Cho tới phút 27 của trận đấu ở Etihad, khi Nathan Ake phải rời sân vì chấn thương và được thay bởi Rico Lewis, một hậu vệ cánh "xịn" (nhưng còn có thể đá tiền vệ và thực chất thường xuất hiện ở khu vực của các tiền vệ), không có một hậu vệ nào trong số 8 hậu vệ được hai HLV Pep Guardiola và Mikel Arteta sử dụng là một hậu vệ cánh đúng nghĩa. Bộ tứ vệ đá chính bên phía Man City gồm Akanji, Ruben Dias, Ake và Josko Gvardiol. Bên phía Arsenal là Ben White, Gabriel, Saliba và Jakub Kiwior. Tất cả đều là trung vệ.
Liệu đây có phải là một ý tưởng bất chợt của hai HLV? Có lẽ là không. Đây là một phần của xu thế lớn đang diễn ra không chỉ ở cấp độ CLB. Ở đội tuyển Anh, HLV Gareth Southgate đã bố trí Ezri Konsa và Kikayo Tomori đá hậu vệ cánh trong cả ba trận gần nhất. HLV Mauricio Pochettino cũng từng bố trí Levi Colwill đá hậu vệ trái ở Chelsea. HLV Erik ten Hag cũng nhiều lần sử dụng Victor Lindelof ở vị trí hậu vệ phải. Một phần vì MU thiếu người. Nhưng phần khác có lẽ là vì ông cũng nhìn thấy được lợi ích của các bố trí đó.
Câu hỏi ở đây là, vậy thì lợi ích ấy là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy nhìn lại một chút về sự “tiến hóa” của vị trí hậu vệ cánh. Trong tiếng Anh, hậu vệ cánh là full-back: back là ở phía sau, còn full là toàn bộ. Full-back đơn giản là chỉ lo phòng thủ. Tuy nhiên, theo thời gian, các hậu vệ cánh dần được đẩy cao hơn, tham gia vào khâu tấn công nhiều hơn. Ban đầu chỉ là vài lần dâng cao rồi tạt nhanh vào trong. Nhưng tới lúc, hậu vệ cánh gần như là nguồn cung cấp chiều rộng duy nhất, liên tục chồng biên, thậm chí cắm chốt bên phần sân đối phương.
Điều này cũng dễ hiểu. Sự tiến bộ của khoa học thể thao và dinh dưỡng đồng nghĩa các cầu thủ bây giờ có thể một mình quán xuyến cả hành lang biên, không ngừng chạy lên chạy về trong suốt 90 phút. Ở khía cạnh phòng ngự, khi đối phương thường chỉ đá với một trung phong, các hậu vệ cánh cũng không cần phải thường xuyên lùi về bọc lót. Ở khía cạnh tấn công, cũng vì chỉ có một trung phong, các tiền đạo cánh sẽ phải bó vào thường xuyên, từ đó mở ra không gian cho các hậu vệ cánh hoạt động.
Vậy thì tại sao lại có sự đảo ngược? Có hai lý do. Thứ nhất, vì các trung vệ bây giờ không còn là những gã lộc ngộc chỉ biết đánh đầu với phá bóng nữa. Gvardiol hay Ben White có thể không nhanh hay khéo như Robertson hay Alexander-Arnold, nhưng đủ sức xử lý trái bóng một cách nhẹ nhàng. Và thứ hai, bởi vì các đội bóng buộc phải chú trọng tới khâu phòng ngự hơn, trong đó phòng ngự chống lại các tiền đạo cánh giỏi ghi bàn trở nên sống còn. Để bắt chết, ví dụ, Salah, người thường từ cánh trái cắt vào giữa, sử dụng một trung vệ hay một hậu vệ cánh nhưng thuận chân phải vẫn hiệu quả hơn một hậu vệ thuần trái.
Ngoài ra, sử dụng một trung vệ đá cánh cũng giúp cho việc thiết lập hệ thống phòng ngự sớm trở nên nhanh chóng (và có thể hiệu quả) hơn. Thay vì kéo một tiền vệ trung tâm xuống hay một hậu vệ cánh vào giữa để tạo thành tuyến phòng ngự 3 người trước mặt thủ môn, cách nhẹ nhàng và trực diện nhất là để 3 “trung vệ” (trong hàng thủ 4 người) nghiêng vào giữa (hậu vệ cánh còn lại vẫn dâng cao).
Và như thế, tự nhiên ta thấy không còn cần “hậu vệ cánh” nữa.
Bình Luận