Nhờ có Cruyff, Guardiola đang viết lại bóng đá Anh

Tính khả thi của việc đô hộ Ngoại hạng Anh bằng thứ "bóng đá tổng lực" đã được cố huyền thoại Johan Cruyff manh nha từ những ngày đầu và cậu học trò Pep Guardiola đã hiện thực hóa nó một cách hoàn hảo.
Nhờ có Cruyff, Guardiola đang viết lại bóng đá Anh
Với Johan, Ngoại hạng Anh là pháo đài cuối cùng cần chinh phục. Ông chưa từng có cơ hội làm việc tại đây nhưng luôn dành sự ngưỡng mộ dành cho bóng đá xứ sương mù. Johan càng vui hơn khi cậu con trai Jordi Cruyff là một thành viên của Man United.

Hai cha con đã nhiều lần nói chuyện về bóng đá Anh và Pep Guardiola cũng là một đề tài được nhắc tới. Ít nhất một lần trong năm, Johan và Guardiola lại cùng nhau chơi golf và dùng bữa trưa tại nhà hàng El Bulli ở Roses, Costa Brava. Họ không chỉ thư giãn mà là lên một kế hoạch táo bạo, mở đầu bằng lời tiên tri của Johan: Bóng đá tổng lực sẽ hiệu quả ở nước Anh.

Cruyff thư giãn bằng golf và cả bằng suy nghĩ về bóng đá
Cruyff thư giãn bằng golf và cả bằng suy nghĩ về bóng đá

"Chúng tôi đã rất nhiều lần bàn đến vấn đề này", Guardiola nhớ lại. "Trong bóng đá, sân đấu luôn có chiều dài như vậy. Johan tin chúng tôi có thể chơi theo cách mình muốn, ở đây (Anh), ở Trung Quốc hay bất cứ đâu. Đấy là trò chơi của 11 người đấu với 11 người, chiều dài tương đương. Do đó mấu chốt là cách cầu thủ di chuyển, với bóng hoặc không bóng, điều đó tạo nên sự khác biệt".

"Chúng tôi hay nói về việc Jordi chơi bóng tại đây. Johan luôn rất hào hứng về bóng đá Anh. Ông ấy là một fan cuồng nhiệt. Chúng tôi hiểu sự khác biệt ở nơi đây và điều gì khiến nó khốc liệt. Nhưng Johan bảo bóng đá Anh ngay trước khó hơn bây giờ, bởi lẽ chất lượng mặt sân tồi khiến họ thường xuyên phải chơi bóng dài".

Pep và Johan trao đổi với nhau rất nhiều
Pep và Johan trao đổi với nhau rất nhiều

Guardiola rất thân thiết với Jordi khi cả hai lớn lên cùng nhau và chỉ tạm chia tay khi cậu con của Johan chuyển tới Manchester. Giữa họ có sự tương đồng trong suy nghĩ. Nếu như Pep đang cố gắng xây dựng triết lý của Johan tại Manchester thì Jordi cũng đang làm điều tương tự, ở tận... Maccabi Tel Aviv, trong vai trò vừa là HLV vừa là GĐKT, suốt 6 năm qua.

Khi được hỏi về mức độ thành công của Guardiola ngày mới đặt chân đến Anh, Jordi tự tin: "Đó chỉ là vấn đề về thời gian. Đó là môi trường gần như là cuối cùng để ông ấy thể hiện mình. Và giờ Guardiola đã chứng minh rằng chuyền bóng từ phần sân nhà, tạo sức ép, trở nên linh hoạt, giữ bóng tối đa dù mạo hiểm, luôn là một cách để chiến thắng. Guardiola đã mang đến một thứ vô cùng mới mẻ đến nước Anh".

Pep và Jordi Cruyff
Pep và Jordi Cruyff

Nhưng không phải lúc nào Pep cũng thành công. Quãng thời gian đầu khá chật vật, điển hình là trận đấu với Leicester vào tháng 12/2016. Một ngày mưa mù trời tại King Power chứng kiến Jamie Vardy dễ dàng vượt qua cả John Stones lẫn Claudio Bravo để ghi bàn. Man City thua 3 bàn chỉ sau 20 phút và nhận thất bại chung cuộc 2-4. Nhưng đấy chỉ là một trong vô số những trận đấu tồi. Man City mới thắng 4 trên 15 trận từ đầu mùa.

Và phóng viên đã thắc mắc vì sao đội bóng của Pep không thắng nổi một pha tắc bóng nào trong 30 phút đầu. Ông thầy người Tây Ban Nha tức giận: "Tôi không phải HLV của tắc bóng. Bóng hai là phong cách điển hình tại nước Anh, nơi có rất nhiều pha tắc bóng. Nhưng tôi không dạy cầu thủ mình tắc bóng".

Man City từng thảm bại trước Leicester
Man City từng thảm bại trước Leicester

Là bối rối hay sợ sệt, Pep liệu có đang bao biện cho sự chậm thích nghi của mình? Ông nhớ lại: "Giờ có vẻ như tôi đã đúng vì Man City đã vô địch. Đương nhiên giành chiến thắng những pha tắc bóng là điều cần thiết. Tắc bóng là một phần của bóng đá. Nhưng có rất nhiều vấn đề khác trong bóng đá và tôi không chú trọng vào tắc bóng".

