Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2020/2021
Bóng đá đỉnh cao trên toàn thế giới đã bị đình trệ vì Covid-19 từ giữa mùa bóng 2019/20. Nhưng mùa bóng 2020/21 vừa qua mới là tận cùng của sự thất vọng. Ngay từ đầu mùa, người ta đã phải chứng kiến các khán đài hoang vắng và phong độ uể oải của tất cả các đội, do không ai có đủ điều kiện chuẩn bị trước giải. Kết quả nhãn tiền: tính ngẫu nhiên tăng cao và ưu thế sân nhà hoàn toàn tan biến trong thứ bóng đá không có khán giả. Người ta vẫn phải ra sân, chơi cái thứ bóng đá “vứt đi” ấy, chẳng qua vì tiền.
Sau từng bước chào đón khán giả trở lại với số lượng nhỏ giọt thì ngay từ vòng đấu đầu tiên của mùa bóng này, Premier League đã được “bung lụa” với lượng khán giả đến sân không giới hạn. Bóng đá giữa những khán đài đầy ắp thì có khác gì cá gặp nước. Ưu thế sân nhà được tái lập như một lẽ đương nhiên.
Khác hẳn mùa bóng vừa qua, M.U không chỉ thắng mà còn thắng tưng bừng trước mắt 72.732 khán giả Old Trafford, trong trận ra quân gặp Leeds (5-1). Chelsea thì thắng Crystal Palace 3-0. Mùa trước, chỉ có đúng 1 trận (tính chung mọi giải), đội bóng của HLV Thomas Tuchel ghi được nhiều hơn 2 bàn. Giờ thì họ đã làm được điều này ngay trận ra quân, dĩ nhiên là trên sân nhà Stamford Bridge. Và tại sân nhà Brentford Community, nơi giới hâm mộ địa phương lần đầu tiên được xem Premier League ngay trước mắt, Brentford đã quật đổ đối thủ lớn Arsenal. Hình ảnh một cổ động viên lớn tuổi của Brentford khóc ròng trong trận thắng Arsenal chính là một trong những ấn tượng sâu đậm nhất của vòng đấu khai mạc Premier League mùa này. Tottenham thì thắng luôn ĐKVĐ Man City!
Qua biết bao công trình nghiên cứu xưa nay, người ta vẫn luôn thống nhất một điều cơ bản: sự ủng hộ của khán giả nhà là nguyên nhân lớn nhất làm nên cái gọi là “ưu thế sân nhà” trong bóng đá (hai nguyên nhân lớn còn lại là khác biệt về việc di chuyển và sự quen thuộc sân bãi. Đối với các trận derby thì thuận lợi do không cần di chuyển của đội chủ nhà tan biến. Sự quen thuộc sân bãi thì ngày càng ít quan trọng, do tiêu chuẩn quốc tế ngày càng chặt chẽ).
Vòng đấu khai mạc Premier League năm nay có 34 bàn thắng, 3,4 bàn/trận - một tỷ lệ ghi bàn “trong mơ”. Mà trong bóng đá, càng có nhiều bàn thắng thì xác suất hòa càng giảm đi. Tâm lý chung của khán giả trung lập khi xem bóng đá vẫn là mong muốn có nhiều bàn thắng và kết quả phân rõ thắng bại. Vòng đấu vừa qua không có trận hòa. Đương nhiên, khi có nhiều bàn thắng, khán giả đầy sân và kết quả hòa không xuất hiện, sẽ chẳng ai thấy lạ về “lẽ đương nhiên” cuối cùng: đa số đội chủ nhà chiến thắng. Đấy chẳng qua là những thống kê có liên quan chặt chẽ với nhau.
Trong loại hình bóng đá không có khán giả, các cầu thủ chủ nhà không còn phải chịu áp lực. Nhưng họ không chơi thanh thoát hơn, mà lại… vô trách nhiệm hơn. Nói nôm na thì giống như người ta làm việc mà không có ai giám sát. Bây giờ thì quá khác. Chẳng những tất cả đều phải tập trung tốt hơn, mà còn hung phấn hơn về mặt tinh thần, trước sức cổ vũ của khán giả nhà. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của bóng đá, đã mất đi trong mùa vừa qua, nay đã xuất hiện trở lại.
Khác ở cái thái độ!
Harry Maguire phòng thủ một cách ngu ngơ, không biết chính mình nên làm gì, khi M.U thua Tottenham đến 1-6. Còn ở trận thua Arsenal 0-1, Paul Pogba vô cớ xô ngã đối phương để chịu phạt đền. Đấy là Arsenal đang trong cơn mê (thua 7, hòa 2 trong 9 trận), mà M.U vẫn cứ chào thua, trong chuỗi 4 trận sân nhà đầu mùa bóng trước (hòa 1, thua 3). Các ngôi sao M.U quá vô trách nhiệm, bởi không có khán giả? Mùa này khác hẳn!
153 -144 - Đấy là “tỷ số” đã đi vào lịch sử, ở Premier League mùa trước. Các đội khách thắng 153 trận, trong khi các đội chủ nhà chỉ thắng 144 trận (83 trận hòa). Đây là mùa bóng duy nhất trong lịch sử giải VĐQG Anh, khách thắng nhiều hơn chủ!
Bình Luận