Ở thời điểm cặp song sinh 8 tuổi, Jack và Tyler Fletcher, quyết định chọn gia nhập lò đào tạo trẻ của Man City thay vì của MU, nơi chứng kiến bố của mình - Darren Fletcher - trưởng thành và gặt hái được rất nhiều thành công, có thể nói rằng lò đào tạo vốn trứ danh của Quỷ đỏ đã chạm đáy. Cùng thời điểm ấy, vào tháng 11/2016, đội U15 của họ đã bị đội U15 của City vùi dập với tỉ số không tưởng 0-9.
Đó là một cú tát mạnh vào niềm tự hào và lòng kiêu hãnh của những người mang trong mình dòng máu Quỷ đỏ. Sau tất cả, thứ tạo nên giá trị đặc biệt cho MU không chỉ là các danh hiệu, mà còn là cách họ duy trì, nuôi dưỡng “dòng máu Quỷ” xuyên suốt lịch sử, xuyên suốt mọi cấp độ của đội bóng. Cách MU sử dụng các tài năng trẻ do chính mình đào tạo là độc nhất vô nhị, không chỉ ở Anh, mà trên toàn thế giới.
Trận đấu của MU với Crystal Palace ở Cúp Liên đoàn hồi tháng trước chứng kiến tài năng trẻ Dan Gore có màn ra mắt đội một. Gore là thành viên thứ 247 của lò MU làm được điều này. Điều đó cũng có nghĩa là, tính tới trước trận đấu với Man City cuối tuần này, MU đã có 4.221 trận liên tiếp - kéo dài suốt 86 năm - có ít nhất một cầu thủ “cây nhà lá vườn” trong danh sách thi đấu. Tính riêng trong giai đoạn hậu chiến, gần một nửa số cầu thủ đã khoác áo MU là sản phẩm đào tạo trẻ của chính CLB. Một thống kê thực sự khó tin!
Nhưng sự liên tục ấy đôi khi chỉ mang tính tương đối. Ở một số thời điểm, đặc biệt là giai đoạn hậu kỷ nguyên Sir Alex, chất lượng đào tạo của MU không tương xứng với danh tiếng của họ. Các cầu thủ trẻ vẫn được đôn lên và ra mắt đội một, nhưng rõ ràng là không ít trong đó được sử dụng cho đủ số. Những tiêu chuẩn vốn rất cao của MU thời Sir Alex đã bị hạ thấp một cách vô tội vạ. Nhiều cầu thủ rõ ràng không xứng đáng, nhưng vẫn ăn dầm nằm dề với đội một MU, vẫn hưởng lương cao trong khi chẳng có đóng góp gì.
Hai “thất bại” liên tiếp trong tháng 11/2016 đã khiến những người có trách nhiệm ở MU tỉnh ngộ. Họ biết rằng mình không thể tiếp tục bấu víu quá khứ, bấu víu con đường cũ được nữa. Hệ thống đào tạo của MU cần một sự thay đổi tới tận gốc rễ, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, nhân lực, sau đó là phương thức tuyển chọn và quy trình đào tạo. Nếu không thay đổi, MU sẽ tiếp tục bị bỏ xa, mà không phải bởi ai xa, bởi chính kình địch cùng thành phố.
Man City trong những năm qua đã đi lại chính con đường của MU thời Sir Alex. Một mặt, họ đầu tư rất nhiều tiền của cho công tác đào tạo trẻ, xây dựng những trung tâm tập luyện hiện đại, mời về những người giỏi nhất, và phát triển một mạng lưới tuyển trạch rộng khắp để đảm bảo không bỏ sót một viên ngọc thô nào. Mặt khác, họ đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho các cầu thủ trẻ. Chỉ những người đặc biệt nhất, như bây giờ là Phil Foden và Rico Lewis, mới có thể trụ lại được với đội một.
Mô hình của Man City đang giúp họ thu quả ngọt. Không chỉ ở chỗ các HLV của họ có nhiều lựa chọn hơn, mà còn tạo ra một nguồn thu không hề nhỏ. Riêng trong mùa Hè năm nay, City đã thu về tới hơn 160 triệu bảng việc bán đi các cầu thủ trẻ, trong đó ấn tượng nhất là vụ bán Cole Palmer cho Chelsea với giá hơn 40 triệu. Thử đặt giả thiết Palmer là người của MU thì sao? Có phải là họ sẽ tiếp tục giữ anh ta lại, bất chấp anh ta (giả sử thôi) không có nhiều đóng góp thực sự cho đội một?
Thực tế thì đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Nhưng thời gian gần đây, MU cũng đã bắt đầu cho thấy sự chuyển dịch trong tư duy. Hè này, họ đã bán Anthony Elanga cho Nottingham Forest với giá 20 triệu bảng, bán Dean Henderson cho Crystal Palace cũng với giá 20 triệu bảng. Zidane Iqbal cũng được đẩy sang đội bóng Hà Lan Utrecht, dù số tiền MU thu về chỉ là 850.000 bảng. MU đơn giản đã hiểu rằng họ phải hành động. Quyết liệt và cả khốc liệt hơn.
Những thay đổi ấy cũng đang bước đầu mang lại quả ngọt. Trở lại câu chuyện của chính anh em song sinh nhà Fletcher. Hồi tháng 7 vừa rồi, Jack và Tyler, nay đã 16 tuổi, quyết định đầu quân cho lò đào tạo của United. Nhiều người cho rằng lý do họ làm thế là bởi bố của họ đang là sếp ở United và do đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Nhưng không phải. Jack và Tyler nhìn thấy những sự thay đổi lớn lao trong hệ thống đào tạo của MU, ít nhất là so với khi họ quyết định chọn City 7 năm trước. Và họ cũng thấy được thiện chí của MU, thể hiện qua việc chi 1,25 triệu bảng đưa họ về.
MU rõ ràng đang nỗ lực hết sức để khôi phục lại vị thế đã mất. Đó là một hành trình không hề dễ dàng. City vẫn đi trước họ về nhiều mặt, từ mô hình quản lý tới năng lực đào tạo. Nhưng ít nhất thì Quỷ đỏ đã chịu thay đổi. Ít nhất thì họ cũng đã thể hiện là mình đang đi đúng hướng. Còn hơn là ngồi im, gặm nhấm hào quang quá khứ và trở thành kẻ thất bại toàn diện ở chiến trường mà họ từng thống trị.
Bình Luận