Bất kể vì nguyên nhân gì, khi người ta miệt thị HLV Jose Mourinho đến “cạn lời”, rút cuộc chỉ để chứng minh ông đã quá tụt hậu so với Pep Guardiola hoặc Juergen Klopp và hoàn toàn không xứng danh “Người đặc biệt”, thì tiếc thay, đấy là nhận định “sai ngay từ đầu”, chẳng có chút giá trị nào. Từ nhiều năm trước, chính Mourinho đã thừa nhận ông... hết đặc biệt rồi mà!
Ai theo dõi bóng đá đỉnh cao cũng biết: mọi bậc thầy huấn luyện đều không thoát khỏi một chu kỳ thành công mà giới chuyên môn đã đúc kết là khoảng chục năm. Có thể kéo dài vinh quang lâu hơn một tí, tùy trường hợp, nhưng cuối cùng thì mọi HLV đều phải đến lúc... hết thời. Chắc chắn như vậy, bởi đây là vấn đề chuyên môn, là khoa học. Bởi bóng đá liên tục thay đổi qua các thời kỳ. Hồi Mourinho đem cúp UEFA với chức vô địch Champions League về cho đội bóng “nhỏ” Porto, thì Pep Guardiola còn đang chơi bóng ở tận Trung Đông. Mourinho vươn lên trước, thì bây giờ ông tụt hậu so với Guardiola là lẽ thông thường, chẳng có gì lạ.
Chiến thắng 3-0 của Dinamo Zagreb trước Tottenham trong lượt trận vừa qua tại Europa League không nói lên hết sự tụt hậu của Mourinho. Suy cho cùng, mọi chuyện đều có thể xảy ra trong một trận đấu ngẫu nhiên (đâu ai đoán nổi, rằng Tottenham của Mourinho thắng M.U đến 6-1 ở Premier League mùa này!).
Nhưng đây không phải là trận đấu ngẫu nhiên! Đây là thể thức knock-out, mà Tottenham đã thắng trước 2-0 ở lượt đi. Trong bóng đá hiện đại, khi một đội chuẩn bị đúng cách, vào cuộc với mục tiêu hợp lý và chiến thuật phù hợp đi kèm với mục tiêu ấy, thì đối thủ ngang hàng với họ rất khó lật ngược được cái tỷ số vừa nêu. Với một đối thủ thua sút về đẳng cấp, càng phải nhấn mạnh: đấy gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Thế mà Tottenham vẫn thua, mới ra vấn đề! Thủ môn Hugo Lloris nói rằng trận thua Zagreb đã phản ánh đúng những gì đang xảy ra trong nội bộ Tottenham gần đây. Điều này có nghĩa, Mourinho thất bại trong việc chuẩn bị, thua về kế hoạch. Vào thời đỉnh cao, Mourinho thành công bằng chính những điều ấy, nên mới nhận định: phương pháp của ông đã lỗi thời.
Tất nhiên, đấy chỉ là nhận định, không phải chân lý - bởi đâu ai biết rõ công việc cụ thể hàng ngày của Mourinho. Kết quả công việc của Mourinho buộc giới quan sát suy luận về sự tụt hậu của ông, giống như người ta nhìn vào bức chân dung và kết luận về đặc điểm bên ngoài của bạn - dù không hề trực tiếp thấy bạn ngoài đời thực. Thắng trước 2-0 mà vẫn bị loại thì cũng giống như dẫn đầu Premier League (sau 12 vòng, chứ chẳng phải 1-2 trận đầu vốn là vị thứ ngẫu nhiên) mà nay lại chỉ lặn ngụp ở vị trí thứ 8. Người ta không thể đánh mất những ưu thế quan trọng như vậy chỉ vì tính chất ngẫu nhiên, bất ngờ của môn bóng đá.
Nhưng, làm ơn đừng đay nghiến Mourinho một cách vô nghĩa nữa - Mourinho nói mình “Đặc Biệt” lúc nào (vâng, mười mấy năm trước thì có)? Đây là vấn đề của Tottenham, hơn là của Mourinho. Người ta có thể cố mua Lionel Messi (nếu được) trong mùa hè này. Nhưng, mua Messi ở tuổi 34 để chờ đợi anh đoạt Quả Bóng Vàng thêm 5 lần nữa - thì cũng giống như Tottenham tuyển Mourinho để ganh đua với Man City của Pep Guardiola. Điên!
Sa thải, bồi thường nổi không?
Hợp đồng của HLV Jose Mourinho ở Tottenham có thời hạn đến năm 2023, không hề có điều khoản nào cho phép CLB sớm chấm dứt hợp đồng. Mức lương của Mourinho là 15 triệu bảng/năm, tức khoảng 290.000 bảng/tuần. Con số này còn cao hơn cả mức lương của không ít ngôi sao đang tỏa sáng ở Premier League. Trong tình hình kinh tế suy thoái vì cơn đại dịch, Tottenham gần như không thể đền bù hợp đồng nếu họ sa thải Mourinho.
6. Tottenham khởi đầu năm 2021 bằng chuỗi 6 trận bất bại (thắng 5, hòa 1), rồi thua 6/8 trận kế tiếp, rồi lại thắng liền 5 trận, trước khi thua cả 2 trận gần đây nhất. Nếu có giải “đội bóng thất thường nhất trong năm”, còn ai tranh chấp được với Tottenham?
Bình Luận