"Tôi hoàn toàn hiểu rõ. Đây là một nét văn hóa bởi người ta thích sử dụng thể chất và bóng dài tại nơi đây, điều đó tạo nên những hệ quả sau đó. Chúng tôi biết và nó rất quan trọng. Để thắng những trận đấu lớn, bạn phải thắng trong những cuộc đấu tay đôi. Mọi người nghĩ chúng tôi chỉ chuyền và cố giữ bóng. Không, không, không. Chúng tôi nói rất nhiều về cách phòng ngự. Nhưng chúng tôi không thua Leicester vì không thắng được tắc bóng, chúng tôi thua vì nhiều lý do khác".

Guardiola luôn nghĩ rằng với một đội hình được bố trí hợp lý, đội bóng của ông luôn có thể giành lại bóng ngay sau khi mất bóng và vẫn ở trên phần sân của đối phương. Nhưng Leicester thậm chí còn giành lại bóng nhanh hơn và ngay lập tức phất một đợt bóng dài lên cho Vardy. Họ chỉ cần 2 giây để chuyển dịch từ phòng ngự sang tấn công. Và Pep và đội ngũ của mình từng sốc khi chứng kiến cảnh đó.

Mỗi lúc khó khăn, Pep lại nhớ lại những tư duy của Johan
Mỗi lúc khó khăn, Pep lại nhớ lại những tư duy của Johan

Vấn đề là Pep khẳng định nguyên nhân chính không nằm ở triết lý của ông. Tiqui-taka, bóng đá tổng lực vẫn hoàn hảo, nhưng cần có con người phù hợp. Và trong hơn 2 năm qua, Pep đã chi hơn 400 triệu bảng để lột xác Man City. Từ một đội bóng già nua với sự lão hóa trầm trọng ở 2 cánh được thay thế bằng một đội hình hòa quyện giữa sức trẻ và kinh nghiệm, đặc biệt linh hoạt ở khả năng di chuyển.

Không phải lúc nào vấn đề cũng là tiền. Benjamin Mendy chấn thương, Pep thay thế bằng "người thừa" Fabian Delph và đôn măng non Oleksandr Zinchenko lên đội 1. Tất cả các cầu thủ chỉ là mảnh ghép của một hệ thống hoàn chỉnh. Pep không có trong tay Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo để phụ thuộc, ông phải chế tạo ra một đội hình tối ưu hóa các vị trí từ những gì đang sở hữu.

Quan trọng nhất, Pep thay thế Bravo bằng Ederson, một bước tiến dài của nền bóng đá Anh. "Bạn cần một cầu thủ thoải mái bới bóng và đủ dũng cảm để thi đấu", Jordi chia sẻ. "Người tối quan trọng là thủ môn. Giờ đây, thủ môn không chỉ là người chuyền tốt 10 hay 20 mét, họ cần chuyền chính xác 50 mét".

Ederson là bước tiến lớn của Pep
Ederson là bước tiến lớn của Pep

"Khi là đối thủ, bạn có thể nói: Chúng tôi sẽ để cho Man City giữ bóng và chờ đợi. Nhưng bạn biết dù thế nào đi nữa, Man City vẫn sẽ tìm ra khoảng trống và việc đưa quả bóng cho họ giữ không làm tăng cơ hội chiến thắng của bạn".

"Hoặc là, bạn có thể nói: Chúng tôi sẽ pressing tầm cao và khi họ mắc sai lầm, chúng tôi giành lấy bóng. Ít ra chúng tôi ở gần cầu môn của họ hơn và không phải chạy 80 mét để đến được đó", một giả thuyết hay của Jordi nhưng chính ông đưa ra biện pháp. "Tuy nhiên, nếu Man City sở hữu một thủ môn có khả năng không chỉ chuyền cho hậu vệ biên mà thậm chí là tiền đạo cánh, lối chơi của bạn còn có thể tác dụng? Bạn đưa họ bóng, họ giữ cho tới cùng. Bạn pressing, họ giải tỏa bằng một đường chuyền dài. Ederson có thể làm cả hai cách".

Hãy nhìn sang một khía cạnh khác. Arsenal "bất bại" của mùa 2003/04 giành chiến thắng 26 trận và ghi 73 bàn tại Ngoại hạng Anh. Giờ đây, khi mùa giải còn chưa kết thúc, Man City đã thắng 29 trận và ghi tới 98 bàn. Đây không phải là thành quả của một hay hai ngôi sao. Đây là chiến thắng của một tập thể dám chơi thứ triết lý của mình. Và với Guardiola, ông có thể hạnh phúc khi ngước lên trời xanh: "Ông ấy vui lắm. Johan chắc hẳn phải vui lắm khi chứng kiến chúng tôi và Ngoại hạng Anh của ngày hôm nay".
    Bình Luận