Liệu Ten Hag có phải là vấn đề của Man United?

Rất nhiều thất vọng dành cho Ten Hag sau khi ông chính thức ra mắt Premier League bằng trận thua 1-2 trước Brighton. Sớm thôi, Ten Hag sẽ phải đối diện với sức ép. Hoặc ít nhất lúc này ông cũng đang bị đặt dấu hỏi về khả năng chuyển nhượng...

Chiến lược mua người quen 

Dĩ nhiên, Ten Hag phải là một HLV giỏi. Bởi chỉ có thể là HLV giỏi thì ông mới được tin tưởng trao cho chiếc ghế nóng bỏng nhất thế giới bóng đá trong gần một thập kỷ qua. Nhưng một HLV giỏi không đồng nghĩa là một GĐTT giỏi. Ten Hag là một dạng như vậy. Thế nên việc Ten Hag cần lắng nghe đội ngũ tư vấn về chính sách mua bán là rất quan trọng.

Nhìn vào những gì diễn ra trên TTCN Hè này của MU, không khó nhận ra xu hướng mua người của Ten Hag: Đó là việc ông luôn mua những cầu thủ mà ông biết hoặc tới từ giải VĐQG Hà Lan. Lisandro Martinez là cậu học trò cũ của Ten Hag ở Ajax. Tyrell Malacia, một tân binh khác của MU, cũng là người thi đấu ở giải Hà Lan và Ten Hag hiểu rất rõ cầu thủ này. Mục tiêu chuyển nhượng số một của Ten Hag, Frenkie de Jong, cũng là học trò cũ của ông tại Ajax.

Một mục tiêu quan trọng khác, tiền đạo Antony, cũng là người của Ajax. Chưa dừng lại ở đó, khi Ronaldo đòi ra đi và MU cần một tiền đạo chữa cháy thì người mà Ten Hag nhắm tới là Marko Arnautovic. Ít ai biết rằng Arnautovic cũng là dạng “người quen” của Ten Hag khi họ từng có thời gian ngắn làm việc chung tại Twente. Nếu không vì CĐV nổi giận với thương vụ này thì biết đâu Arnautovic đang trên đường tới Old Trafford thật. Tới đây đã rõ việc Ten Hag luôn muốn chiêu mộ những cầu thủ quanh lãnh thổ Hà Lan.

Thực tế, việc mua những gương mặt quen thuộc này không có gì lạ, đặc biệt là ở MU. David Moyes trong mùa Hè đầu tiên dẫn dắt MU cũng chiêu mộ Marouane Fellaini, cậu học trò thân thiết tại Everton. Louis van Gaal trong giai đoạn dẫn dắt Quỷ đỏ cũng mua Bastian Schweinsteiger và Memphis Depay, 2 cậu học trò cưng ở Bayern Munich và đội tuyển Hà Lan. Điểm chung của những vụ mua “người quen” này là gì? Tất cả đều là những bản hợp đồng thất bại.

Thiếu cố vấn giỏi

Nhìn rộng hơn, việc các HLV theo chiến lược mua cầu thủ “quen mặt” là điều bình thường. Nhưng phía sau họ vẫn cần một tổ tư vấn đủ giỏi để phân tích xem những người quen đó có phù hợp với lối chơi và triết lý của CLB hay không. Ví dụ, Antonio Conte ở Tottenham trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm ngoái cũng mang về 2 cầu thủ của Juventus là Rodrigo Bentancur và Dejan Kulusevski. Và cả 2 cái tên này đều đang trở thành trụ cột ở Spurs, góp công lớn vào việc Gà trống giành vé dự Champions League. Bởi phía sau Conte vẫn còn có Fabio Paratici, vị Giám đốc bóng đá tài năng, người rất giỏi săn đầu người, điều ông thể hiện từ thời còn làm Giám đốc kỹ thuật ở Juve.

HLV Ten Hag chưa thể mang đến sự tươi mới cho đội hình M.U

Ở Liverpool, Juergen Klopp cũng không phải quá quan tâm tới vấn đề chuyển nhượng của CLB. Bởi ông luôn được tư vấn kỹ càng bởi một tổ chuyên phụ trách chuyển nhượng, với người có vai trò quan trọng nhất là cựu GĐTT Michael Edwards. Năm 2017, khi Klopp định chiêu mộ Julian Brandt (lúc ấy còn đá cho Leverkusen) thì chính Michael Edwards với thuật toán lọc tìm của mình đã chỉ ra cho Klopp thấy Mohamed Salah mới là người phù hợp hơn. Phần còn lại thì ai cũng biết, Salah được đưa về Anfield và trở thành tiền đạo hay bậc nhất lịch sử CLB. Còn Brandt sang Dortmund và cũng không có gì nổi bật.

Tại Man City, Pep Guardiola có 2 bộ não cũ của Barca là CEO Ferran Soriano và Giám đốc bóng đá Txiki Begiristain hỗ trợ. Còn ở Old Trafford, Ten Hag có ai? John Murtough, tân Giám đốc bóng đá và Darren Fletcher, Giám đốc kỹ thuật. Nhưng vai trò của 2 người này vẫn còn rất mờ nhạt. MU đã rất muốn bổ nhiệm một người làm tổng quản chuyển nhượng là Edwin van der Sar, nhưng thương vụ tới giờ vẫn không thành.

Khi Ten Hag thiếu những người tư vấn thực sự giỏi thì chính sách mua “người quen” cũng cần phải được đánh giá kỹ.

Chiến thuật cũng là dấu hỏi?

Không chỉ chính sách chuyển nhượng, cả cách mà Ten Hag sử dụng nhân sự, chiến thuật trong trận đấu ở vòng một cũng bị đặt dấu hỏi. Cụ thể, ở trận gặp Brighton, tất cả đều bất ngờ khi Ten Hag bố trí Christian Eriksen đá số 9 ảo. Sự xuất hiện của Eriksen trong vai trò này khiến MU chơi tấn công bế tắc trong hiệp một, khi tiền vệ người Đan Mạch giẫm chân với Bruno Fernandes. 

Ngoài ra, khi Eriksen di chuyển rộng để tạo khoảng trống thì MU cũng thiếu một cầu thủ đủ thính nhạy để xâm nhập vào khoảng trống đó. Scott McTominay là người được khuyến khích dâng cao, nhưng anh lại không đủ trình độ kiểu như Ilkay Guendogan của Man City để tạo ra những pha đột nhập vòng cấm bất ngờ. Sang hiệp 2, khi Eriksen được kéo xuống thấp hơn thì MU mới chơi tấn công hiệu quả hơn. 

Dù mới ở vòng một, nhưng Ten Hag bắt đầu phải chịu nhiều sức ép ở MU. Liệu ông có phải mới chính là vấn đề của Quỷ đỏ? 

Ten Hag từ chối lời khuyên của Sir Alex
Trong trận gặp Brighton, Ten Hag đã cất Ronaldo trên ghế dự bị. Trong khi trước đó, Sir Alex Ferguson từng khuyên HLV này là “hãy luôn để cầu thủ giỏi nhất của mình vào sân”. Nhưng cuối cùng Ten Hag vẫn không nghe theo lời khuyên của Sir Alex. Thực tế, sau khi CR7 vào sân, M.U chơi tấn công tốt hơn hẳn. 

    Bình Luận