Một hiện tượng kỳ lạ
Marcus Rashford vẫn đang được tung hô không ngừng. Vào hôm 28/2, anh đã san bằng kỷ lục ghi bàn của đàn anh David Beckham tại Man United. Tuần trước, anh lại cùng các nhà lãnh đạo bóng đá toàn cầu, bao gồm tổng thư ký FIFA và các CEO của Premier League và Bundesliga, trên bục phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh bóng đá của Financial Times tổ chức.
Anh cũng là tiền đạo hiếm hoi của Man United cùng với nhóm tinh hoa lừng lẫy và nổi bật nhất đương đại như Messi, Neymar, Balotelli, Salah, Mbappe được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time. Dù bản thân anh chắc chắn không phải cầu thủ U23 tuổi phi thường nhất mà bóng đá Anh đang sở hữu.
Từ những trải nghiệm của bản thân ở thời niên thiếu đói nghèo, từ năm ngoái, Rashford đã sử dụng vai trò đại sứ của mình tại FareShare - một tổ chức từ thiện tái phân phối thực phẩm lớn nhất của Vương quốc Anh, để nâng cao nhận thức về các vấn đề xung quanh tình trạng đói ăn của trẻ em nghèo.
Anh đã hai lần buộc chính phủ phải ủng hộ việc cung cấp bữa ăn miễn phí ở trường cho trẻ em kém may mắn ngoài thời gian học và được cho là đã ảnh hưởng đến khoản chi tiêu trị giá nửa tỉ bảng của chính phủ Anh.
Rashford đã hợp tác với các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Aldi, Tesco và Kellogg để thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm giải quyết tình trạng thiếu thốn lương thực. Hơn thế nữa, tiền đạo trẻ của Man United cũng thường xuyên nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Mùa thu năm 2020, Rashford đã được Hoàng gia Anh trao Huân chương MBE để ghi nhận công lao giúp đỡ nhóm trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương tại Vương quốc Anh trong đại dịch COVID-19.
Bất chấp những quan chức phản đối chiến dịch của Rashford, chính chàng trai này đã làm nhiều việc để buộc ngân sách của chính phủ mở ra cho trẻ em nghèo hơn bất cứ ai khác. Ảnh hưởng của anh trong vai trò một cầu thủ bóng đá đã vượt xa theo cách mà chưa một ngôi sao trẻ nào làm được, kể cả Rooney hay Owen.
Nhưng bước tiến của Rashford đã nói lên điều gì về bóng đá? Anh có phải là một kẻ ngoại đạo trong một trò chơi ích kỷ và hướng nội, hay chỉ đơn giản là người đi đầu trong một ngành công nghiệp thể thao có thể làm được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội hơn những gì đã được ghi nhận? Và những giá trị nào mà anh đem lại cho Man United và toàn bộ nền bóng đá?
Nhà hoạt động thời đại dịch COVID-19
Marcus Rashford sinh năm 1997 tại Manchester và lớn lên ở khu vực Wythenshawe của thành phố. Là con út trong gia đình có mẹ đơn thân, mẹ anh, bà Melanie đã phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Rashford gia nhập học viện của Man United khi mới 7 tuổi, như một thủ môn, bất chấp lời mời của Man City, Everton và Liverpool.
Danh tiếng và tiền bạc còn xa vời với Rashford trong giai đoạn này: hoàn cảnh gia đình nghèo khó đã khiến thằng nhóc phải vật lộn để tập luyện bóng đá với hy vọng thoát nghèo. Chính hoàn cảnh và nỗ lực của Rashford đã khiến các HLV chú ý và nâng đỡ giúp cậu ta tiến bộ.
Rashford trở thành một tiền đạo lớn của Man United kể từ sau màn bùng nổ ở sân chơi bóng đá cao cấp vào mùa xuân năm 2016. Anh có các bàn thắng trong trận derby Manchester, tứ kết và bán kết FA Cup. Quỷ Đỏ đã vô địch FA Cup và cầu thủ 18 tuổi Rashford được tưởng thưởng bằng mức lương 20.000 bảng mỗi tuần.
