cả hai đều là người Scotland) là những HLV thuộc Vương quốc Anh hiếm hoi từng bước lên ngai vàng bóng đá xứ sương mù.

Cuối tuần qua, cả Gary O'Neil lẫn Russell Martin đều lần lượt bị Wolves và Southampton sa thải khỏi vai trò HLV trưởng. Những vụ mất việc này khiến số lượng HLV người Anh ở Premier League hiện tại giảm từ 3 xuống chỉ còn 2 người, đồng thời mất thêm một HLV người Scotland là Martin. Lúc này, chỉ còn Eddie Howe (Newcastle) và Sean Dyche (Everton) là hai HLV nội hiếm hoi còn tại vị. 

Đây là số lượng HLV người Anh thấp nhất trong lịch sử Premier League. Với việc Vitor Pereira (người Bồ Đào Nha) được coi là ứng viên hàng đầu cho ghế HLV trưởng của Wolves, cùng với Danny Rohl (người Đức) và Carlos Corberan (người Tây Ban Nha) là ứng viên sáng giá cho vị trí tại Southampton, con số này khó có thể tăng lên trong thời gian tới.

HLV người Anh sắp ‘tuyệt chủng’ ở Premier League?

Con số đáng báo động

Như được minh họa trong biểu đồ trên, sự chênh lệch về tỷ lệ HLV nội giữa Premier League và 9 giải đấu hàng đầu châu Âu khác là rất rõ ràng. Sau khi O'Neil bị sa thải, chỉ 10% HLV tại giải đấu hàng đầu nước Anh là người bản địa. Con số này thấp hơn nhiều so với Bundesliga, nơi 50% HLV là người Đức. Ở các giải đấu hàng đầu khác, tỷ lệ còn cao hơn nhiều: 56% HLV tại Ligue 1 là người Pháp, 70% HLV tại La Liga là người Tây Ban Nha, và đến 80% HLV ở Serie A là người Italia.

Ở mùa giải đầu tiên của Premier League (1992/93), có tới 15 HLV là người Anh. Khi đó giải đấu có 22 đội, nghĩa là 68,2% HLV trên ghế chỉ đạo là người bản địa. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm dần qua các thập kỷ. Mùa giải cuối cùng bắt đầu với số lượng HLV người Anh đạt hai con số là 2008/09, khi có 10 HLV người Anh. Trong 11 trên 16 mùa trước đó, con số này luôn đạt ít nhất 10. Dù vậy, từ mùa 2012/13, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4 và duy trì quanh mức này, ngoại trừ một vài mùa giải tăng lên 8. Giờ đây, số lượng HLV người Anh ở Premier League đã chạm đáy lịch sử.

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều yếu tố giải thích cho sự sụt giảm số lượng HLV người Anh. Premier League có lẽ đã trở thành giải đấu bóng đá mang tính toàn cầu nhất hành tinh, thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Sự toàn cầu hóa này cũng ảnh hưởng đến cầu thủ, với việc mùa giải 2024/25 chứng kiến các ngôi sao đến từ 61 quốc gia khác nhau. 

Hiện tượng này giờ đây cũng rõ ràng hơn bao giờ hết ở các HLV. Hiện tại, Premier League có tới 5 HLV người Tây Ban Nha (nhiều hơn gấp đôi số lượng HLV người Anh), 2 HLV người Bồ Đào Nha, 2 HLV người Hà Lan, cùng các HLV đến từ Áo, Đức, Australia, Italia, Đan Mạch và Bắc Ireland.

HLV người Anh sắp ‘tuyệt chủng’ ở Premier League?

Xét về nguồn cầu thủ Anh xuất sắc có tiềm năng trở thành HLV, đáng lẽ quốc gia này phải có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, "Thế hệ vàng" của bóng đá Anh lúc chuyển sang làm HLV đều chưa đạt được thành công đáng kể. Frank Lampard từng bị Everton và Chelsea sa thải, giờ đây làm việc tại giải Hạng Nhất Anh ở CLB Coventry. Wayne Rooney mất việc ở Birmingham, hiện cũng làm việc tại giải Hạng Nhất với Plymouth. Steven Gerrard từng bị Aston Villa sa thải, và giờ đây đang dẫn dắt CLB Al Ettifaq tại Saudi Pro League. Có thể do các phương pháp và động lực đào tạo HLV ở Anh đang thua kém so với các nước châu Âu khác.

Theo The Guardian, Tây Ban Nha có tới 15.089 HLV sở hữu bằng UEFA Pro hoặc UEFA A vào năm 2017, so với chỉ có 1.796 người ở Anh. Con số này thực sự đáng kinh ngạc. Chi phí đào tạo cũng là một vấn đề lớn. Năm 2017, chi phí để lấy bằng A tại Tây Ban Nha chỉ là 1.160 euro và bằng Pro là 1.293 euro. Trong khi đó, chi phí ở Anh lên tới 4.407 euro cho bằng A và 11.958 euro cho bằng Pro, và đó là nếu bạn có thể đăng ký được vào các khóa học ít ỏi tại trung tâm bóng đá St. George’s Park.

Để các HLV người Anh có thể thăng tiến và thành công, hệ thống đào tạo HLV ở nước này rõ ràng cần phải được cải tổ toàn diện.

Tương lai của Dyche được định đoạt
Theo Daily Mirror, tập đoàn Friedkin - chủ sở hữu mới của Everton - đã ra quyết định về tương lai của HLV Sean Dyche. Theo đó, họ đồng ý để chiến lược gia 53 tuổi tiếp dẫn dắt đội bóng thay vì sa thải ông. Trước đó, có nhiều nguồn tin cho biết biết Dyche đứng trước nguy cơ mất việc khi tập đoàn Friedkin hoàn tất việc sở hữu The Toffees từ Farhad Moshiri.

 

TỪ KHÓA: Premier LeagueAnh
    Bình Luận