Man United bán không được
“Chúng tôi không muốn chi quá nhiều tiền vào một cầu thủ”, Giám đốc bóng đá của MU, ông John Murtough từng nói như vậy ở giai đoạn đầu đàm phán mua De Jong. Điều này có nghĩa ngân sách chuyển nhượng của Quỷ đỏ không phải quá dồi dào, trừ khi là họ bán đi được một số cầu thủ cần bán.
Nhưng thực tế là MU lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy đi các cầu thủ không còn chỗ đứng ở đội hình. Wan-Bissaka, Eric Bailly, Phil Jones, Axel Tuanzebe, Brandon Williams là những người thuộc diện như này. Nếu bán được những cái tên kể trên, chí ít Quỷ đỏ cũng thu về được vài chục triệu bảng, số tiền đủ để họ chiêu mộ thêm những cầu thủ chất lượng để tăng cường sức mạnh.
Nhìn rộng hơn, trong mùa Hè này MU đã đẩy đi 9 cầu thủ, nhưng số tiền họ thu lại chỉ là vỏn vẹn 9 triệu bảng từ vụ bán Andreas Pereira cho Fulham. Paul Pogba, người từng khiến MU tiêu tốn 89 triệu bảng để chiêu mộ từ Juventus cách đây 6 năm, đã ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do. MU đã nỗ lực mời tiền vệ người Pháp gia hạn hợp đồng, nhưng không thể, và cuối cùng là để mất trắng.
Jesse Lingard, Nemanja Matic cũng ra đi miễn phí. Alex Telles, hậu vệ cánh từng khiến Quỷ đỏ tiêu tốn 15 triệu bảng để mang về từ Porto hồi năm 2020, thì chuyển sang Sevilla thi đấu theo hợp đồng cho mượn. Tóm lại, 9 triệu bảng là con số mà MU thu lại từ bán người trong mùa Hè này.
Hãy so sánh với hàng xóm Man City. Trong Hè này, chỉ riêng 3 vụ bán Gabriel Jesus, Raheem Sterling và Zinchenko đã mang về cho Man xanh hơn 100 triệu bảng. Còn tính từ đầu năm 2022, Man City đã thu về gần 200 triệu bảng từ bán cầu thủ. Số tiền này lại được họ dùng để tái đầu tư với Erling Haaland, Kalvin Phillips, Julian Alvarez. Đó là sự khác biệt lớn giữa hai đội bóng cùng thành phố Manchester.
Mà mua cũng không xong
Bức tranh tổng quan ở MU mà ai cũng nhận ra rất dễ dàng: Họ không được dự Champions League, đội bóng mất tính ổn định và liên tục khi thay HLV như thay áo, cộng thêm bầu không khí độc hại được tạo ra khi Ronaldo cương quyết không thi đấu cho đội bóng. Một Quỷ đỏ như thế thì khó thể thuyết phục được ngôi sao nào chuyển đến Old Trafford. Hãy nhìn vào vụ De Jong là rõ nhất, khi mục tiêu số 1 của Ten Hag cứ năm lần bảy lượt từ chối MU.
CEO mới của Quỷ đỏ, ông Richard Arnold không tham gia nhiều vào việc chuyển nhượng của CLB như thời Phó chủ tịch Ed Woodward trước đây. Việc lên chiến lược chuyển nhượng của Quỷ đỏ được trao cho John Murtough, tân Giám đốc bóng đá và Darren Fletcher, Giám đốc kỹ thuật. Nhưng tài năng và tầm nhìn của bộ đôi này vẫn là dấu hỏi lớn.
Lisandro Martinez, bản hợp đồng đắt giá nhất của MU Hè này được mua về theo ý của HLV Erik ten Hag. Trung vệ này được miêu tả là có khả năng chơi chân tốt và phù hợp cho triết lý kiểm soát bóng mà Ten Hag đang xây dựng ở Quỷ đỏ. Nhưng vấn đề ở chỗ Martinez chỉ cao có 1m75 và đá ở trung tâm hàng thủ. Anh chính là trung vệ lùn nhất Premier League mùa này và liệu có thể thành công? Thực tế, Martinez cũng đã mắc rất nhiều lỗi ở trận ra mắt trước Brighton.
Christian Eriksen, một bản hợp đồng mới khác Hè này của MU, thực ra cũng là cầu thủ đã thất bại tại Inter, vừa qua cơn bạo bệnh 1 năm trước và cũng chỉ chơi tốt nửa cuối mùa 2021/22 ở đội bóng không có sức ép về thành tích là Brentford. Trước Brighton, Eriksen thậm chí còn được đẩy lên đá số 9 ảo và mất tích trong cả hiệp 1.
Sự khó hiểu của MU nằm ở chỗ họ đang nhắm đến cả Marko Arnautovic, người đã 33 tuổi để tăng cường cho hàng công. Ten Hag từng làm việc với chân sút người Áo thời còn dẫn dắt Twente, nhưng mang Arnautovic về Old Trafford sẽ là vụ mua sắm trong hoảng loạn của Quỷ đỏ trong nỗ lực giải quyết bài toán Ronaldo. Hay cả vụ chiêu mộ Adrien Rabiot cũng khó hiểu, một người ở Juve còn không cạnh tranh được vị trí chính thức. Thật khó tin sự ẻo lả của Rabiot có thể giúp anh trụ vững được ở môi trường đầy sức mạnh tại Premier League.
