Khi đội bóng chỉ có ông chủ trường tồn...

Cách đây vừa tròn 10 năm, Abu Dhabi United Group (tập đoàn ADUG) mua lại CLB Manchester City. Và ngay lập tức, họ chi ra số tiền kỷ lục trong làng bóng Anh để tậu ngôi sao Robinho của Real Madrid.
Khi đội bóng chỉ có ông chủ trường tồn...
Robinho nói trong cuộc họp báo ra mắt: “Tôi đến đây vì Chelsea đã đưa ra một lời mời không cưỡng được”. Báo chí cẩn thận hỏi lại: “Ý anh muốn nói Manchester City?”. Robinho: “Vâng, Manchester City, xin lỗi”.

Câu chuyện nói lên phần nào khác biệt giữa Chelsea và Man City trong làng bóng Anh, ở thời điểm cách đây chỉ mới 10 năm. Và nếu Robinho vẫn còn ám ảnh với cái tên Chelsea kể cả sau khi đã ký hợp đồng với Man City, chúng ta hãy nhìn sang câu chuyện khác, để hiểu thêm về Chelsea.

Tỷ phú Roman Abramovich sang Anh tìm mua một đội bóng. Đấy không thể là một đội tầm thường, dĩ nhiên. Các quân sư đã chọn cho ông đội... Manchester United. Phi cơ bay qua bầu trời London và Abramovich lập tức cảm thấy ấn tượng khi ông nhìn xuống một sân bóng phía dưới. Phải mua đội này thôi. Nhưng đấy là sân Stamford Bridge của Chelsea, chứ không phải Old Trafford của M.U! Chẳng hề gì. Chelsea cũng quá tốt mà. Và đấy sẽ phải là đội tốt nhất trong vài năm nữa!

Abramovich đã mua được Chelsea cách đây 15 năm - gấp rưỡi thời gian tồn tại của Man City trong “kỷ nguyên Arab”. Nhưng khi hai đội gặp nhau trong trận đấu mang tính khai màn cho mùa bóng mới tại Anh, người xem không chỉ thấy Man City thắng 2-0 để đoạt danh hiệu Siêu Cúp Anh không chính thức. Người ta thấy rõ chênh lệch như đấy là hai đẳng cấp khác hẳn nhau.


Nhìn vào đội đang giữ chức vô địch Premier League với hàng loạt kỷ lục đi kèm, người ta thấy gì? Không chỉ thấy rõ hiện tại, mà cả tương lai nữa. Dĩ nhiên, người ta đều thấy Pep Guardiola, và các sản phẩm đi kèm với “thương hiệu” ấy. Man City thật ra đã từng vô địch Premier League dưới tay Roberto Mancini hoặc Manuel Pellegrini. Nhưng từ khi có Guardiola, họ đã vươn hẳn lên tầm cao mới. Tư thế mới, đẳng cấp mới, tương lai cũng mới.

Không ai nhìn vào Man City và thấy... ông chủ. Khaldoon Al Mubarak là ai? City Football Group hoặc Abu Dhabi United Group là như thế nào? Không ai quan tâm!

Đấy chính là khác biệt lớn nhất, giữa hai đội bóng đều phát triển chủ yếu bằng tiền đầu tư của chủ nhân mới trong làng bóng Anh. Chelsea chẳng phải là không thành công. Họ thậm chí còn vô địch Champions League, chứ đâu cần đếm số danh hiệu ở Premier League hoặc Cúp FA. Nhưng chức vô địch Champions League (2012), đến trong thời điểm đội bóng chỉ dùng một HLV tạm quyền (Di Matteo), hoàn toàn không nói lên đẳng cấp, không cho thấy tương lai, không xác định hẳn một tư thế hay quyền lực rõ rệt nào trong bản đồ bóng đá đỉnh cao.

Chelsea thành công đấy, rồi lại thất bại ngay liền đấy. 3 trong năm lần vô địch Premier League thuộc về Jose Mourinho - HLV đã đến Stamford Bridge hai lần và đều ra đi trong danh nghĩa bị sa thải. Carlo Ancelotti và Antonio Conte cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. HLV vô địch Champions League, Roberto Di Matteo, cũng vậy. Bây giờ, chắc người ta đã quên luôn Rafael Benitez - HLV tạm thời đã đưa Chelsea vào lịch sử chỉ trong 6 tháng cầm quân (vô địch Europa League, qua đó giúp Chelsea trở thành một trong số ít các CLB đã có đủ 3 cúp châu Âu).

Ở Chelsea, chỉ có một cái tên vĩnh cửu, đó là ông chủ Roman Abramovich. Đừng thắc mắc quá nhiều về “triết lý Maurizio Sarri”, hoặc lối chơi nào cho đội chủ sân Stamford Bridge. Và tất nhiên, người ta không thể hình dung đặc điểm chuyên môn của môn đội bóng bằng cách nhìn vào ông chủ!
    Bình Luận