MU thua Man City cả trên sân lẫn người hâm mộ

Trong thời kỳ MU thống trị bóng đá Anh, Man City vẫn luôn tự hào bởi họ mới là những người bản địa Manchester. Quỷ đỏ đã gây dựng được lượng fan khổng lồ, tưởng chừng khiến "gã hàng xóm" không thể bắt kịp. Thế nhưng gió đang dần đảo chiều.

Tại trận chung kết FA Cup ở Wembley đêm 3/6, bên cạnh cuộc chiến nảy lửa dưới sân là màn khẩu chiến không hồi kết trên khán đài giữa cổ động viên hai đội. Fan Man City hô vang: "Thành phố (Manchester) là của chúng tôi, cút về London đi, thành phố này là của chúng tôi". Không phải tay vừa, fan MU đáp lại: "Thành phố nào là của các ông? Các ông có chắc không đấy, còn 20.000 ghế trống kìa".

Quan điểm "chắc như đinh đóng cột" của Man City về fan MU là họ đến từ London và không thể chỉ ra Manchester trên bản đồ. Trong khi đó, MU lại vin vào lý do những người hàng xóm của họ còn không đủ lượng fan lấp đầy chỗ trống trên sân vận động để châm chọc Man xanh. Nhìn chung, cả hai CLB luôn có lượng người theo dõi đông đảo. MU giữ kỷ lục về lượng khán giả kéo đến sân đông nhất trong một trận đấu đỉnh cao ở Anh, với 83.260 người chen chúc ở trận gặp Arsenal năm 1948. Bản thân trận cầu lịch sử này được diễn ra tại Maine Road - sân nhà của Man City thời điểm đó - khi Old Trafford đang được xây dựng lại sau khi bị đánh bom trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, Man City lại giữ kỷ lục về lượng khán giả theo dõi đông nhất trong một trận đấu quốc nội ở Anh (không bao gồm các trận chung kết), với 84.569 người đã kéo đến Maine Road xem trận đấu của đội nhà với Stock City ở FA Cup năm 1934. MU bắt đầu thu hút một lượng lớn fan bên ngoài Manchester sau thảm họa hàng không Munich năm 1958, khi nhiều CĐV bị thu hút bởi sự tái sinh của CLB dưới thời Matt Busby - người đã sống sót sau vụ tai nạn cùng 9 cầu thủ khác. HLV người Scotland đã dẫn dắt MU vô địch cúp C1 châu Âu 10 năm sau đó, với một tập thể bao gồm những người đồng đội còn sống sót như Bobby Charlton, Harry Gregg hay Bill Foulkes.

Man City cũng đạt được thành công rực rỡ trong cùng thời kỳ, vô địch First Division (tiền thân của Premier League) năm 1968, trước khi đăng quang FA Cup 1969. Một năm sau, Man xanh vô địch tiếp Cup Winners' Cup cùng League Cup. Dù vậy, kỷ nguyên vinh quang thứ hai của MU vào những năm 1990 đã giúp họ tăng lượng lớn cổ động viên ở cả Manchester lẫn thế giới.

Lượng fan của Man City ngày một đông

Khi Alex Ferguson tiếp quản MU năm 1986, một trong những điều đầu tiên ông làm là tăng cường mạng lưới tuyển trạch viên địa phương của CLB. Vào thời điểm đó, Man City có học viện đào tạo trẻ tốt hơn, song trọng tâm mới đã giúp MU vô địch FA Youth Cup năm 1992, với đội hình có Ryan Giggs, Paul Scholes, anh em nhà Neville, Nicky Butt và David Beckham. Trừ Beckham, tất cả đều là trai Manchester chính hiệu.

Những gì sau đó đã trở thành lịch sử, khiến Man City dần bị bỏ xa. Tuy nhiên, kể từ khi được chủ mới tiếp quản năm 2008, Man xanh đã có những bước tiến lớn trên toàn cầu. Thông qua City Football Group (CFG), họ đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn với các CLB ở Uruguay, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Brazil. Thật vậy, Man City hiện có 330 hội nhóm cổ động viên so với 277 của MU. 

Phạm vi tiếp cận toàn cầu của Man City đang giúp thu về những trải nghiệm khác biệt trong những ngày thi đấu, với lượng khán giả quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt là vào các đêm Champions League. Thực tế, thành công vang dội mà Man City thu về trên sân cỏ khiến câu hỏi thành Manchester thuộc về ai dần trở nên loãng đi. Các fan của Man City giờ đây vui mừng, hả hê hơn về sự thống trị của đội nhà trước MU trên khía cạnh danh hiệu lẫn lượng người hâm mộ toàn cầu, thay vì chỉ gói gọn ở Manchester như trước. 

Tóm lại, Manchester có thể vẫn là của MU cũng được, nhưng thế giới là của Man City.

Fan MU trên mạng xã hội vẫn áp đảo Man City
Thống kê tính đến tháng 3/2022 chỉ ra, MU đang sở hữu 180,2 triệu người theo dõi qua các nền tảng mạng xã hội gồm Twitter, Facebook, Instagram, TikTok và YouTube. Con số này gần gấp đôi so với Man City, khi tổng cộng đội bóng của Pep Guardiola chỉ cán mốc 91,4 triệu người theo dõi.

    Bình Luận