Trong suốt một thập kỷ qua, hành trình của các HLV thay thế Sir Alex Ferguson đều giống nhau một cách kỳ lạ. Không cần đợi tới tận Erik ten Hag, người hâm mộ đều biết HLV mới sẽ có những khoảnh khắc thăng hoa, thậm chí một mùa giải thăng hoa, nhưng sau đó cầu thủ không "chịu" đá nghiêm túc nữa và dự án đổ sụp. HLV cũ bị sa thải, người mới lên thay và "được" các cầu thủ ủng hộ một thời gian (phần lớn là để chứng minh người cũ đã sai) và vòng lặp bắt đầu. Câu chuyện của Louis van Gaal, Jose Mourinho hay Ole Gunnar Solskjaer trước đây đều thế, với kết thúc là chuyện mất kiểm soát phòng thay đồ.
Bây giờ, đổ trách nhiệm cho cá nhân có lẽ cũng bằng thừa. Sa thải HLV hay thanh lý một vài cầu thủ không giải quyết vấn đề trọn vẹn. MU đã mất văn hóa chiến thắng, thứ động lực thôi thúc cầu thủ cố gắng mỗi ngày vì bản thân, nhưng hơn hết là vì tập thể. Đã quá nhiều lần những ngôi sao nhận lương cả chục triệu bảng mỗi năm bị chỉ trích vì "thái độ" thi đấu. Thật sự, ở một môi trường chuyên nghiệp, đến nguyên tắc cơ bản còn đang lỏng lẻo thế này thì thắng trận thế nào được?
Bây giờ, quay lại với Ten Hag. Sa thải chiến lược gia người Hà Lan có làm MU tốt lên không? Câu trả lời là có, đôi khi có thể khẳng định chắc chắn, nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn mà thôi. Bởi lẽ với trình độ cầu thủ hiện tại, nếu kết hợp tốt, MU có thể thi đấu tốt hơn rất nhiều. Nhưng ở đây, vấn đề là họ thiếu động lực, thiếu nỗ lực, chứ không phải trình độ bản thân hay HLV.
Đặt lên bàn cân lợi ích, sa thải Ten Hag chỉ thỏa mãn thứ cảm xúc nhất thời của một bộ phận người hâm mộ muốn gom tất cả những vấn đề của đội bóng và đặt cho nó một cái tên. Nhưng không, MU có nhiều hơn một vấn đề, và tốt nhất là nên bình tĩnh sàng lọc xem ai thực sự đang cố gắng vì tập thể này.
"Trảm" Ten Hag, chỉ nhóm cầu thủ hư hỏng là mừng bởi vào sáng ngày mai, sẽ không còn người nào quát tháo họ trên sân tập và thi đấu nữa. BLĐ MU cũng từng vì không thể sa thải hết cầu thủ mà buộc phải sa thải HLV. Cách làm đó không hiệu quả và giờ phải có cách xử lý khác. Giữ Ten Hag lại chưa chắc đã đúng, nhưng sa thải ông trong thời điểm thì chắc chắn sai. Giữa 2 lựa chọn, chỉ có thể chọn cái ít rủi ro hơn mà thôi.
Sai lầm của một tập thể chưa bao giờ đi từ dưới lên, mà là đi từ trên xuống. Chính những vấn đề ở thượng tầng dần dà tạo nên văn hóa, thói quen xấu cho cả bộ máy. Những người đứng đầu CLB bị tất cả các phe gọi là nhóm lợi ích, chỉ muốn thu vén cho túi riêng. Với giới lãnh đạo như vậy, khó có thể đòi hỏi cầu thủ hi sinh vì màu cờ sắc áo. Hi vọng duy nhất bây giờ có lẽ nằm ở Jim Ratcliffe. Tỷ phú người Anh, với tiềm lực tài chính cộng thêm kiến thức chuyên môn, hi vọng sẽ biết phải làm gì để thổi bay thứ văn hóa xấu xí đã "ám" Old Trafford suốt nhiều năm qua.
Bình Luận