Mâu thuẫn của Rasmus Hojlund

Rasmus Hojlund đang khiến người hâm mộ Manchester United phải đặt dấu hỏi về tài năng và phong độ thật sự của bản thân.

Nếu ở Champions League, Rasmus Hojlund săn mồi như hổ báo, thì ở Ngoại Hạng Anh, anh chẳng khác gì một chú mèo. Qua 7 trận đầu tiên tại Premier League, Hojlund không ghi bàn hay kiến tạo nào, và 007 là biệt danh mà tờ Marca (Tây Ban Nha) đã đặt cho tiền đạo của Manchester United (giờ thì đã lên đến 008).

Tại Ngoại Hạng Anh, chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Hojlund lại dao động từ 0,06 đến 0,22. Nếu tính đủ 8 trận đã chơi ở Ngoại hạng Anh thì tổng chỉ số xG của Hojlund là 2,73 - thấp đến thảm hại. Dù vậy kể cả có một bàn, thì Hojlund cũng không chạm chân nổi. Sky Sports chỉ ra rằng chỉ số dứt điểm trung bình trong 90 phút của Hojlund đang xếp thứ...100 tại Ngoại hạng Anh.

Nhưng tại Champions League, anh đứng trên đầu tất cả các tiền đạo tốt nhất Châu Âu ở danh sách Vua phá lưới. Hiện tại Rasmus Hojlund có 5 bàn, trong khi Haaland chỉ mới có 4 bàn. Hojlund cũng là cầu thủ MU đầu tiên ghi 5 bàn sau 4 trận đầu ở Champions League. Nếu Bruno Fernandes có phong cách đội trưởng … đích thực hơn một chút, thì anh chàng Hojlund này đã lập được hat-trick rồi.

Mâu thuẫn của Rasmus Hojlund còn là ở cách chơi. Không hiểu sao tại Champions League, Hojlund rất mắn bàn, bóng đến chân anh đôi khi tự nhiên đến lạ và anh chỉ việc đưa bóng vào lưới. Tại Châu Âu, những bàn thắng anh ghi được cũng rất ấn tượng từ nhả bóng, qua người, động tác giả và các cú sút đều chuẩn. Ngược lại thì tại Ngoại Hạng Anh, tiền đạo Đan Mạch ngây thơ đến lạ.

Trong trận Derby thành Manchester, Roy Keane đã cho rằng Rasmus Hojlund nên ngã xuống trong vòng cấm ở tình huống tranh chấp với John Stones. Lời nói thẳng và thật của Keane khiến anh nhận phải một đống gạch đá từ các nhà “đạo đức học online”. Nhưng ai xem bóng đá chuyên nghiệp mà chả biết Kean nói đúng. Chỉ trách Hojlund ngây thơ mà thôi.

Anh cũng ngây thơ trong cả việc kèm người để bị thành tác nhân thổi penalty trong trận đấu đó, khiến MU nhanh chóng vỡ trận. Ngoài ra, Hojlund cũng khá vô hại trong các tình huống tranh chấp bóng. So sánh cho dễ hiểu, ở Champions League, Hojlund thi đấu như Ruud Van Nistelrooy, còn ở Premier League, chàng trai này đá chẳng khác gì người đồng hương tiền bối người Đan Mạch Nicklas Bendtner. Danh tiếng của Đấng Bendtner như thế nào thì chẳng cần nhắc lại làm gì.

Nhưng lỗi có hoàn toàn ở Hojlund hay không thì chưa chắc. MU lúc này có khác gì thời loạn cơ chứ. Trong môi trường MU lúc này không cho Hojlund đủ những điều kiện tốt nhất để bùng nổ. Một ví dụ điển hình như nói qua ở trên là chi tiết Bruno vẫn đá penalty dù cho Hojlund đã có được 2 bàn thắng. Suy nghĩ thấu đáo, nếu có được hat-trick thì sự tự tin của Hojlund lai càng tăng cao. Nhưng Bruno lại có tính cách cằn nhằn, đổ lỗi và thiếu phong cách lãnh đạo thì Hojlund làm gì có hy vọng?

Đến Crstiano Ronaldo vĩ đại còn chẳng thể làm gì nổi với những vệ tinh ở MU, thì nói gì một chàng trai mới dừng ở mức tiềm năng như Hojlund cơ chứ? Thôi thì đợi vậy, chứ ngọc thô mãi không mài thì cũng chẳng sáng nổi.

MU SẼ LẠI CHIẾN THẮNG CẢM XÚC TẠI CHAMPIONS LEAGUE THÔI | BÓNG ĐÁ DIỄN NGHĨA (TẬP 3)
    Bình Luận