
Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Premier League
Dù thắng hay thua, Man City cũng chẳng còn gì để tranh chấp ở Premier League. Kết quả cụ thể không phải là điều quan trọng nhất với họ. Vậy, hãy bàn về lối chơi: Man City giữ bóng đến 72%... để làm gì, khi họ chỉ tung được 7 cú sút về phía khung thành đối phương?
Vào thay Bernardo Silva ở phút 60, Riyad Mahrez trở thành một trong những cầu thủ “đỡ” nhất của Man City trong trận này. Mahrez thực hiện được 2 đường chuyền tạo cơ hội cho đồng đội - bằng với tổng số đường chuyền tương tự của nguyên hàng tiền vệ trong đội hình chính. Nhưng, trong một pha bóng tưởng chừng hấp dẫn, Mahrez lừa qua đối thủ ở cánh phải chỉ để tạt bóng vào chỗ hoàn toàn không có cầu thủ Man City nào. Đấy là tận cùng của sự bế tắc: Man City gần như không có khả năng tạo dựng cơ hội trong trận đấu này. Bài bản phối hợp sụp đổ khi quả bóng được đưa đến khu vực tấn công, còn nỗ lực cá nhân chỉ là những cú đánh lạc lõng vào thinh không.
Đừng thanh minh rằng Man City không có Kevin de Bruyne, nói chung là không có đủ lực lượng mạnh nhất trong trận đấu này. Nói thế, bằng mười lần... chê Guardiola. Những lúc Man City thành công, Guardiola luôn bảo đội bóng của ông chỉ gồm những cầu thủ giỏi trở lên, không phân biệt ngôi sao với cầu thủ dự bị. Đấy luôn là một tập thể ăn ý, với phần đóng góp không nhỏ của những cầu thủ... ngồi ngoài. Mùa trước, Man City vẫn vô địch trước sự đeo bám đến mức đáng kinh ngạc của Liverpool, dù De Bruyne chỉ đá chính 11 trận. Tóm lại, Man City luôn chơi đồng đội là chính. Chỉ những cầu thủ mà Guardiola thấy rõ là rất thích hợp với quan điểm chuyên môn và cách chơi của ông mới được tồn tại trong đội bóng này.
Thất bại của Man City, do vậy, phải được hiểu là thất bại của cả một hệ thống chiến thuật, chơi theo một triết lý. Nó to hơn một trận thua thuần túy. Khi đụng phải một hàng thủ kiên cường, dày đặc, thì cách tấn công thiếu sáng tạo của Man City có thể trở nên vô nghĩa. Guardiola cho rằng M.U chỉ biết chờ đối phương mắc sai lầm. Kỳ thực, ai dám bảo đảm đội mình sẽ không bao giờ sai lầm (nghĩa là luôn bảo đảm được sự hoàn hảo)? Cái thua của Man City trong cả 2 lượt ở Premier League trước M.U cũng không khác gì cái thua của họ trước Wolverhampton, trong cả 2 lượt.
Thầy trò Pep Guardiola đã chiếm được ưu thế lớn trước Real Madrid ở Champions League, nhưng chưa đến mức đương nhiên đi tiếp. Vả lại, vượt qua Real thì cũng chỉ mới tiến đến vòng tứ kết. Các đối thủ tiếp theo hẳn sẽ nghiên cứu kỹ “bài học M.U” để đối phó với Man City. Đấy cũng là chỗ nguy hiểm trong thất bại vừa qua - vốn không mấy quan trọng đối với Man City ở Premier League. Cần nhớ một quy luật muôn thuở trong môn bóng đá: phòng thủ luôn dễ hơn tấn công. Kết quả của trận derby Manchester vừa qua trước tiên xuất phát từ việc Pep Guardiola không nghĩ ra được cách nào để xuyên phá hàng thủ M.U. Và Solskjaer chiến thắng trước tiên là vì hàng thủ của ông không thua.
Không có đủ hàng phòng ngự vững chắc và thiếu khả năng tạo đột biến ở hàng công, đấy là hai nhược điểm xuyên suốt của Man City trong mùa bóng này. Tất nhiên, không phải đội nào cũng khai thác thành công, như M.U hoặc Wolverhampton. Vấn đề là tử huyệt của Man City luôn bị phơi bày.
Đội bóng của Pep thường là như vậy 7 - Trong nghiệp huấn luyện, chưa bao giờ Pep Guardiola để thua nhiều trận trong một mùa bóng ở giải VĐQG như hiện thời: 7 trận, dù Man City còn phải đá 10 trận nữa. Thầy trò Pep dù đá ít hơn vẫn thua nhiều hơn cả... Wolverhampton! |
XEM THÊM
M.U thắng derby Manchester nhờ Bruno Fernandes có 'phép thuật'
HLV Solskjaer 'tâng' học trò lên mây sau trận M.U thắng thuyết phục Man City
Bình Luận