Việc Man United thất bại trước Liverpool cũng là điều được dự đoán, vì đến cả Leicester City, Aston Villa mà họ còn thua dễ, thì sao đấu nổi The Kop? Nhưng bất ngờ là ở cái cách Liverpool chiến thắng, và cách Man United thất bại. Với Man United, thất bại của họ không chỉ là một trận thua, đây là một sự xấu hổ.
Trên thế giới luôn tồn tại những cặp đấu khốc liệt, mà sự thù địch đó lại đến từ nhiều nguyên nhân bên ngoài sân cỏ. Ví dụ cặp đấu giữa Barcelona và Real Madrid mâu thuẫn sâu sắc vì vấn đề vùng miền và chính trị; cặp đấu giữa Celtic và Ranger mâu thuẫn vì tôn giáo, CĐV Celtic theo Công Giáo, còn CĐV Rangers theo Tin Lành. Thế còn cặp đấu Man United và Liverpool? Không phải đến từ chính tri, tôn giáo, mà đến từ kinh tế. Mối “thâm thù đại hận” sâu sắc bậc nhất lịch sử bóng đá Anh đến từ cuộc cạnh tranh mất việc làm vào thế kỷ 19 của công dân hai thành phố công nghiệp này, và họ đem sự bí bức đó vào trong bóng đá, giải tỏa những xúc cảm đó vào trong các trận cầu.
Derby nước Anh giữa Man United và Liverpool theo đó mà phát triển, vượt cao hơn một trận đấu thông thường. Và bạn hãy tưởng tượng khi trận đấu đêm Chủ nhật kết thúc, Mohamed Salah mỉm cười ôm trái bóng sau cú hat-trick kinh điển tại “Nhà hát của những giấc mơ”; còn Man United lần đầu trong lịch sử thua 0-4 sau hiệp 1, lần đầu trong lịch sử chứng kiến một cầu thủ Liverpool lập hat-trick kéo sập pháo đài Old Trafford, và lần đầu trong lịch sử chứng kiến một thống kê tệ hại: thua 5 bàn không gỡ, hơn đối thủ 6 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ.
Đấy là gì? Đấy là nỗi nhục và sự xấu hổ. Đối với những người đã yêu đội bóng này trong từng thớ thịt, dòng máu, và lớn lên bằng những câu chuyện của ông cha về mối hận thù với chính Liverpool, thì nỗi đau còn được nhân lên nhiều lần. Cảnh đoàn người lũ lượt rời bỏ “Nhà hát của những giấc mơ” vào phút 60 bên ngoài SVĐ ở trận đấu vừa qua sẽ là một trong những khung cảnh để đời và sau này sẽ còn được nhắc đến nhiều, và cũng phản ánh nỗi đau trong lòng những người Manchester.
Hôm Chủ nhật điêu tàn đó, chỉ có một cái tên duy nhất vẫn còn biết xấu hổ, đấy là Cristiano Ronaldo. Nhưng anh đã giải phóng sự xấu hổ đó bằng một hành động xấu khi co chân sút vào quả bóng đang trong người của Curtis Jones. Sẽ có người chê trách, nhưng sẽ có người thông cảm. Hành động của Ronaldo khác với Pogba. Ở Ronaldo là sự bức bối. Ở Pogba là sự cẩu thả. Ở Ronaldo là sự kiêu hãnh bị tổn thương. Ở Pogba là sự đỏng đảnh thành nết. Dẫu thế, cả hai đều có một điểm chung là sự bất lực. Màu áo đỏ đã bị tổn thương, nhưng chẳng ai giúp nó nhuộm lại sự kiêu hãnh. Cần phải có người chịu trách nhiệm cho việc này.
Bình Luận