Đã rất lâu rồi Liverpool mới lại hung hăng đến thế trên TTCN. Và xét trên một quá trình dài hơi, The Kop đã thay đổi rất nhiều việc mua sắm để có được vị thế như ngày hôm nay.
Tám năm trước, tập đoàn Fenway Sports (FSG) mua lại Liverpool và mở ra một thời kỳ phát triển mới. Dẫu vậy, phải trải qua rất nhiều biến động, rất nhiều lần thử nghiệm, thay đổi, Liverpool mới tìm ra chiến lược mua sắm đem lại hiệu quả cho mình.
Lời chia sẻ mới đây của Juergen Klopp là lời tổng kết rõ ràng nhất: "Tôi không chắc chắn 100% nhưng có thể đây là năm đầu tiên chúng tôi không bán một cầu thủ trụ cột nào cả". Đúng vậy, Liverpool không bán trụ cột, thậm chí còn mua làm cả thế giới kinh ngạc về độ chịu chơi của mình. Sau đây là hành trình cụ thể.
2011
(Mua: 109,95 triệu bảng; Bán: 79,1 triệu; Chênh lệch: 20,8 triệu)
Với việc bán Fernando Torres cho Chelsea để thu về 50 triệu bảng, Liverpool không bỏ sót một xu nào khi cùng lúc mang về 2 chân sút cực "hot" thời điểm đó là Luis Suarez (Ajax) và Andy Carroll (Newcastle). Đặc biệt, Carroll phá kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử mua người của The Kop khi tiêu tốn 35 triệu bảng.
Nhưng rốt cuộc, Suarez (22,8 triệu bảng) mới là vụ đầu tư thông minh hơn. Tiền đạo người Uruguay trở thành trụ cột tại sân Anfield với khả năng thích nghi nhanh với môi trường bóng đá Anh, trong khi Carrool nhanh chóng chìm nghỉm và bị đẩy sang West Ham theo dạng cho mượn vào tháng 8/2012.
Nhìn chung, Liverpool đã chao đảo sau sự ra đi của Torres. Họ phải mất rất lâu mới tìm lại được sự ổn định trên hàng công.
2012
(Mua: 30,23 triệu; Bán: 14,3 triệu; Chênh lệch: 15,93 triệu)
Khi Brendan Rodgers lên nắm quyền vào đầu mùa 2012/13, ông lập tức đẩy đi 8 cầu thủ, trong đó có cả công thần Dirk Kuyt hay bản hợp đồng từng nhận rất nhiều kỳ vọng trước đó là Charlie Adam.
Đổi lại, Rodgers đầu tư vào những cầu thủ ít tên tuổi nhưng sở hữu tiềm năng lớn như Daniel Sturridge và Philippe Coutinho. Hai cái tên trên đều thành công trên phương diện nào đó, nhưng trường hợp của Fabio Borini hay Joe Allen đều kết thúc thất bại.
2013
(Mua: 65,3 triệu; Bán: 28,7 triệu; Chênh lệch: 36,6 triệu)
Như đã nói ở trên, Liverpool buộc phải thừa nhận Carroll là một thương vụ thất bại và để anh ra đi vào năm 2013. Dẫu sao thì vào thời điểm đó, Suarez đã rất nổi bật, còn Sturridge thì trưởng thành vượt trội trên hàng công.
Tuy nhiên, thành công của Liverpool lại nằm ở việc Rodgers đã gia cố hàng phòng ngự bằng 3 tân binh Kolo Toure, Mamadou Sakho và thủ môn Simon Mignolet. Đây là năm hiếm hoi Liverpool tỏ ra khôn ngoan trên TTCN.
2014
(Mua: 116,85 triệu; Bán: 72,875 triệu; Chênh lệch: 43,975 triệu)
Nhưng những chuyện tốt đẹp không kéo dài lâu. Sau World Cup 2014, Suarez chuyển sang Barcelona và để lại một lỗ hổng lớn trên hàng công như cách Torres từng làm. Số tiền mà Liverpool thu về là rất lớn nhưng không may như lần trước, họ lại không sử dụng khôn ngoan.
Liverpool bỏ ra không quá nhiều tiền để có được Mario Balotelli và Rickie Lambert. Nhưng một người có tài năng nhưng kỷ luật bằng không, một người chưa đủ khả năng để thi đấu cho đội bóng lớn.