Anh được công nhận ngay sau đó bằng vị trí chính thức trong đội Một, và trong 5 năm qua, Rashford đã khẳng định mình là trụ cột của thế hệ cầu thủ Man United hiện tại.
Cách đây 2 năm, anh đã tham gia hoạt động xã hội, khi hợp tác với nhóm Selfridges để phát những hộp đồ dùng cần thiết cho người vô gia cư. Nhưng đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Rashford mới thực sự tham gia tích cực. Anh tiếp cận FareShare vốn là để tìm các khoản quyên góp, nhưng thay vào đó, Rashford đã bị tổ chức này thuyết phục làm đại sứ cho họ.
Ban đầu, Rashford đã quyên góp được 20 triệu bảng Anh để phục vụ cho việc cung cấp bữa ăn miễn phí cho những trẻ em nghèo, đối tượng đáng lẽ ra sẽ được hưởng các bữa ăn đó tại các trường học trong thời gian đóng cửa trường lớp. Khi kỳ nghỉ Hè 2020 sắp đến, anh đã viết một bức thư ngỏ gửi chính phủ kêu gọi họ tham gia vào việc cung cấp bữa ăn cho những trẻ em khó khăn nhất của đất nước.
Ban đầu, lời kêu gọi của Rashford bị chính phủ Anh từ chối, sau đó họ đã phải miễn cưỡng chi 120 triệu bảng cho việc này. Đến tháng 10 năm ngoái, chính phủ lại miễn cưỡng chi khoản tiền tương đương cho việc cung cấp đồ ăn miễn phí cho trẻ em nghèo. Đến tháng 11/2020, chính phủ đã cam kết hỗ trợ 400 triệu bảng cho trẻ em nghèo và gia đình của các em đến Giáng Sinh năm 2021.
Rashford hiện là người mà Thủ tướng Anh thường gặp gỡ, bàn bạc những chính sách mà ông sẽ đưa ra trước nội các của mình. Ông Boris Johnson, dưới sự ảnh hưởng của Rashford, đã làm được điều không tưởng: châm ngòi cho ý thức của cả một chính phủ.
Dave Kelly - một thành viên công đoàn của thành phố Liverpool, người đã tổ chức chiến dịch "CĐV ủng hộ ngân hàng thực phẩm" và đang kiến nghị đưa "quyền được ăn" vào hệ thống luật - đã nhận xét về Rashford: "Chúng ta không thể đo đếm được những gì Rashford đã làm bởi đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng tình trạng nghèo đói vốn đã ở mức cao. Năm 2015, chỉ có những người vô gia cư hay nghiện hút mới cần đồ ăn cứu trợ. Đến giờ, kể cả những người có nhà cửa ổn định cũng bắt đầu nhận đồ ăn. Rashford đã mang lại tiếng nói của những người bị đói ăn vì đại dịch".
Cầu thủ có tầm ảnh hưởng chính trị lớn nhất thế hệ của mình
Rhodri Davies, trưởng phòng chính sách của Tổ chức Viện trợ Từ thiện (CAF), lập luận rằng, có một số yếu tố khiến Rashford trở nên độc đáo. Đó là ý thức rõ ràng về tầm ảnh hưởng cá nhân kết hợp với kinh nghiệm bản thân về một thời nghèo đói. Rashford rõ ràng đã đặt mình vào trung tâm của câu chuyện và khích lệ sự đóng góp của những người khác.
“Yếu tố này cho thấy Rashford sẵn sàng thừa nhận mình chỉ là một phần nhỏ của một sứ mệnh lớn lao. Nó trái ngược với hình mẫu Thánh Từ Thiện Đơn Độc, một hình mẫu dùng ảnh hưởng của mình để đem về những khoản tiền lớn cho hoạt động từ thiện nhằm chứng minh sự sáng chói của bản thân", Davies lập luận.
