Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Vấn đề đặt ra: vì sao có tình trạng này, khi Premier League luôn đầy ắp tiền để mua sắm ngôi sao?
Chỉ mất 15 phút trong trận đầu tiên kể từ khi trở lại Chelsea từ Inter, Romelu Lukaku đã mở được tỷ số trong trận derby London với Arsenal, ở Premier League. Đấy không bao giờ là một cú sút tuyệt luân, làm mãn nhãn người xem. Nhưng, đấy chính là vấn đề. Nhận quả tạt từ Reece James, Lukaku đệm bóng từ cự ly gần vào lưới trống. Coi như Chelsea đã hạ gục Arsenal ở thời điểm ấy.
Dĩ nhiên, Chelsea cần bàn thắng hơn là vẻ đẹp của pha ghi bàn (chưa kể: thế nào là bàn thắng đẹp?). Chỉ vài giây trước đó, Lukaku nhận bóng trong tư thế xoay lưng về phía đối phương, trả bóng cho đồng đội rồi xoay người di chuyển về phía khung thành Arsenal. Người ta đã phải thốt lên từ “tội nghiệp” để nói về nỗ lực đeo bám một cách tuyệt vọng của trung vệ Pablo Mari bên phía Arsenal. Cứ như Lukaku di chuyển trong chỗ không người. Bóng được chuyền đến James, và khi cầu thủ này tạt vào cho Lukaku ghi bàn, thì đấy hẳn nhiên là một tình huống không thể chống đỡ.
Khi đối phương không thể chống đỡ, thì đấy cũng là một nét đẹp? Mặt khác, chi tiết này nói lên rằng Arsenal coi như đã thua ở phút 15. Bởi họ sẽ không thể chống đỡ Lukaku – chứ vấn đề chẳng phải Lukaku ghi bao nhiêu bàn, đệm nhẹ hay sút sấm sét.
Hình ảnh Lukaku “bụng phệ” ở M.U trước đây đã hoàn toàn tan biến. Chế độ dinh dưỡng khoa học trong 2 năm chơi bóng ở Serie A đã biến Lukaku thành một lực sĩ nhanh hơn, bền bỉ hơn, mạnh mẽ hơn rất nhiều, so với Lukaku mà Premier League từng biết đến nhẵn mặt. Nhưng thật ra, bóng đá đâu phải chỉ gồm mỗi cái phẩm chất mà bình luận viên truyền hình phải lập tức gào lên mỗi khi Lukaku có bóng: “rất khỏe”! Cũng vì vậy, từ chuyện giảm cân đến chế độ dinh dưỡng của Lukaku ở Inter đều chỉ là tiểu tiết, chỉ nói cho vui. Chỗ mấu chốt là: khỏe… để làm gì.
Lukaku càn lướt vô địch thì quá rõ rồi. Nhưng anh biết nên đứng ở đâu, làm gì, để có một cơ hội đơn giản. Càng đơn giản thì càng hay. Bởi vẻ đẹp của những bàn thắng mà người ta thường phân tích – cự ly (càng xa càng đẹp), độ xoáy, hoặc hoàn cảnh sút bóng – đều chỉ để phục vụ người xem mà thôi. Các bàn thắng đẹp đều phải có độ khó cao. Tiền đạo giỏi thì lại phải biết cách làm sao để có cơ hội ghi bàn thật đơn giản!
Man City hoặc Liverpool không có trung phong giỏi? Tiền của Man City mua được cả thế giới đấy chứ! Nhưng ở đội bóng này thì chỉ có lối chơi của HLV Pep Guardiola là quan trọng. Và đấy hẳn nhiên là lối chơi không cần/yêu cầu/lệ thuộc một trung phong giỏi. Tương tự, dù khác về chi tiết cụ thể, là cách chơi riêng của Liverpool. Riết rồi các đội này không có trung phong, hoặc ai cũng có thể là trung phong.
HLV Thomas Tuchel cũng từng theo con đường ấy, khi ông đến Chelsea và thành công vang dội chỉ trong nửa mùa bóng. Timo Werner không bao giờ là một trung phong giỏi, nhưng cách chơi của Werner giúp anh có nhiều cơ hội. Vấn đề ở đây là khi có thêm một trung phong thực thụ và xuất sắc như Lukaku, thì Chelsea của Tuchel sẽ có nhiều phương án chiến thuật hay hơn đối thủ.
Con gà hay quả trứng?
Một thời, bóng đá Anh chỉ biết đến sơ đồ 4-4-2. Họ mặc nhiên bố trí một cặp trung phong, vì không có tiền đạo cánh? Hay vì bóng đá Anh chỉ chơi 4-4-2 nên vai trò tiền đạo cánh bị tuyệt diệt? Thay “tiền đạo cánh” bằng “trung phong”, chúng ta sẽ có đề tài tương tự ở Premier League hiện thời. Lối chơi khiến “Big 6” không còn trung phong giỏi, hay vì không có trung phong giỏi mà “Big 6” phải chơi theo kiểu không có trung phong?
Bình Luận