Fan đặt nghi vấn về tham vọng của đội bóng, kể cả khi The Kop chiêu mộ bộ đôi của Southampton là Adam Lallana và Dejan Lovren.
2015
(Mua: 88,5 triệu; Bán: 76,02 triệu; Chênh lệch: 12,48 triệu)
Sau Suarez, đến lượt Raheem Sterling nối bước ra đi. Cùng với đó, biểu tượng sống của sân Anfield là Steven Gerrard cũng chuyển sang MLS thi đấu. Liverpool rơi vào khủng hoảng thật sự và đương nhiên mất phương hướng trên TTCN.
Trong số 9 cái tên được mua về, chỉ có Roberto Firmino và Nathan Clyne tạm chấp nhận được. Phần còn lại như Christian Benteke, Danny Ings, Marko Grujic... đều gây thất vọng sâu sắc.
Rodgers bị sa thải, Juergen Klopp lên thay vào tháng 10 và gây bất ngờ khi giúp đội bóng lọt tới chung kết Cúp Liên đoàn và Europa League.
2016
(Mua: 69 triệu; Bán: 86,5 triệu; Chênh lệch: 17,5 triệu)
Klopp có sự chuẩn bị chu đáo hơn ở mùa tiếp theo. Ông bắt đầu thanh lọc đội bóng và đẩy đi những cái tên thừa thãi như Benteke và Balotelli.
Klopp đề cao những cầu thủ có khả năng đóng góp cao vào lối chơi chung, do đó ông chọn Sadio Mane và Georginio Wijnaldum. Cùng với đó, bài toán thủ môn được Klopp giải đáp với Loris Karius. Tuy nhiên, người đồng hương lại không báo đáp được lòng tin của ông thầy gốc Đức.
2017
(Mua: 88,9 triệu; Bán: 47,25 triệu; Chênh lệch: 41,65 triệu)
Chiến lược mua sắm của Liverpool định hình, Klopp cũng xây dựng được kết cấu hệ thống mà mình muốn. Chính vì thế, ông chỉ việc bổ sung chứ không cần bán đi trụ cột nào.
Và thế là Mohamed Salah cùng Alex Ox-Chamberlaini xuất hiện. Đặc biệt, giá chuyển nhượng của Salah lên tới 39 triệu bảng, phá sâu kỷ lục trong lịch sử mua sắm của Liverpool. Tuy nhiên, người hâm mộ đã hiểu thế nào là "đắt sắt ra miếng".
Salah không những không đắt, mà còn là một món hời với Liverpool. Ox-Chamberlain cũng tiêu tốn của The Kop tới 35 triệu bảng và bộ đôi này đã chơi cực hay trong mùa ra mắt để giúp Liverpool tiến tới trận chung kết Champions League.
2018
(Mua: 252,75 triệu; Bán: 145 triệu; Chênh lệch: 107,75 triệu)
Liverpool đã thay đổi hoàn toàn. Họ tự mình thực hiện những thương vụ "bom tấn". Chính vì thế, tổn thương từ sự ra đi của Coutinho để lại không đáng kể.
Và Liverpool không chỉ dừng lại ở mức độ lịch sử của mình mà còn lập kỷ lục thế giới. Đầu năm 2018, Liverpool đón trung vệ đắt giá nhất thế giới Virgil Van Dijk (75 triệu bảng). Đến mùa Hè 2018, họ có thêm thủ môn đắt nhất thế giới Alisson Becker (65).
Và đó chỉ là 2 trong số nhiều cái tên mới đến tiêu biểu. Phần còn lại cũng toàn là hàng "khủng" như Fabinho (44), Naby Keita (55), Xherdan Shaqiri (13,75). Liverpool đã có một năm bận rộn khi tiêu tới 252,75 triệu bảng. Chưa bao giờ số tiền chênh lệch giữa mua và bán của họ vượt quá 100 triệu bảng (cụ thể là 107,75 triệu) như năm 2018, dù việc bán đi Coutinho mang về tới 105 triệu bảng.
TỪ KHÓA: LiverpoolNgoại hạng AnhAlisson BeckerVirgil Van DijkFabinhoNaby KeitaXherdan ShaqiriBình luận Bóng đá quốc tế
Bình Luận