Một khía cạnh khác là cách mà Rashford đã xây dựng được một sự hỗ trợ rộng rãi ở cơ sở. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên giới cầm quyền, mà còn khiến họ khó có thể đứng ngoài cuộc thập tự chinh của một mình Rashford. Davies nói rằng bản chất chiến dịch của Rashford còn vượt ra ngoài việc làm từ thiện.
Việc một cầu thủ bóng đá kêu gọi chính phủ mở rộng chương trình bữa ăn ở trường là một yêu sách công lý. Dave Kelly đồng ý rằng đây là một yếu tố quan trọng. "Bạn có thể quyên góp được vài thùng mỳ tôm ở mỗi trận đấu, nhưng bạn sẽ không thay đổi được tình trạng nghèo đói nếu không có yếu tố chính trị".
Khi những phẩm chất này kết hợp với nhau, Rashford đã trở thành nhà từ thiện sân cỏ và cầu thủ có tầm ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ nhất trong thế hệ của mình.
Nhưng liệu Rashford có phải là một ngoại lệ, hay chỉ đơn thuần là một phần của xu hướng rộng lớn hơn và không được thừa nhận trong bóng đá? Khi lắng nghe chính phủ Anh nói về về năm đại dịch vừa qua, chúng ta tưởng như rằng cầu thủ này là người đơn độc trong lý tưởng của mình.
Từ việc thư ký y tế Matt Hancock phải yêu cầu các cầu thủ cắt giảm lương để đóng vai trò trong việc giải quyết đại dịch đến yêu cầu của chính phủ rằng EPL cần được bảo lãnh để nhận cứu trợ vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tất cả đều cho thấy giới bóng và những người làm bóng đá đều vô lương tâm, tham lam và hám lợi.
Nhưng những nỗ lực của Rashford không phải không có tác động đến những người xung quanh anh. Dave Kelly nói rằng Rashford “xứng đáng với mọi lời khen ngợi” bởi nhờ anh mà đã có nhiều cầu thủ khác sẵn sàng giúp đỡ mà không cần sự ghi nhận nào. Nhiều cầu thủ ở Premier League đã đến đóng góp cho ngân hàng thực phẩm hàng tuần một cách lặng lẽ.
Đoàn kết - Trung thành - Liêm khiết. Chính những đức tính đó đã đưa Rashford lên vị trí hàng đầu trong nhận thức của công chúng. Được phỏng vấn tại hội nghị thượng đỉnh FT Business of Football vào tuần trước, Rashford nói rất ít về thành tích của anh trong năm qua nhưng nhấn mạnh rằng anh được hưởng lợi từ sự ủng hộ của phương tiện truyền thông xã hội và hoàn cảnh của đại dịch để làm cho thông điệp của mình trở nên mạnh mẽ.
“Đó là một điều tích cực lớn có thể tạo ra sự thay đổi và làm điều đó vì những lý do đúng đắn. Instagram và Twitter đã cho tôi cơ hội không chỉ nói lên ý kiến của mình và nâng cao nhận thức của người khác mà còn để tôi hiểu hơn và kết nối nhiều hơn với người nghèo, hiểu biết nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn”, anh nói.
Đối với vai trò của chính mình, Rashford đã từ chối mọi tham vọng chính trị cá nhân trong tương lai. Thay vào đó, anh bày tỏ sự thất vọng khi môi trường chính trị hiện tại và sự thiếu hiểu biết của chính phủ về thực trạng của tình trạng nghèo đói ở trẻ em đã đặt anh vào vị trí như một liên kết hiệu quả giữa điện Westminster và hàng triệu người dân Anh quốc nghèo khó.
“Tôi cảm thấy như nếu ai đó được đặt vào một vị trí như vậy, ví dụ như một chính trị gia, thì họ phải được kết nối với từng tầng lớp và sẵn sàng giúp đỡ những gia đình này trong trường hợp đại dịch xảy ra. Thật không may khi tôi tình cờ ở vị trí đó. Nhưng đồng thời, tôi rất vui được giúp đỡ người nghèo và được mọi người ủng hộ bằng mọi cách”, Rashford nói thêm.
Bình Luận