"Tôi nhìn vào cậu ấy và thấy có một chút của Dennis Bergkamp, Robin van Persie, Dimitar Berbatov", Thomas Tuchel từng nhận xét về Havertz ở thời điểm năm 2021. "Kai có thể chơi ở vị trí lai giữa tiền đạo và hộ công, vì biết cách di chuyển, thoải mái chơi độc lập và tạo ra mối đe dọa thường trực ở một bên cánh".
Nhưng Havertz mắc vấn đề chung của mọi cầu thủ đa năng khác, đó là anh không quá nổi bật ở bất cứ vai trò nào. Havertz được biết đến nhiều với vai trò hộ công thời còn ở Leverkusen. Sang Chelsea, anh thường xuyên được đẩy lên vị trí cao nhất hàng công để giải quyết vấn đề "số 9" của The Blues. Nhưng bất chấp việc Havertz là người ghi bàn duy nhất giúp Chelsea đánh bại Man City để vô địch Champions League 2020/21, khả năng ghi bàn của anh chỉ ở mức tạm được, chứ chưa bao giờ xuất sắc.
Mùa 2022/23, Havertz ghi được 7 bàn ở Premier League, tương đương với... Granit Xhaka, một tiền vệ trung tâm của Arsenal. Đương nhiên, khó có thể chê trách cầu thủ sinh năm 1999, khi anh phải chơi trong một tập thể khủng hoảng của Chelsea. Nhưng kể từ lúc sang nước Anh, Havertz cũng chưa bao giờ ghi quá 14 bàn/mùa, thông số nói lên anh không phải một tiền đạo đích thực, đặc biệt của một đội bóng có tham vọng vô địch.
Và đó là điểm Havertz không bao giờ sánh bằng Bergkamp. Huyền thoại người Hà Lan thực tế cũng không phải là một "cỗ máy ghi bàn" theo định nghĩa hiện đại. Trong 4 mùa đầu ở Arsenal, Bergkamp ghi tối thiểu 14 bàn, cá biệt mùa 1997/98 anh ghi tới 22 bàn trên mọi đấu trường. Nhưng từ đó về sau, số bàn thắng của Bergkamp chỉ loanh quanh con số 10 mà thôi.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, theo thời gian, Bergkamp được HLV Arsene Wenger quy hoạch cho vai trò làm bóng nhiều hơn là tự mình ghi bàn. Chỉ là khi được đặt vào những tình huống cần quyết đoán, Bergkamp vẫn dễ dàng sút tung lưới đối thủ. Kỹ năng dứt điểm của Bergkamp đạt mức thượng thừa, đặc biệt là đòn sở trường "cứa lòng". Đấy là thứ vũ khí mà sau này, Thierry Henry đã học hỏi và nâng lên một tầm cao mới. Havertz thì không có một công thức ghi bàn cụ thể nào, từ đấy khiến số bàn thắng của anh luôn không ổn định.
Nhưng để nói về Bergkamp, chỉ dứt điểm thôi là quá ít. Chính tư duy chơi bóng đỉnh cao của Bergkamp mới là thứ đưa ông lên tầm huyền thoại. Đến một cầu thủ rất ít khi khen người khác như Henry cũng phải kính nể Bergkamp, chọn ông là đối tác ăn ý nhất sự nghiệp của mình thì đủ hiểu tầm vóc của Dennis như thế nào.
Cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất, ẩn dưới phong cách lãng tử là một Bergkamp vô cùng quyết tâm, chỉn chu, cầu toàn. “Dennis nghĩ về những thứ mà người khác chẳng thể nghĩ tới”, Patrick Vieira miêu tả về người đồng đội cũ, “Chỉ cần nhìn vào cách anh ấy ăn mặc, cách anh ấy thi đấu, bạn sẽ hiểu sự thanh lịch và hoàn hảo quan trọng với Dennis nhường nào. Khi thi đấu, Dennis luôn kiễng chân. Dennis là số ít cầu thủ tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để chứng kiến tận mắt. Để bắt chước những gì anh ấy làm, bạn phải theo chủ nghĩa hoàn hảo”.
Cựu HLV Arsene Wenger hoàn toàn đồng tình về nhận định này. Với ông, Dennis Bergkamp cực kỳ cầu toàn. Ngay cả cho đến những bài tập cuối cùng, Bergkamp không bao giờ xao nhãng hay lơ là trong những đường chuyền.
Khi những đường chuyền không hoàn hảo, tuyển thủ Hà Lan dĩ nhiên không hài lòng. Bergkamp luôn muốn làm mọi thứ thật hoàn hảo và với Wenger, điều đó thật bình thường với tất cả những cầu thủ hàng đầu chơi ở đẳng cấp cao nhất. Mọi người cần sự chuẩn mực, và sự chuẩn mực ấy mang tên Dennis Bergkamp.
Havertz không có được điều đó, chí ít ở thời điểm hiện tại. Ngôn ngữ cơ thể của Havertz gây khó chịu với nhiều người tại Anh khi nó luôn uể oải, thiếu sức sống. Havertz trông như thể chỉ đá bóng cho xong chuyện và đang lãng phí đôi chân thiên phú của mình. Chỉ khi Mikel Arteta có một kế hoạch chuyên biệt dành cho Havertz, nếu không phụ thuộc vào cầu thủ lười nhác sẽ là một nước cờ rất sai lầm.
Hãy nhớ, lãng tử thì cũng có lãng tử này và lãng tử nọ. Để làm được như Bergkamp, Havertz còn phải học rất nhiều.
Bình Luận