MU đang “đi chợ” kiểu thủng chỗ nào vá chỗ đó. Họ không giống như Man City hay Liverpool, 2 đội bóng mua về những cầu thủ phù hợp với triết lý chơi bóng của Pep Guardiola hay Juergen Klopp. Họ cũng thậm chí không bằng được Tottenham, đội bóng mà trong kỳ chuyển nhượng Hè này đã đưa về những người giàu cá tính (Richarlison), cơ bắp (Bissouma) và kinh nghiệm (Ivan Perisic) theo đúng yêu cầu của Antonio Conte.
Đã từ lâu lắm rồi MU không chiêu mộ được bản hợp đồng nào chất lượng như vụ Liverpool chỉ tốn có 7 triệu bảng để mua được Andrew Robertson từ Hull, người đang là hậu vệ cánh trái hay bậc nhất Premier League. MU đang mua sắm trong sự hỗn loạn, hỗn loạn như cách họ bổ nhiệm Ralf Rangnick làm HLV chữa cháy, rồi kiêm nghiệm vị trí cố vấn, và sau đó dứt tình với Rangnick ngay khi mùa 2021/22 khép lại.
Man United bị hoảng loạn cũng không có gì lạ
MU đang mua sắm trong sự hỗn loạn. Điều này được thể hiện qua các vụ họ nhắm tới Marko Arnautovic hay sắp mua thành công Adrien Rabiot. Dễ nhận thấy Arnautovic là giải pháp chữa cháy của MU khi Ronaldo cương quyết ra đi. Còn Rabiot là phương án B khi họ không mua được De Jong.
Nhiều người đang dặt dấu hỏi cho vai trò của John Murtough, tân Giám đốc bóng đá và Darren Fletcher, Giám đốc kỹ thuật ở Old Trafford. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, việc MU mua sắm trong sự hỗn loạn, vội vàng, vá víu là điều không có gì lạ trong 10 năm nay, cụ thể hơn là sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ.
Ví dụ như Hè 2013, đó là mùa Hè đầu tiên MU không còn Sir Alex trên ghế HLV. David Moyes đã được huyền thoại người Scotland lựa chọn là người ngồi lên chiếc ghế nóng thay thế mình. Ngay từ những ngày đầu của kỳ chuyển nhượng Hè năm đó, Moyes cùng các cộng sự đã phân tích tuyến cần tăng cường nhiều nhất của MU là hàng tiền vệ. Và ông đã đưa Cesc Fabregas làm mục tiêu số 1.
Thời điểm đó, Fabregas đang đầu quân cho Barcelona. Giữa tháng 7/2013, Phó chủ tịch MU, Ed Woodward lúc ấy đang ở Australia trong tour du đấu mùa Hè cùng cả đội. Sau đó, ông đã bỏ dở tour du đấu để trở lại Anh, trực tiếp đàm phán mua Fabregas.
Tuy nhiên, cuối cùng thì MU cũng không thể chiêu mộ thành công Fabregas. Tiền vệ người Tây Ban Nha ở lại Barca năm đó, rồi gia nhập Chelsea Hè 2014 và ngay lập tức trở thành ngôi sao sáng của The Blues trong mùa giải mà họ vô địch Premier League 2014/15. Năm đó, Fabregas cùng với Diego Costa tạo ra bộ đôi ăn ý đáng sợ nhất xứ sương mù.
Trở lại với MU, thất bại trong vụ mua Fabregas khiến Ed Woodward phải chữa cháy bằng vụ chiêu mộ Marouane Fellaini, cậu học trò cưng của Moyes ở Everton. Fellaini đến Old Trafford chỉ 1 tiếng trước khi TTCN mùa Hè năm 2013 khép lại. Và anh trở thành bản hợp đồng thất bại, bị Telegraph điền tên vào danh sách Top 10 vụ mua sắm tồi tệ nhất lịch sử Premier League khi mùa 2013/14 kết thúc.
Moyes bị sa thải chỉ sau 1 mùa giải ở MU. Và tới Hè 2014, Van Gaal cũng đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Mùa Hè năm đó, HLV người Hà Lan cần mua một tiền đạo. Nhưng người mà Ed Woodward mang về cho Van Gaal là Radamel Falcao, người cũng như Fellaini, tới Old Trafford vào ngày cuối cùng của TTCN mùa Hè 2014. Falcao trước đó đã nghỉ phần lớn cả mùa 2013/14 vì chấn thương, cũng chỉ là bản hợp đồng chữa cháy của MU. Và đây cũng là thương vụ thất bại khác.
Một điều kỳ cục ở Quỷ đỏ là họ thường bổ nhiệm HLV mới từ rất sớm. Họ công bố Moyes làm tân HLV thay Sir Alex từ ngày 9/5/2013. Một năm sau, ngày 19/5/2014, MU cũng thông báo việc Van Gaal sẽ thay thế Moyes. Jose Mourinho thì trở thành HLV Quỷ đỏ cũng từ 29/5/2016. Ten Hag thậm chí còn là HLV được bổ nhiệm sớm nhất sau thời hậu Sir Alex, khi từ ngày 21/4 thì MU đã công bố gương mặt HLV cho mùa giải mới.
Nghĩa là, Quỷ đỏ có rất nhiều thời gian để lên phương án nhân sự cũng như mua người để phục vụ triết lý của HLV mới. Vậy mà 10 năm qua, mùa nào họ cũng mua sắm trong sự hoảng loạn.
Ten Hag nói đỡ cho MU
Khi được các phóng viên hỏi về chiến lược chuyển nhượng của MU mùa Hè này, Ten Hag cho biết: “Bạn không thể mua linh tinh. Bạn phải mua đúng người. Chúng tôi có một tập thể tốt và chúng tôi có thể làm tập thể đó mạnh hơn nữa”. Đây là cách bào chữa khôn ngoan của Ten Hag cho một mùa Hè ảm đạm của Quỷ đỏ.
Bình Luận