Ngay trong trận đấu đầu tiên với tư cách HLV trưởng MU, Moyes đã thắng, và đoạt luôn danh hiệu vô địch duy nhất tính đến bây giờ: siêu cúp Anh 2013. “Đầu xuôi đuôi lọt”? Hóa ra, ngược lại. Còn chưa đi hết mùa bóng đầu tiên trong trong bản hợp đồng 6 năm dẫn dắt MU, Moyes đã bị sa thải, dĩ nhiên là vì thành tích bết bát.
Năm ấy, MU có bước khởi đầu tồi tệ nhất trong lịch sử Premier League, khi liên tục thua Liverpool, Man City và West Brom, dù thắng Swansea ở trận ra quân. Đến khi bị sa thải thì Moyes trở thành HLV trưởng có thời gian dẫn dắt MU ngắn nhất trong vòng 82 năm. Ở trận cuối cùng của Moyes, MU thua 0-2 trước đội bóng cũ của ông là Everton, và đấy là lần đầu tiên trong 44 năm Everton thắng MU trong cả 2 lượt ở giải VĐQG.
Khi ấy, MU vẫn đang còn tư cách ĐKVĐ Premier League. Nhưng, từ đó đến nay, chưa bao giờ MU tiến gần đến cái danh hiệu quen thuộc mà họ đã làm chủ ở 13/21 mùa bóng trước khi Moyes xuất hiện. Muốn nói Moyes chính là HLV đầu tiên mở ra “thời kỳ tăm tối” cho MU, cũng chẳng đến nỗi vô lý.
Có một chi tiết kỳ lạ: cho đến sau chuỗi trận thua Liverpool, Man City, West Brom, xác định bước khởi đầu tồi tệ nhất của MU trong lịch sử tham dự Premier League, Moyes vẫn chưa hề mua cầu thủ nào ở mùa bóng ấy. Trên nguyên tắc, tân HLV của một đội bóng lớn khi nào cũng bắt đầu “triều đại” của mình bằng những cuộc mua sắm rầm rộ. Mặt khác, MU khi ấy là đội vô địch Premier League (mùa bóng 2012/13). Họ không thiếu tiền mua sắm ngôi sao. Vậy, vì sao Moyes không hề mua sắm, và ông có điều chỉnh gì sau bước khởi đầu thảm họa? Câu trả lời càng kỳ quái hơn!
Sự bổ sung duy nhất khi ấy, ngay trước khi thị trường chuyển nhượng khép lại, là tiền vệ Marouane Fellaini, từ Everton. Vô lý ở chỗ: giá chuyển nhượng khi ấy là 27,5 triệu bảng – nhiều hơn đến 4 triệu bảng so với giá… mua đứt hợp đồng của Fellaini ở Everton. Chi tiết này nói lên mọi sự cập rập, điên rồ, trong kế hoạch mua sắm của Moyes trong mùa hè 2013. Xuất phát điểm của kế hoạch ấy thì quá tuyệt vời: mua lại ngôi sao cũ Cristiano Ronaldo, chỉ 4 năm sau khi đã bán ngôi sao này cho Real Madrid với giá 80 triệu bảng, và ở độ tuổi rực rỡ nhất về phong độ của Ronaldo (28 tuổi).
Moyes yên tâm về vụ chuyển nhượng Ronaldo đến nỗi ông không cần kế hoạch nào khác. MU cũng yên tâm đến nỗi họ không bận tâm với thời gian dần trôi. Chỉ còn 2 năm hợp đồng với Real, nếu Ronaldo ra đi thì cũng là lẽ thường tình, và sẽ không có giá “khủng”, với khoảng thời gian còn lại ngắn như vậy. Hóa ra, Ronaldo chỉ “muốn đi” để Real nâng lương trong hợp đồng mới? Rút cuộc, Ronaldo gia hạn hợp đồng và tuyên bố anh chỉ biết Real là CLB hiện thời, và anh muốn gắn bó với đội này đến cuối sự nghiệp. Trong mùa hè sau đó, người ta lại thấy Sergio Ramos “muốn đi”, được Real tăng lương, và vui vẻ gia hạn hợp đồng với phát iểu tương tự!
Không mua được Ronaldo, MU nháo nhào chuyển hướng sang Gareth Bale. Moyes sang tận trụ sở của Tottenham ở London để đàm phán, kê giá lên cao hơn 15 triệu bảng so với đề nghị mua Bale của Real. Tottenham trả lời Moyes: họ cũng muốn bán Bale cho MU, nhưng quá muộn rồi. Bale chỉ muốn đến Real để… đá cùng Ronaldo – ngôi sao mà Bale tin chắc rằng sẽ ở lại Real! Trên thị trường vẫn còn Thiago Alcantara. Moyes… không biết cầu thủ này có hay lắm không. Thiago đến Bayern Munich, chơi rất hay. Cuối cùng, muốn mua đứt hợp đồng của Fellaini thì cũng… hết hạn. Moyes phải năn nỉ Everton bán tiền vệ này với giá cao hơn. Và với Fellaini, chẳng khác gì Moyes mua cho mình… kết cục sa thải.
Hồi đó mà MU của Moyes có Ronaldo như mộng tưởng, nhỉ!
Bình Luận